1. Căng thẳng và ngờ vực về vai trò của Mỹ trên thế giới tiếp tục gia tăng. Trong tương lai ngắn hạn, Mỹ sẽ giảm sự hiện diện ở nước ngoài do bất đồng chính trị nội bộ. Về chính trị, Mỹ tiếp tục chìm trong chia rẽ sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế và nạn bất bình đẳng sẽ góp phần thúc đẩy chia rẽ hơn nữa về xã hội và giai cấp.
2. Liên minh châu Âu (EU) phải tiến hành cải cách để duy trì tính hợp pháp. Sự kiện Brexit năm 2016 và uy tín ngày càng tăng của các đảng cực hữu ở Tây Âu đã tạo nghi vấn về một châu Âu đoàn kết lâu dài. Căng thẳng chủng tộc, dân số và kinh tế sẽ khiến quá trình hội nhập châu Âu khó khăn hơn.
3. Ở Đông Bắc Á, căng thẳng tiếp tục gia tăng trên bán đảo Triều Tiên với nguy cơ xảy ra đối đầu. Triều Tiên sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình hạt nhân và tên lửa để quốc tế thừa nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân.
Chiến lược bí ẩn của Triều Tiên đã làm phá sản lập luận của Trung Quốc rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực là lỗi thời và chứng tỏ Bắc Kinh không đủ ảnh hưởng hoặc thiếu ý chí chính trị để gây ảnh hưởng với Bình Nhưỡng.
Cân bằng khu vực sẽ bị đe dọa. Các nước có thể phản ứng, đôi khi đơn phương để bảo vệ lợi ích an ninh. Dù vậy, quá trình hợp tác giữa Mỹ, Hàn Quốc, Nhật và Trung Quốc khó khăn hơn. Các đồng minh của Mỹ sẽ siết chặt quan hệ, từ đó có thể thay đổi cách tiếp cận của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng.
4. Chính sách quyết đoán của Trung Quốc và Nga sẽ ngày càng gia tăng trong khi hai nước vẫn tìm kiếm lợi thế cạnh tranh. Bắc Kinh và Moscow vẫn duy trì quan điểm hình thành chính sách và kinh tế trong khu vực phù hợp với an ninh và lợi ích riêng. Mục đích cũng nhằm loại trừ vị trí địa-chính trị của Mỹ, buộc Mỹ phải chấp nhận ảnh hưởng khu vực độc quyền.
Triều Tiên là vấn đề then chốt định hướng quan hệ Mỹ-Nga. Nga sẽ tuân thủ lệnh cấm vận với Triều Tiên nhưng sẽ tìm cách viện trợ cho quốc gia này. Trung Quốc sẽ tập trung cho các vấn đề nội bộ sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố quyền lực, xây dựng vai trò lãnh đạo trung tâm trong đảng, nhà nước, quân đội, đồng thời xác lập “tư tưởng Tập Cận Bình” trong điều lệ đảng.
Biếm họa của Carlos Latuff (Brazil).
5. Xung đột Nga-phương Tây sẽ tiếp tục trong năm 2018. Chính phủ Mỹ ít có chọn lựa để giảm nhẹ căng thẳng bởi Quốc hội tăng cường kiểm soát quyền lực của tổng thống. Nga chuẩn bị bầu cử tổng thống trong năm 2018 nên khó lòng nhượng bộ. Do đó, lệnh cấm vận của Mỹ và EU với Nga sẽ tiếp tục được thực hiện. Mỹ có thể gia tăng sức ép về chính trị và tài chính với Nga vào lúc cuộc điều tra về vai trò can thiệp của Nga trong bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 vẫn tiếp tục.
6. Bất ổn sẽ kéo dài ở Nam Á. Ấn Độ Dương sẽ ngày càng bị hạt nhân hóa. Việc nhiều cường quốc hạt nhân như Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc triển khai vũ khí hạt nhân nhằm kiểm soát các sự cố xảy ra trên biển sẽ làm gia tăng nguy cơ tiềm ẩn về tính toán sai lầm và leo thang ngoài ý muốn.
Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế năng động nhất thế giới trong năm năm tới trong khi kinh tế Trung Quốc nguội lại dù vẫn tiếp tục tăng trưởng. New Delhi sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho các nước nhỏ ở Nam Á tham gia quá trình tăng trưởng tài chính ở Ấn Độ với nỗ lực khẳng định vai trò cường quốc thống trị khu vực.
7. Chủ nghĩa cực đoan bạo lực, chủ nghĩa khủng bố và bất ổn tiếp tục đè nặng ở Afghanistan, Pakistan và các quan hệ cộng đồng mong manh trong khu vực. Vấn đề cạnh tranh công ăn việc làm và nạn phân biệt đối xử với các cộng đồng thiểu số sẽ góp phần cực đoan hóa giới trẻ. Chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa giáo phái sẽ bành trướng nếu Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan không cung ứng đủ việc làm và giáo dục cho dân số đô thị đang gia tăng và các nhà chính trị cứ tiếp tục quản lý bằng chính trị bản sắc (identity politics).
Biếm họa của Jeff Koterba (báo Mỹ Omaha World Herald).
8. Hầu hết các xu hướng ở Trung Đông và châu Phi sẽ phát triển theo chiều hướng xấu. Mục tiêu giảm đói, giảm nghèo sẽ bị đe dọa nếu xung đột cứ tiếp diễn và thiếu cải cách đối với chính trị và kinh tế. Nếu cứ dựa vào tài nguyên và viện trợ nước ngoài, các lĩnh vực thị trường, việc làm và nguồn nhân lực sẽ bị ức chế.
Giá dầu khó tái lập ở mức bùng nổ, vì vậy các nước có thể hạn chế thanh toán tiền mặt và trợ cấp. Người dân sẽ tìm đến mạng xã hội để giải tỏa nỗi thất vọng chính trị. Các nhóm tôn giáo cực đoan và các nhóm dựa trên sắc tộc (như người Kurd) có thể thay thế vai trò của các chính phủ yếu kém trong khu vực.
9. Tại khu vực châu Phi Hạ Sahara, người dân sẽ tiếp tục đòi hỏi chính quyền quản lý tốt hơn và công bằng hơn. Một số quốc gia có tiến bộ về dân chủ vẫn dễ bị tổn thương, bầu cử sẽ diễn ra trong bạo lực. Căng thẳng giữa các nhóm Hồi giáo và Thiên chúa giáo có thể leo thang thành xung đột.
Ở Mỹ La tinh, chủ nghĩa dân túy và bất đồng chính kiến sẽ lan rộng. Argentina, Peru, Guatemala và Venezuela sẽ phải đương đầu với bất ổn chính trị và xã hội. Tình trạng vô luật pháp sẽ hoành hành ở Venezuela và Honduras.