Nếu được hỏi Mặt trời có màu gì, chắc chắn phải đến 99,99% bạn trả lời rằng Mặt trời có màu vàng, phải không?
Nhưng sự thật thì không phải như vậy đâu.
Mặt trời của chúng ta thực chất có màu trắng. Chỉ là khi nheo mắt lại và nhìn vào Mặt trời, bạn sẽ thấy nó có màu vàng.
Theo các chuyên gia, chính bầu khí quyển của Trái đất đã làm ánh sáng của Mặt trời chuyển thành màu vàng, và hầu hết ánh sáng từ các ngôi sao khác cũng như vậy.
Cần nói thêm rằng, những màu sắc khác nhau mà chúng ta nhìn thấy là kết quả của các bước sóng khác nhau của ánh sáng được lọc ra trước khi tới mắt chúng ta.
Khi ánh sáng đi vào bầu khí quyển của chúng ta, hành trình của nó bị gián đoạn bởi các hạt khí. Những hạt khí này nhỏ hơn rất nhiều so với bước sóng của ánh sáng mà nó làm gián đoạn, dẫn tới hiện tượng gọi là tán xạ Rayleigh.
Bước sóng ánh sáng tương ứng với các màu sắc mắt người có thể nhận biết được
Tán xạ Rayleigh (gọi tên theo nhà vật lý Lord Rayleigh) là một loại tán xạ ánh sáng bởi các hạt hay vùng không đồng nhất trong môi trường có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với bước sóng của ánh sáng. Kiểu tán xạ này làm lệch hướng mạnh các tia sáng có bước sóng ngắn.
Có nghĩa là tia sáng có bước sóng càng ngắn (như ánh sáng màu xanh) thì sự tán xạ lại càng mạnh hơn; ánh sáng bước sóng dài (ánh sáng màu đỏ) thì tán xạ ít hơn.
Việc kết hợp tất cả các bước sóng ánh sáng lại - đỏ, cam, vàng, xanh, lam, tím, xanh lá cây - chúng ta có ánh sáng trắng.
Đây cũng chính là lý do tại sao chúng ta thấy bầu trời có màu xanh, ánh nắng rực rỡ có màu đỏ lúc chiều tà và Mặt trời lại có màu vàng.
Tuy nhiên, nếu 1 lần được bay vào không gian mà không có bị làm phiền bởi bầu khí quyển Trái đất, bạn sẽ thấy Mặt trời thực ra có màu trắng ngay trước khi mắt bạn bị thiêu đốt.
Nguồn: thoughtco