Chấp nhận đổi tên, Macedonia đứng trước ngưỡng cửa gia nhập EU và NATO: Nga nên lo ngại?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Sau 27 năm, chính phủ Hy Lạp và Macedonia đã đạt được thoả thuận về quốc hiệu cho Macedonia.

Nếu quá trình phê chuẩn thoả thuận này tới đây suôn sẻ ở cả hai nước, thì cuộc tranh chấp tên gọi "Macedonia" giữa hai nước này dai dẳng từ năm 1991 đến nay sẽ được giải quyết.

Macedonia - cái tên nhạy cảm

Năm 1991, Macedonia trở thành quốc gia độc lập sau khi Liên bang Nam Tư tan rã và lấy quốc hiệu là nước Cộng hoà Macedonia. Các nước trên thế giới công nhận ngoại giao Macedonia cũng với quốc hiệu này.

Tuy nhiên, ở những đâu và trong những chuyện gì Macedonia cần đến sự chấp thuận của nước láng giềng Hy Lạp thì đều bị Hy Lạp phủ quyết, vì Hy Lạp không chấp nhận và công nhận quốc hiệu này của Macedonia. Nguyên do là quá khứ lịch sử và những lo ngại về tương lai.

Thời cổ đại, Macedonia là đế chế hùng mạnh nhất ở châu Âu và được Alexander Đại đế gây dựng. Lãnh thổ xa xưa của đế chế này trải qua nhiều biến cố lịch sử, và cuối cùng được phân tách ra một phần nhỏ cho Hy Lạp ngày nay, và phần lớn cho Macedonia hiện tại. Ở miền Bắc Hy Lạp bây giờ có một vùng lãnh thổ được gọi là tỉnh Makedonia.

Thực chất cuộc tranh chấp giữa hai nước này là câu hỏi Macedonia với tất cả mọi di sản lịch sử và văn hoá liên quan thuộc về bên nào.

Cũng vì thế mà tên gọi, hay đúng hơn phải nói là việc sử dụng cái tên Macedonia trở nên vô cùng nhạy cảm và dễ bùng nổ về chính trị ở cả hai bên, đặc biệt luôn có thể dẫn đến phản ứng dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở cả hai phía.

Cả về pháp lý và đạo lý, Hy Lạp đều yếu thế hơn Macedonia. Tuy nhiên nước này lo ngại rằng quốc hiệu Macedonia ở nước láng giềng không chỉ ẩn chứa mà còn nuôi dưỡng đòi hỏi của Macedonia về chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ thuộc đế chế Macedonia xưa, nhưng nay thuộc về lãnh thổ của một quốc gia khác như Hy Lạp.

Vì những lí do trên, nên Hy Lạp không muốn nước láng giềng sử dụng cái tên Macedonia trong quốc hiệu chính. Và Hy Lạp đã dùng quyền phủ quyết trong mọi trường hợp có thể sử dụng được để ngăn cản Macedonia được công nhận và hợp pháp hoá về pháp lý quốc tế trên thế giới.

Năm 1993, Macedonia phải chấp nhận dùng phiên hiệu "Cộng hoà Macedonia thuộc Liên bang Nam tư trước đây" để được kết nạp vào Liên Hợp Quốc (LHQ). Vì bị Hy Lạp phủ quyết mà Macedonia đến nay vẫn chưa thể được EU và NATO kết nạp vào hàng ngũ.

Cũng từ năm 1991, LHQ đã cử hẳn một đặc phái viên thực thi sứ mệnh trung gian hoà giải giữa hai nước để giải quyết cuộc tranh chấp này, nhưng đều không đạt được kết quả gì. EU cũng đã nỗ lực mạnh mẽ và can dự rất nhiều nhưng chưa thành công.

Chấp nhận đổi tên, Macedonia đứng trước ngưỡng cửa gia nhập EU và NATO: Nga nên lo ngại? - Ảnh 2.

Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev (trái) và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (phải) tại lễ kí kết thỏa thuận đổi tên nước. Ảnh: Reuters.

Giải quyết tranh chấp kéo dài gần 3 thập kỷ

Tranh chấp tên gọi này không chỉ khiến mối quan hệ giữa hai nước không được bình thường, mà còn gây khó khăn nhiều cho cả hai về đối ngoại. Áp lực của EU và NATO đối với Hy Lạp ngày càng tăng, và nhu cầu của Macedonia về nhanh chóng giải quyết ổn thoả chuyện này để được bình thường trong LHQ và được gia nhập EU và NATO ngày càng trở nên cấp thiết.

Phải đến khi có được chính phủ hiện tại ở hai nước thì mối bất hoà này mới được giải quyết.

Thoả thuận của họ là Macedonia sử dụng quốc hiệu mới là Cộng hoà Bắc Macedonia, người dân vẫn được gọi là người Macedonia chứ không phải người Bắc Macedonia, ngôn ngữ chính thống vẫn là tiếng Macedonia chứ không phải tiếng Bắc Macedonia, hiến pháp Macedonia sẽ được sửa đổi để loại trừ mọi ẩn ý về đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ.

Đổi lại, phía Hy Lạp cam kết không cản trở và phủ quyết sự tham gia của Macedonia vào các tổ chức trong khu vực, châu lục và quốc tế.

Chấp nhận đổi tên, Macedonia đứng trước ngưỡng cửa gia nhập EU và NATO: Nga nên lo ngại? - Ảnh 3.

Thoả thuận này xứng đáng được coi là có ý nghĩa lịch sử, bởi nó sẽ chấm dứt một cuộc tranh chấp dai dẳng suốt 27 năm. Tuy vậy, quá trình phê chuẩn thoả thuận ở hai nước không dễ dàng và hiện chưa thể dám chắc là sẽ thành công.

Nhưng dù sao thì thoả thuận này cũng vẫn là bước chuyển vô cùng quan trọng đối với hai nước, đối với EU và NATO, cũng như đối với chính trị an ninh trên châu lục. Nó sẽ dọn đường cho Macedonia được gia nhập EU và NATO.

Việc EU và NATO mở rộng có liên quan đến ảnh hưởng, vai trò và tương lai của hai tổ chức này ở châu Âu, cũng như tới cuộc tranh giành phạm vi ảnh hưởng với Nga. Do đó, Nga có lý do để quan ngại và lo ngại về điều này, và sẽ cần điều chỉnh chính sách đối với các nước thuộc Liên bang Nam Tư trước đây.

Macedonia và Hy Lạp kí thỏa thuận đổi tên nước

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại