"Tết cần sắm những gì?" là câu hỏi quen thuộc của chúng ta vào mỗi dịp lễ Tết - dù không phải là chúng ta không biết mà bởi hàng loạt các đầu việc cần xử lý gấp trong những ngày cận Tết rất dễ khiến mọi người bối rối trong việc sắm sửa. Việc mua thiếu đồ hay không biết mua gì để chuẩn bị cho những ngày Tết là chuyện rất hay xảy ra. Vậy nên dù thế nào cũng đừng quên note ngay lại những món đồ dưới đây để còn kịp sắm sửa!
Tết cần sắm những gì?
Tết đến, mọi người lại nô nức sắm sửa để có một cái Tết trọn vẹn và đầy đủ nhất.
1. Quà biếu
Quà biếu bố mẹ, ông bà nội ngoại là thứ không thể thiếu khi đã trưởng thành. Đây là một món quà để bày tỏ lòng biết ơn, tình cảm với đấng sinh thành. Có những người đã tặng cho bố mẹ, ông bà suốt cả năm nhưng dù thế nào cũng đừng quên biếu chút gì đó vào dịp Tết cổ truyền này.
Khi bạn đã trưởng thành, tài chính đủ vững vàng để mua quà tặng thì đó cũng là lúc tuổi tác của các đấng sinh thành ngày càng cao. Do đó bạn có thể cân nhắc về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe xem sao.
Quà biếu Tết không cần quá to, quá xịn, chỉ cần thể hiện được tình cảm của bạn là được.
2. Phong bao lì xì
Lì xì đầu năm được coi là một nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi dịp đầu xuân năm mới. Do đó, đừng quên mua những phong bao lì xì xinh xắn để mừng tuổi những người thân yêu trong gia đình.
Nếu mua những mẫu có ghi rõ năm, hãy cân nhắc về số lượng để tránh lãng phí nhé.
3. Hoa Tết
Ngày Tết đương nhiên không thể thiếu sắc hoa tươi trong nhà được rồi. Ngoài loài hoa chính của ngày Tết như: mai, đào... Bạn cũng cần mua thêm những loại hoa khác để bày ban thờ hoặc trưng trong nhà vào dịp Tết cho ngôi nhà rực rỡ hơn như: hoa đồng tiền, hoa cúc, nụ tầm xuân, hoa thủy tiên…
Không chỉ để trang trí nhà cửa, các loài hoa này còn mang nhiều ý nghĩa tốt lành đến cho gia đình trong dịp đầu xuân năm mới nữa đấy!
4. Bánh kẹo, mứt, các loại hạt ngày Tết
Đây đều là những thứ không thể thiếu trên bàn khách của mỗi gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về. Trước là để đãi khách đến chơi, sau là để gia đình cùng nhau quây quần thưởng thức.
Tuy nhiên, hãy cân nhắc mua vừa đủ với gia đình để có thể ăn hết nhé vì hầu hết các loại hạt, mứt đều không để được lâu.
Việc các loại mứt, bánh kẹo được bày trên một khay còn có ý nghĩa cầu mong sự hòa hợp, đoàn viên giữa các thành viên trong gia đình.
5. Thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán
Các chợ thường đóng cửa trong dịp Tết và chúng ta cũng có nhiều việc cần làm trong những ngày này, chính vì thế, các chị em cần phải sắm sửa các loại thực phẩm trước Tết rồi bảo quản ăn dần.
Trước Tết khoảng một tuần, bạn có thể mua các loại đồ khô như miến, nấm hương, mộc nhĩ vì đây là những loại thực phẩm dễ bảo quản. Còn đến cận Tết, bạn nên đi mua thêm các loại thịt như thịt bò, thịt lợn, thịt gà, trứng gà, trứng vịt, giò lụa, chả, rau xanh... và bảo quản đúng cách để có thể giữ thực phẩm tươi ngon lâu hơn.
Sau khi mua về, hãy phân loại và bảo quản cẩn thận để thực phẩm ngày tết luôn được tươi ngon.
6. Các loại đồ uống
Nước ngọt, chà là những thứ có thể bạn sẽ nhớ. Nhưng hãy lưu ý mua thêm cả những loại nước trái cây để giúp bổ sung vitamin, thanh nhiệt giải ngấy cho gia đình bạn trong dịp Tết Nguyên đán.
Nếu nhà có trẻ nhỏ, đừng quên mua dự trù cả các loại sữa mà bé thích nữa.
Hãy nhớ mua thêm cả nước trái cây để bổ sung vitamin trong dịp Tết.
7. Hoa quả
Cúng mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên trong những ngày Tết là phong tục truyền thống của người Việt. Tùy theo vùng miền mà các loại trái cây bày cúng sẽ khác nhau. Ví như: Ở miền Bắc, 5 loại trái cây thường được chọn để đem lên mâm ngũ quả gồm chuối, bưởi, hồng, quýt, đào.
Còn ở miền Trung, mọi người thường chọn một số loại trái cây như thanh long, chuối, dứa, dưa hấu, mãng cầu, cam, quýt… Trong khi đó, ở miền Nam, mọi người lại thường cúng các loại trái cây mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Hãy lựa chọn trái cây phù hợp với nơi mình đang sinh sống để mua.
Hãy lưu ý chọn các loại trái cây tươi ngon để có năm có nhiều may mắn.
8. Các loại bánh truyền thống
Bánh chưng, bánh dày, bánh tét chính là những loại bánh truyền thống của Việt Nam. Trong đó, với các tỉnh miền Bắc thì bánh chưng và bánh dày là 2 thứ bánh không thể thiếu trong ngày Tết. Còn ở miền Nam thì bánh tét mới là thứ thân thuộc gần gũi với người dân Nam bộ.
Hiện nay, nhiều gia đình vẫn giữ thói quen tự gói các loại bánh này để tận hưởng hết hương vị đặc trưng của ngày Tết. Nhưng nếu không thể tự gói, hãy tìm mua ở những địa chỉ uy tín.
Hãy lựa mua các loại bánh phù hợp với vùng miền mình đang sinh sống.
9. Đồ cúng
Đồ cúng bao gồm nhang, hương, quần áo cúng, giấy tiền vàng bạc. Đối với phong tục của người Việt ta, đây là điều bắt buộc, chúng ta quan niệm rằng năm mới không chỉ người sống mà người mất và các vị thần cũng cần được sắm sửa và đón năm mới.
Tầm những ngày 21, 22 âm lịch bạn nên chọn mua đồ cúng cho ông công ông táo là vừa, theo phong tục Việt Nam, ngày 23 tháng chạp bạn cần phải cúng đưa ông táo lên trời.
Theo đó, hãy ghi nhớ lại tất cả những mâm lễ và đồ cúng bạn cần để mua cho đủ.
Việc chuẩn bị đồ cúng còn thể hiện sự tưởng nhớ và niềm tin, mong ước được phù hộ cho một năm mới an khang thịnh vượng, mọi điều suôn sẻ.
Một vài lưu ý khi mua sắm Tết
- Hãy nhớ kiểm tra hàng thật kỹ về chất lượng cũng như hạn sử dụng, và kiểm tra giá thật kỹ để tránh rơi vào "bẫy" khuyến mãi khi giá được nâng lên rất cao rồi giảm xuống của một số siêu thị.
- Đừng mua quá nhiều đồ ăn, tránh để thừa gây lãng phí.
- Nên sử dụng tiền mặt khi đi mua sắm, mua món đồ gì, hãy chuẩn bị đủ tiền mặt mang theo để mua, hạn chế việc sử dụng thẻ tín dụng hay các phương thức thanh toán online, vì rất có thể bạn sẽ lỡ tay "quẹt thẻ" mua món đồ bạn thích trong một phút bốc đồng và không thể hoàn lại tiền được. Tuy vậy, nếu mang theo tiền mặt, hãy nhớ cất giữ cẩn thận để tránh xảy ra mất cắp nhé. Còn không, hãy lựa chọn cách thức mua sắm phù hợp với mình mà vẫn tiết kiệm nhất có thể để tránh tình trạng "vung tay quá trán".