Theo báo cáo mới nhất về cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của ACBS, bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang biến động với lạm phát cao dẫn đến việc các ngân hàng trung ương lớn như FED đã tăng lãi suất và thực hiện chính sách tiền tệ khắt khe để đối phó với lạm phát. Điều này đã tác động đáng kể đến sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu tiêu dùng.
Kết quả, trong quý 1/2023, Việt Nam trải qua một sự suy giảm trong nền kinh tế với tỷ lệ tăng trưởng chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2009.
“Điều này chủ yếu là do sự suy giảm trong hoạt động xuất khẩu từ ngành FDI cũng như sự suy giảm trong ngành công nghiệp”, ACBS đánh giá.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều biến động, ACBS đã chỉ ra một số yếu tố rủi ro bên ngoài có thể làm tăng sự bất định đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023.
Cụ thể, môi trường lãi suất cao sẽ được duy trì ít nhất đến cuối năm 2023 dưới áp lực lạm phát và sẽ có tác động không tốt đến tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, FED, cùng với BOE và ECB đang ngừng tái đầu tư tài sản đáo hạn và bắt đầu thu hẹp giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán (còn được gọi là chương trình Thắt chặt Định Lượng) và tạm thời cho các ngân hàng thương mại vay qua cửa sổ chiết khấu (với số tiền cho vay kỷ lục là 153 tỷ USD).
Điều này có thể giảm áp lực lên lãi suất trong ngắn hạn nhưng tổng thể trong dài hạn áp lực tăng lên lãi suất vẫn còn, điều này có thể khó giảm lãi suất và ảnh hưởng không tốt đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Khi điều kiện tài chính tiếp tục thắt chặt, khả năng suy thoái kinh tế tăng lên và triển vọng tăng trưởng giảm xuống tại các quốc gia như EU và Mỹ.
"Đây vốn là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam nên hoạt động sản xuất và thương mại, vốn vẫn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam, dự báo sẽ chững lại trong năm 2023", báo cáo dự đoán.
Ngoài ra, ACBS cho hay, Trung Quốc đang từ từ mở lại nền kinh tế sau khi từ bỏ chiến lược zero-COVID. Song, khả năng tăng trưởng bền vững phải mất nhiều tháng tiếp theo mới xác định được. Dự kiến các hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục với tốc độ tương đối yếu trong 6 tháng đầu năm 2023, nhưng kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm 2023.
Những yếu tố giúp Việt Nam trỗi dậy từ khó khăn
ABCS nhận định, mặc dù lo ngại những sự kiện đó có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023, nhưng vẫn có những yếu tố sẽ giúp Việt Nam vượt qua được khó khăn.
"Nền kinh tế Việt Nam hiện tại rất giống hộp Pandora trong thần thoại Hy Lạp cổ, nơi “Hy vọng” trỗi dậy từ một chiếc hộp đầy rẫy chông gai. Trong đó, sự can thiệp của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng phía cung và kích cầu tiêu dùng phía cầu có thể là “Hy vọng” đang trỗi dậy, đem ánh sáng và sự thịnh vượng giúp Việt Nam thoát ra khỏi hộp Pandora", ACBS nhấn mạnh.
Cụ thể, từ phía cung, để giảm thiểu tác động suy giảm tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa thông báo sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6% xuống còn 5,5%, có hiệu lực từ 3/4.
Theo ACBS, dường như NHNN đang hành động để giảm chi phí vốn và khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận tín dụng và hỗ trợ hoạt động kinh doanh của họ. Ngoài ra, giảm chi phí vay có thể thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng của người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chúng tôi tin rằng Chính phủ và NHNN chỉ sử dụng chính sách tiền tệ như một công cụ bổ trợ thay vì một công cụ chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì chúng tôi nghĩ rằng NHNN đã hết dư địa để có thêm một đợt cắt giảm lãi suất bổ sung trong năm nay”, báo cáo đánh giá.
Bên cạnh đó, gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ ước tính khoảng 347 nghìn tỷ đồng (291 nghìn tỷ đồng cho gói hỗ trợ tài khóa và 56 nghìn tỷ đồng cho gói hỗ trợ tiền tệ), để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 mới được giải ngân khoảng 16% tổng gói. Nghĩa là, vẫn còn khoảng 290 nghìn tỷ đồng cần giải ngân trong năm 2023.
Bên cạnh đó, ước tính khoảng 680 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trong năm 2023 cần giải ngân. Việc này sẽ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2023.
Cuối cùng, thời gian gần đây Chính phủ đã thiết lập một số chính sách hỗ trợ cho ngành bất động sản như Nghị định 08 và Nghị quyết 33.
ACBS cho biết, các chính sách này giúp giảm áp lực thanh khoản ngắn hạn, khơi thông dòng vốn và khôi phục nhu cầu BĐS thông qua các các biện pháp hỗ trợ.
Theo đó, các chuyên gia của ACBS kỳ vọng sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ hơn để mở khóa dòng vốn cho thị trường bất động sản trong 3-6 tháng tới, đặc biệt là Luật Đất đai sửa đổi năm 2023. Bởi nếu Luật này được phê duyệt vào tháng 10/2023 và có hiệu lực từ Q2/2024, sẽ gỡ bỏ rào cản pháp lý trong việc phê duyệt các dự án nhà mới được loại bỏ, giúp nguồn cung nhà ở dần phục hồi từ năm 2024-2025.
Liên quan đến yếu tố hỗ trợ từ phía cầu, báo cáo của ACBS cho hay, Chính phủ ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.
Bên cạnh đó Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% cho tất cả hàng hóa và dịch vụ để kích thích nền kinh tế, chính sách này có thể hỗ trợ sự tăng trưởng hoạt động bán lẻ.
Dựa trên những căn cứ đã đề cập ở trên, các chuyên gia của ACBS dự kiến nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong khoảng 4,4% - 5,1% trong năm 2023.