Kể từ khi Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên, việc cho phép trẻ em sử dụng smartphone đã trở thành một trong những thói quen phổ biến của các bậc gia đình. Tại Việt Nam, hình ảnh những đứa trẻ cắm mắt vào màn hình smartphone hay máy tính bảng đã dần trở nên quen thuộc hiện nay.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng việc để cho trẻ em thoải mái sử dụng các thiết bị công nghệ từ sớm có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm, sinh lý của trẻ.
Theo Brightside, đây là 9 tác hại nguy hiểm khi phụ huynh cho con sử dụng smartphone và máy tính bảng khi còn quá nhỏ:
1. Phá huỷ mối quan hệ gia đình
Theo chuyên gia tâm thần học lâm sàng người Mỹ - Jean Twenge cảnh báo, trẻ em ngày nay thường dành nhiều thời gian ở nhà để sử dụng mạng xã hội. Bọn trẻ chỉ quan tâm đến việc có bao nhiêu lượt thích và bình luận thay vì quan tâm đến những người thân trong gia đình.
2. Tẩy não trẻ em
Smartphone giúp kết nối trẻ em với thế giới rộng lớn bên ngoài, cung cấp lượng lớn kiến thức hữu ích cho sự hình thành về tư duy.
Tuy nhiên, nó cũng bao gồm mặt trái mà phụ huynh ít để tâm đến như tình trạng bắt nạt trực tuyến, bạo lực cùng những hình ảnh 18+ hay tin tức giả mạo. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, việc sử dụng điện thoại khiến trẻ dần tê liệt về cảm xúc, hình thành suy nghĩ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.
3. Ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành
Smartphone có thể làm chậm quá trình trưởng thành của thế hệ thanh thiếu niên. Trong đa số trường hợp, smartphone khiến thế hệ thanh thiếu nên không muốn tự lập mà chỉ phụ thuộc vào cha mẹ, lười biếng hay thậm chí không hứng thú với việc hẹn hò.
4. Nhân tố gây cản trở hoà nhập với xã hội
Điện thoại thông minh luôn có sức hút khủng khiếp đối với đa số nhiều người, đặc biệt là trẻ em. Điều này khiến bọn trẻ ngày nay chỉ thích ở nhà, không muốn ra ngoài và tiếp xúc với mọi người. Nhiều trẻ em hiện nay chỉ có các mối quan hệ bạn bè giới hạn trong màn hình di động. Đây cũng là lý do nhiều thanh thiếu niên khó hòa nhập khi bước ra thế giới thực.
5. Trầm cảm và lo âu
Đa số những trẻ em bị mắc bệnh trầm cảm hoặc căng thẳng quá mức đều có liên quan đến việc sử dụng smartphone quá nhiều. Điều này là do tia bức xạ gây căng thẳng thần kinh não, từ đó làm chúng ta luôn có cảm giác hồi hộp lo âu. Bên cạnh đó, những mối nguy hại từ các trang mạng xã hội dễ làm trẻ em cảm thấy tổn thương và bị cô lập.
6. Gây mất ngủ
Nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Anh cho biết, trẻ em dành nhiều thời gian sử dụng smartphone thường bị mất ngủ, từ đó dẫn đến những vấn đề về sức khỏe, học tập suy giảm, hành xử sai trái, giảm khả năng nhận thức. Nguyên nhân bởi vì smartphone phát ra những ánh sáng được gọi là ánh sáng màu xanh gây ức chế sự sản xuất hormone melatonin gây ngủ và phá vỡ nhịp sinh học của con người.
7. Béo phì
Một nghiên cứu lớn của các chuyên gia Trường Sức khỏe Công cộng thuộc Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy những trẻ em dùng máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh hơn 5 tiếng mỗi ngày thì tăng 43% nguy cơ bị béo phì. Lý do là trẻ “nghiện” thiết bị di động thì ít tập thể dục hơn và có chế độ ăn kém lành mạnh hơn.
8. Rối loạn hành vi, gây suy giảm trí nhớ
Một số nghiên cứu cho thấy, trẻ em dùng nhiều thời gian cho smartphone dễ mắc chứng rối loạn khó tập trung hoặc hiếu động thái quá. Theo nghiên cứu của Tổ chức Sinh sản Quốc gia Đan Mạch, hành vi của trẻ có thể chịu ảnh hưởng từ khi còn trong bụng mẹ do bố mẹ dùng điện thoại.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng việc sử dụng nhiều smartphone sẽ làm khả năng phòng vệ của não sẽ mất đi tác dụng dẫn đến các bệnh thần kinh và các bệnh về não như giảm trí nhớ trầm trọng, bệnh pakison và làm tăng cao nguy cơ về các bệnh xơ cứng.
9. Cảm thấy không hạnh phúc
Theo kết quả nghiên cứu của The Monitoring the Future, thanh thiếu niên càng dành nhiều thời gian dùng điện thoại càng cảm thấy không hạnh phúc.
Thay vì đầu tư nhiều thời gian hơn cho các hoạt động không liên quan đến màn hình như thể thao, đọc báo/tạp chí hay tương tác xã hội theo hình thức mặt đối mặt thì những thanh thiếu niên lại dán mắt vào màn hình smartphone, máy tính.
Đây là những đối tượng thường dễ bị sao nhãng, kém ổn định về cảm xúc và khó tương tác, kết bạn trong cuộc đời thực.