Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu lại rất thấp, chỉ ở mức 36%, thấp hơn ngưỡng 50% tối thiểu để kết quả cuộc trưng cầu ý dân này có hiệu lực hợp pháp.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev vẫn tuyên bố chính phủ của ông sẽ tìm cách thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội để thông qua kết quả cuộc trưng cầu ý dân lần này và hối thúc các nghị sĩ ủng hộ.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hy Lạp ra thông báo khẳng định Athens "vẫn duy trì cam kết với hiệp định Prespes".
Trước đó, chính phủ Macedonia và Hy Lạp đã đạt được hiệp định này hồi tháng 6 vừa qua nhằm giải quyết vấn đề tranh cãi liên quan đến tên nước của nước láng giềng, do Macedonia cũng tên một tỉnh ở miền Bắc Hy Lạp. Chính phủ Athens quan ngại việc sử dụng cùng tên có thể dẫn đến tranh chấp lãnh thổ.
Việc tranh chấp tên gọi Macedonia cũng là rào cản chính khiến Skopje không thể đạt tiến triển trong việc trở thành thành viên của Liên minh Châu Âu EU và NATO.
Cùng ngày, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bày tỏ sự ủng hộ đối việc Macedonia đổi tên nước, coi đây là cơ hội lịch sử để chấm dứt hàng thập kỉ tranh chấp với nước láng giềng.
Ông kêu gọi lãnh đạo chính trị và các chính đảng tại Macedonia cần can dự tích cực và có trách nhiệm để nắm bắt cơ hội lịch sử này, khẳng định cánh cửa của NATO luôn để ngỏ.
Trong khi đó, EU cũng hối thúc tất cả các bên tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu ý dân của Macedonia, và thúc đẩy nó với trách nhiệm cao nhất cũng như đoàn kết giữa các chính đảng vì lợi ích của đất nước.