Những ngày này ở Tokyo, Nhật Bản, chàng du học sinh Trần Thế Dũng (sinh năm 1995, quê Hải Dương) không lúc nào không mong ngóng về quê hương. Dũng bảo, phần vì ở quê cậu những ngày cận Tết có nhiều ca mắc Covid khiến cậu khá sốt ruột, phần vì nhớ bố mẹ.
Nếu như những ngày này năm trước, Dũng đang cùng gia đình quây quầy đón Tết thì năm nay cậu một mình tranh thủ ra siêu thị mua đồ về ăn suốt dịp lễ. Với cậu, việc này không khó khăn vì cậu đã tự lập vài năm nay, nhưng nó có phần nặng nề vì năm nay bữa cơm ngày Tết lại không có gia đình, và ở một nơi không phải quê hương.
Chàng du học sinh tâm sự: "Năm nay, mình cũng có ý định về ăn Tết nhưng do dịch nên không thể về được. Cho đến lúc này nhắc đến Tết mà không được ở nhà với bố mẹ thì cũng khá là buồn. Có điều internet phát triển nên có thể gọi điện facetime, chỉ không được ôm thôi (cười)".
Năm nay không thể về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình vì dịch bệnh, chàng trai Hải Dương không khỏi buồn và cô đơn.
Tiết lộ về cái Tết có lẽ "đặc biệt" nhất cuộc đời mình, Dũng bộc bạch: "Cuộc sống của du học sinh, kỹ sư ở bên Nhật khá là vất vả, thời gian là thứ quan trọng nhất đối với cá nhân mình. Nên thời gian để mình chuẩn bị Tết đầy đủ như ở Việt Nam là khó và cũng không đủ điều kiện để làm.
Mình và bạn sống cùng đã dự định làm mâm cơm Tết nho nhỏ toàn món đặc trưng của ngày Tết: đặt bánh trưng, giò, mua gà để luộc, cuốn nem. Bình thường thì vẫn ăn mấy thứ đó nhưng thêm tí không khí ngày Tết chắc sẽ ngon hơn".
Dũng cũng tiết lộ thêm, ở Tokyo cũng như ở Nhật nói chung có khá nhiều hội nhóm đồng hương và họp thường xuyên. Nhưng để đảm bảo vệ mình thì có lẽ dịp này cậu bạn sẽ không tham gia. Và điều đó được Dũng lý giải ngắn gọn rằng, năm nay cậu hoàn toàn đón Tết trong phòng trọ.
Ngày 26 Tết, Dũng đã kịp mời một vài người bạn là du học sinh như mình đến phòng trọ và thưởng thức món ăn quen thuộc của người Việt do chính tay cậu nấu. Được vào bếp trổ tài món Việt giúp Dũng cảm nhận phần nào không khí Tết truyền thống dù đang ở xứ người.
Một bữa ăn nhỏ đã được tổ chức vào ngày 26 Tết.
Dũng chia sẻ, dịch Covid-19 ở Nhật Bản bùng phát dữ dội từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2020. Cho đến khoảng sau Lễ Giáng sinh trở lại đây, dịch tái phát và nguy hiểm hơn. Đặc biệt là ở Tokyo, đỉnh điểm dịch 1 tuần liền có khoảng 2000 người nhiễm và có lúc cao lên đến gần 3000 người.
Thời gian này, Dũng nghe theo lời chỉ dẫn của bác sĩ, đeo khẩu trang, rửa chân tay, vệ sinh sạch sẽ ngay khi về nhà, tránh tiếp xúc đông người. Cậu bạn còn tự ý thức không đi ra ngoài nếu không có việc cần thiết.
Nói về Tết ở Nhật, cậu du học sinh cho hay bản thân đã tìm hiểu qua truyền thông và được biết người Nhật đón Tết Dương lịch bằng những chuyến đi thăm thú, giống như đi dã ngoại ngoài trời. Nếu nhìn một cách tích cực, cậu bạn cho rằng, Tết ở xa gia đình cũng là một cách giúp cậu trưởng thành hơn. Dũng khá tiếc nuối khi Nhật Bản đã bỏ Tết âm từ lâu nên cậu không có thời gian trải nghiệm dịp lễ này của người dân bản địa.