9 xu hướng công nghệ đột phá sẽ thay đổi thế giới năm 2018

Tiến Vượng |

Những xu hướng công nghệ nào sẽ tạo dấu ấn quan trọng trong năm 2018 và các năm tiếp theo? Nhiều xu hướng công nghệ rầm rộ khi ra đời và sau đó thoái trào lặng lẽ, nhưng cũng rất nhiều xu hướng đã để lại những dấu ấn đột phá có thể làm thay đổi cả thế giới.

Hãy cùng điểm qua 9 xu hướng công nghệ nổi bật nhất dưới đây.

1. Lượng dữ liệu ngày càng tăng

Từ trò chuyện với bạn bè trong ứng dụng nhắn tin, hay mua cà phê, quẹt thẻ, đến nghe nhạc trực tuyến, ngày nay hầu như mọi thứ chúng ta đang sử dụng đều để lại vết dữ liệu. Và lượng dữ liệu ngày càng tăng lên này đã dẫn đến một cuộc bùng nổ dữ liệu chưa từng có.

Trung bình chỉ trong một phút, Facebook nhận 900.000 lượt đăng nhập, hơn 450.000 tin Tweets được đăng tải, 156 triệu email và 15 triệu văn bản được gửi đi. Với những con số như vậy, không có gì ngạc nhiên khi cứ hai năm một lần chúng ta lại tăng gấp đôi lượng dữ liệu được tạo ra trên thế giới.

2. Mạng lưới kết nối internet (Internet of Things - IoT) và các thiết bị hàng ngày trở nên ngày càng "thông minh"

IoT - bao gồm các sản phẩm kết nối, thông minh như điện thoại và đồng hồ thông minh - là một yếu tố quan trọng góp phần tăng dữ liệu theo cấp số nhân.

Đó là bởi các thiết bị thông minh này liên tục thu thập dữ liệu, kết nối với các thiết bị khác và chia sẻ dữ liệu đó - tất cả đều không có sự can thiệp của con người (chẳng hạn như dữ liệu đồng bộ hóa Fitbit với điện thoại của bạn).

Hiện nay khá nhiều thứ có thể biến thành vật dụng thông minh. Xe hơi của chúng ta ngày càng được kết nối nhiều hơn, và đến năm 2020, một phần tư của số lượng 1 tỷ xe sẽ được kết nối với Internet.

Trong nhà, chúng ta có nhiều sản phẩm thông minh rõ ràng như TV hay những vật dụng thông minh ít rõ ràng hơn, chẳng hạn như thảm yoga có thể theo dõi tư thế tập của bạn. 

Và, tất nhiên, cả trợ lý cá nhân điều khiển bằng giọng nói như Alexa, Siri mà nhiều người đang sử dụng, cũng là một ví dụ khác của IoT.

Dù đã có nhiều thiết bị như vậy, nhưng IoT chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu. Người ta dự đoán đến năm 2020, sẽ có 75 tỷ thiết bị được kết nối trên thế giới.

3. Sự gia tăng đáng kinh ngạc của trí tuệ nhân tạo (AI)

Máy tính giờ đây có thể làm nhiều thứ tương tự con người, và sự nhảy vọt của trí tuệ nhân tạo (AI) này chính là nhờ vào gia tăng dữ liệu và công suất tính toán.

Sự bùng nổ dữ liệu quá lớn đã khiến AI gia tăng nhanh chóng trong vài năm gần đây. Dữ liệu càng nhiều, hệ thống AI học càng nhanh, và càng chính xác hơn.

Bước tiến lớn trong AI có nghĩa là máy tính giờ đây có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ của con người hơn.

Thực tế, AI giúp máy tính nhìn thấy (ví dụ như phần mềm nhận dạng khuôn mặt), đọc (ví dụ như phân tích các thông điệp truyền thông xã hội), lắng nghe (ví dụ như Alexa ở bên để trả lời mọi mệnh lệnh của bạn), nói (ví dụ như Alexa có thể nói với bạn) và đánh giá cảm xúc của chúng ta (ví dụ như phần mềm đo tình cảm).

4. Mức tăng trưởng theo cấp số nhân của công suất tính toán giúp tạo ra những tiến bộ kỹ thuật to lớn

Sẽ không có sự tăng trưởng đáng kinh ngạc về dữ liệu, cũng như không có hàng tỷ thiết bị IoT có thể sử dụng, nếu không có sự phát triển vượt bậc trong công suất tính toán mà chúng ta đã đạt được.

Từ năm 1975 đến năm 2015, cứ 2 năm một lần, công suất tính toán lại tăng gấp đôi, mặc dù gần đây đã có dấu hiệu giảm tốc với mức tăng gấp rưỡi trong 2 năm.

Tuy nhiên, chúng ta đang đạt đến giới hạn với những gì công suất tính toán truyền thống có thể xử lý. May mắn là, sắp tới đây, chúng ta có điện toán lượng tử.

Có lẽ đó sẽ là sự chuyển đổi to lớn nhất của tính toán điện toán từ trước tới nay. Các máy tính ứng dụng tính toán lượng tử sẽ trở nên nhanh gấp hàng triệu lần so với hiện nay.

Các hãng công nghệ hàng đầu đang chạy đua để đưa ra thị trường những máy tính lượng tử đầu tiên có khả năng giải quyết các vấn đề mà các máy tính ngày nay không thể xử lý. Thậm chí, những máy tính này có khả năng giải quyết nhiều vấn đề mà chúng ta không thể tưởng tượng được ra.

5. Con tàu tự động hóa không ngừng lăn bánh

Máy móc trở nên thông minh hơn, chúng cũng làm được nhiều việc cho chúng ta hơn. Điều đó có nghĩa là nhiều quy trình, quyết định, chức năng và hệ thống có thể tự động hóa và được thực hiện bằng các thuật toán hoặc robot.

Hệ quả là, một loạt các ngành công nghiệp và công việc sẽ bị ảnh hưởng bởi tự động hóa. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, những công việc đầu tiên bị làn sóng máy móc lấy đi mất có thể phân thành 4 loại: chậm chạp, dơ bẩn, nguy hiểm và nhạy cảm.

Điều này có nghĩa là không cần thiết để con người làm những công việc mà máy móc có thể làm nhanh hơn, an toàn hơn, rẻ hơn và chính xác hơn nữa.

Ngoài bốn loại công việc trên, máy móc, robot và thuật toán sẽ còn thay thế nhiều công việc của con người, bao gồm công việc chuyên môn trong các lĩnh vực như luật, kế toán.

Từ nghề lái xe tải đến thợ xây, bác sĩ, danh sách những công việc có khả năng bị ảnh hưởng bởi tự động hóa khá dài. Theo ước tính, 47% công việc của Hoa Kỳ sẽ có nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa.

6. In 3D mở ra cơ hội tuyệt vời cho các nhà sản xuất (và nhiều người khác)

Liên quan đến gia tăng trong tự động hóa, việc phát minh ra công nghệ in 3D đang tác động đến ngành sản xuất và nhiều ngành khác theo hướng tích cực. Trong sản xuất truyền thống, đồ vật được cắt hay đục ra từ một vật liệu chẳng hạn như kim loại, bằng cách sử dụng một công cụ cắt.

Nhưng trong in 3D, đồ vật được tạo ra bằng cách đưa thêm vào các lớp vật liệu. Đặc biệt, vật liệu được sử dụng trong in 3D có thể sử dụng gần như bất cứ loại gì: nhựa, kim loại, bê tông, chất lỏng, bột, thậm chí sô cô la hoặc mô người!

Với công nghệ in 3D, có thể tạo ra đủ loại hình dạng phức tạp hơn rất nhiều so với sản xuất truyền thống, và vật liệu sử dụng cũng ít hơn. Nó còn cho phép tuỳ chỉnh số lượng sản phẩm mà không cần quan tâm đến hiệu quả kinh tế theo quy mô.

7. Con người sẽ tương tác với công nghệ theo những cách rất khác nhau

Cách thức chúng ta tương tác với công nghệ đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây – và hiện vẫn đang thay đổi. Nhờ điện thoại thông minh và máy tính bảng, chúng ta có thể làm đủ thao thác chỉ bằng cách di ngón tay trên màn hình.

Lượng sử dụng web trên di động đã tăng vượt mức máy tính truyền thống từ năm 2016. Google cũng đã xác nhận rằng lượng tìm kiếm từ thiết bị di động giờ đây đã vượt xa các tìm kiếm từ máy tính để bàn.

Chúng ta cũng đang nói chuyện với các thiết bị của mình, sử dụng công cụ Siri tìm kiếm bằng giọng nói và nhiều thứ tương tự như thế. Ước tính đến năm 2020, 50% trong tổng lượt tìm kiếm sẽ là tìm kiếm bằng giọng nói và khoảng 30% sẽ không liên quan đến màn hình.

Kết quả là, tất cả các loại hình doanh nghiệp đang dần tích hợp các sản phẩm của họ với các đối tác như Siri, Alexa và Google Assistant. Một ví dụ điển hình, Alexa sẽ được tích hợp vào BMW từ năm 2018.

Thực tế ảo và thực tế gia tăng sẽ tạo ra những thay đổi lớn, làm chuyển đổi cách thức các doanh nghiệp tương tác với khách hàng.

8. Blockchain – một phát minh có thể thay đổi thế giới

Công nghệ Blockchain là một giải pháp rất thiết thực đối với vấn đề lưu trữ, xác thực và bảo vệ dữ liệu. Blockchain có thể coi là một cơ sở dữ liệu phân cấp, cực kỳ an toàn. Hoặc, nếu định nghĩa sâu về kĩ thuật hơn, đó là một sổ cái phân phối ngang cấp của dữ liệu.

Trong khi vẫn chưa có công nghệ nào hoàn toàn không thể bị hack, thì blockchain có thể nói là một bước tiến lớn trong công nghệ bảo mật dữ liệu hiện nay, nó không có một đầu mối duy nhất, không giống như cơ sở dữ liệu tập trung thông thường.

Các bản ghi trong một blockchain được gọi là ‘khối’ (block) và mỗi khối được kết nối với khối trước đó (do đó, nó được gọi là blockchain – chuỗi khối).

Toàn bộ chuỗi được tự quản lý, có nghĩa là không có người hoặc tổ chức nào phụ trách chuỗi hết. Một ứng dụng quen thuộc của blockchain chính là loại tiền tệ số Bitcoin đang rất sôi động trong thời gian gần đây.

Blockchain rất có thể sẽ được áp dụng rộng rãi ở các dịch vụ tài chính, bảo hiểm và chăm sóc sức khoẻ. Trên thực tế, 90% các ngân hàng lớn ở Châu Âu và Bắc Mỹ hiện đã đang tìm kiếm các giải pháp blockchain để nâng lợi thế cạnh tranh cho mình.

9. Platform (nền tảng) là con đường đi lên của các doanh nghiệp

Một Platform cơ bản là một mạng lưới (dưới dạng kĩ thuật số hay thực thể) tạo ra giá trị cho người tham gia bằng cách kết nối mọi người đến các dịch vụ, sản phẩm hoặc thông tin.

Platform hiếm khi là nhà cung cấp dịch vụ thực tế, thay vào đó, nó hoạt động như một người hỗ trợ cho nhóm người sử dụng, tạo sự tương tác dễ dàng, an toàn cho người tham gia.

Platform đã tạo ra các doanh nghiệp như Airbnb, Uber và Amazon, và cũng là nền móng khởi nguồn của Facebook và Twitter. Tuy nhiên, không chỉ với các công ty công nghệ cao, mà các Platform cũng có thể tạo ra cơ hội tăng trưởng trong tất cả các loại hình doanh nghiệp, ngành nghề và lĩnh vực khác.

Ngay cả những doanh nghiệp đã đi theo mô hình kinh doanh truyền thống khá lâu, như Ford, hiện cũng đang bắt đầu phát triển các chiến lược Platform.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại