98% hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của doanh nghiệp Việt này

Pha Lê |

Sở hữu hệ sinh thái đa dạng, với nhiều ngành nghề kinh doanh, công ty này nằm trong top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

CTCP Tập đoàn Masan (MSN) được thành lập từ năm 2004, dưới tên là Công ty Cổ phần Hàng Hải Ma San. Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của Masan là hàng tiêu dùng và khai khoáng. Đến năm 2019, công ty chính thức tham gia lĩnh vực bán lẻ sau khi mua lại chuỗi Vinmart từ Vingroup. Trải qua 20 năm đầu tư và phát triển, theo nghiên cứu tại Việt Nam có hơn 98% hộ gia đình sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của Masan.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2024, MSN ghi nhận doanh thu thuần đạt 18,855 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Mảng kinh doanh cốt lõi là bán lẻ - tiêu dùng gồm các công ty Masan Consumer Holdings (MCH), Công Ty Cổ Phần Dịch Vụ Thương Mại Tổng Hợp Wincommerce (WCM), Masan MEATLife (MML) tăng trưởng tích cực bù đắp cho sự sụt giảm của các công ty còn lại như Masan High - Tech Materials (MHT), Phúc Long Heritage (PLH). Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt 479 tỷ đồng, tăng trưởng 9,1%.

98% hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của doanh nghiệp Việt này- Ảnh 1.

Cơ cấu doanh thu của MSN. Nguồn: MSN, KB Securities Vietnam

Những trụ cột chính của Masan

Ngành hàng Thực phẩm tiện lợi, Đồ uống và Chăm sóc cá nhân của MCH trong quý 1/2024 tăng lần lượt 10,3%, 23,4% và 15,2%. MCH tiếp tục là chủ lực gia tăng doanh thu toàn tập đoàn, với những chiến lược mở rộng thị trường và danh mục sản phẩm.

Tại Đại hội cổ đông vừa qua, ban lãnh đạo công bố MCH sẽ xây dựng mô hình FMCG mới, sẵn sàng bước vào những thị trường rộng lớn hơn nhằm mở rộng quy mô doanh thu cho công ty, tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn. Trước đây, MCH đã ra mắt nhiều dòng sản phẩm bắt đầu từ nhà bếp đến tủ lạnh, phòng khách, phòng tắm, về cơ bản đã phục vụ cơ bản đầy đủ các nhu cầu thiết yếu tại nhà.

Dù quy mô thị trường hiện tại công ty đang phục vụ khoảng 8 tỷ USD có thể coi là rất lớn, nhưng với quy mô toàn thị trường FMCG tại Việt Nam lên đến 32 tỷ USD thì thị phần của MCH mới chưa đến 5%. Do đó MCH đang hướng đến thị trường lớn hơn là thị trường out-of-home mở đầu với dòng sản phẩm lẩu tự sôi, cơm tự chín với thương hiệu OMACHI.

98% hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của doanh nghiệp Việt này- Ảnh 2.

Ngoài việc mở rộng quy mô thị trường trong nước, MCH cũng đặt mục tiêu xuất khẩu ra toàn thế giới với chiến lược "Go Global", hướng tới thị trường toàn cầu với 8 tỷ người tiêu dùng. Bước đầu với dòng sản phẩm CHIN-SU đã đạt được thành công trên các sàn thương mại lớn như Amazon (Mỹ), Coupang (Hàn Quốc), đặt mục tiêu doanh thu quốc tế chiếm từ 10 - 20% tổng doanh thu.

Doanh thu dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi MCH bước vào những thị trường lớn hơn. Biên lợi nhuận gộp tăng mạnh so với cùng kỳ, vẫn duy trì mức biên lợi nhuận gần đỉnh so với các quý trước đây nhờ quản trị hiệu quả tồn kho, tận dụng mạng lưới bán lẻ của WCM xu hướng cao cấp hoá sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu.

98% hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của doanh nghiệp Việt này- Ảnh 3.

Đối với WCM, sau năm 2023 tái cấu trúc cửa hàng phù hợp theo từng thị trường, các cửa hàng của WCM đều ghi nhận tín hiệu tăng trưởng tích cực. Biên lợi nhuận gộp cải thiện 2ppts so với cùng kỳ nhờ cơ cấu hàng hoá hợp lý, giảm tỷ lệ hao hụt, tối ưu chi phí logistic nhờ công ty con Supra.

Trước đây, WCM được đánh giá là không cạnh tranh về giá với các hệ thống bán lẻ khác. Ban lãnh đạo cho biết trong thời gian tới WCM sẽ thực hiện chiến lược giá cả cạnh tranh bằng chương trình hội viên, đẩy mạnh các nhãn hàng riêng mang thương hiệu Winmart (các sản phẩm nhãn hàng riêng có biên lợi nhuận cao hơn 3-5% nhưng giá lại rẻ hơn 5-10%) và các sản phẩm trong hệ sinh thái của MCH và MML, lợi thế quy mô cũng giúp tăng khả năng đàm phán giá với các nhà cung cấp.

Trong quý 1/2024, 40 siêu thị mini ("WinMart+" hoặc "WMP") đã được mở mới, nâng tổng số cửa hàng, siêu thị trên toàn quốc lên 3.667 cửa hàng. WCM có kế hoạch sẽ mở mới 400 - 1000 cửa hàng vào năm nay tuỳ thuộc vào tâm lý tiêu dùng của thị trường.

98% hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của doanh nghiệp Việt này- Ảnh 4.

Còn tại MML, MML hưởng lợi nhờ giá lợn tăng cao, doanh thu mảng thịt lợn trang trại và lợn có thương hiệu tăng 23%. Biên lợi nhuận tăng vọt lên 23,3% so với cùng kỳ chỉ ở mức 11,7%. Tuy nhiên, do vẫn đang đẩy mạnh tiếp thị các sản phẩm thịt chế biến nên kết thúc quý 1/2024 công ty vẫn ghi nhận lỗ 47 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ và có xu hướng thu hẹp trong các quý gần đây.

Sau một thời gian ngưng nổ mìn tại mỏ Núi Pháo ảnh hưởng đến sản lượng hầu hết các loại khoáng sản chính của MHT thì vào tháng 3/2024 công ty đã bắt đầu nổ mìn trở lại sau khi đạt được thoả thuận với đơn vị cung cấp dịch vụ nổ mìn mới với chi phí giảm 20% với hợp đồng cũ, kỳ vọng giúp kết quả sản xuất của mỏ Núi Pháo cải thiện trong thời gian tới.

Thương vụ bán 100% vốn của H.C. Starck Holding (công ty con của MHT) cho Mitsubishi Materials Corporation Group (định giá thương vụ chưa được công bố) cũng sẽ giúp MHT giảm đòn bẩy tài chính và MHT có thể ghi nhận khoản thu nhập bất thường vào năm 2024. Ngoài ra 2 bên còn có thoả thuận bao tiêu sản phẩm vonfram, từ đó giúp MHT ổn định và tối đa hóa số lượng đơn hàng.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, hệ sinh thái bán lẻ - tiêu dùng với trụ cột WCM - MCH tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường khó khăn. KBSV dự phóng kết quả kinh doanh năm 2024 của MSN với doanh thu thuần đạt 87.195 tỷ đồng (tăng 11% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng trưởng mạnh trên mức nền thấp đạt 2.556 tỷ đồng (tăng trưởng 510%).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại