Trung Quốc bất ngờ tăng nhập khẩu, "vua quả" của Việt Nam tiếp tục thắng lớn

Pha Lê |

Năm 2024, diện tích trồng loại trái cây này trên cả nước tăng lên khoảng 150.000ha, lợi nhuận 1 ha có thời điểm lên tới cả tỷ đồng.

Theo những số liệu thống kê được Hiệp hội rau quả Việt Nam tổng hợp từ hải quan cho thấy, Trung Quốc đang đẩy mạnh thu mua sầu riêng từ Việt Nam.

Cụ thể, trong tháng 4, thị trường tỷ dân này đã chi 204 triệu USD để nhập loại trái cây "vua" này từ Việt Nam. Con số này tăng gấp 6,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Về giá bán, sầu riêng trong tháng 4 được bán với giá 3.972 USD/tấn, giảm so với trước đó. Tuy nhiên, tính chung cả 4 tháng, mặt hàng này vẫn đạt giá bình quân lên đến 4.207 USD/tấn.

Trung Quốc cũng là thị trường chính tiêu thụ sầu riêng của Việt Nam. Hiện, nước này chiếm 92% tỷ trọng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong 4 tháng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng chung, 4 tháng đầu năm, Trung Quốc đã chi hơn 432 triệu USD để mua sầu riêng Việt Nam, tăng 168% so với cùng kỳ năm ngoái.

Liên quan đến việc tăng đột biến sản lượng nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tại Trung Quốc tăng mạnh. Cùng với đó, tại Việt Nam, sầu riêng đang vào chính vụ, chi phí logistics rẻ nên cơ hội thuận lợi cho sầu riêng Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam được cấp gấp đôi mã vùng trồng so với 2023 nên kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Trước đó, theo thống kê, trong tháng 1/2024 đã có 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trung Quốc bất ngờ tăng nhập khẩu, "vua quả" của Việt Nam tiếp tục thắng lớn- Ảnh 1.

Hình minh họa

Trung Quốc đã nghiên cứu trồng sầu riêng từ lâu, bắt đầu ở một số khu vực thuộc Hải Nam từ những năm 1950, nhưng tỷ lệ sống sót của loại cây này rất thấp. Mãi đến mấy năm gần đây, quốc gia này mới trồng thử nghiệm thành công giống quả này tại Hải Nam. Năm 2023, Trung Quốc đã thu hoạch những trái sầu riêng đầu tiên trồng trên quốc gia này sau 4 năm.

Cục Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Tam Á cho biết, họ có kế hoạch xây dựng một trang trại sầu riêng rộng 20.000ha trong vòng 3 - 5 năm. Phía Trung Quốc kỳ vọng rằng Hải Nam sẽ trở thành nhà cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 3 tại thị trường Trung Quốc, sau Thái Lan và Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc trồng sầu riêng thương mại quy mô lớn tại Trung Quốc theo đánh giá của Chen Lei, Tổng thư ký Hiệp hội Phân phối trái cây Trung Quốc sẽ cần nhiều thời gian. Chính vì vậy, giá loại trái cây này sẽ không giảm nhanh trong thời gian ngắn.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đặc biệt được ưa chuộng để làm quà biếu, tặng. Thời điểm này, hàng Thái Lan không có nên sầu riêng Việt Nam bán khá được giá. Mỗi quả sầu riêng Monthong 5 kg được doanh nghiệp xuất khẩu mua giá gần triệu đồng, tăng mạnh so với thời điểm chính vụ.

Trung Quốc bất ngờ tăng nhập khẩu, "vua quả" của Việt Nam tiếp tục thắng lớn- Ảnh 3.

Cây sầu riêng tại Trung Quốc. .Ảnh: China News Agency

Theo số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,9 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga.

Về nông nghiệp, tính đến tháng 1/2024, Việt Nam có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng.

Trung Quốc đang xem xét các thủ tục mở cửa thị trường cho nhiều loại nông thủy sản cho Việt Nam, trong đó có trái dừa tươi, rau quả đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại