Ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, trải nghiệm khi vào WC công cộng lần đầu tiên sẽ là... ngỡ ngàng, bởi các buồng toilet luôn có một khoảng hở bên dưới.
Thậm chí đôi khi, kẽ hở ấy còn bự đến khó hiểu, đến mức cảm giác chỉ cần cúi xuống là nhìn rõ bên trong có gì.
Thực sự, WC công cộng vốn đã là chốn không nhiều người thấy thoải mái, đằng này nơi "đi vũ trụ" cũng bị cắt gọt để trở nên kém riêng tư hơn nữa.
Tuy nhiên, có những lý do để cánh cửa này buộc phải như thế, và bạn sẽ biết đến ngay sau đây.
1. Dễ dọn rửa hơn
Toilet công cộng hiển nhiên là nơi cần được tẩy rửa thường xuyên, vài lần mỗi ngày. Việc để các cửa hở vì thế lại là điều cần thiết, vì nó giúp công việc của các lao công trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Nước sẽ thoát đi dễ hơn, có thể đổ mạnh mà không sợ nước dềnh lên. Đặc biệt là với các buồng vệ sinh có vách hở, chỉ cần đứng từ một buồng mà dội là được - quá nhanh chóng và tiện lợi.
2. Nếu có chuyện khẩn cấp, bạn sẽ được cứu nhanh hơn
Hãy tưởng tượng có một người bị bệnh tim, đột nhiên phát tác trong lúc đang "hành sự" và ngã lăn ra đất. Người này chắc chắn sẽ chết nếu không được phát hiện và đưa đi cứu chữa kịp thời.
Nếu đó là một toilet kín, sẽ mất một khoảng thời gian rất lâu để nạn nhân được phát hiện và đưa đi cấp cứu.
Trong khi đó với một thiết kế hở, bất kỳ ai đi ngang qua cũng sẽ nhận ra có điểm gì đó không ổn. Ngoài ra, người phát hiện đầu tiên hoàn toàn có thể chui qua khe hở, mở chốt khoá và đưa nạn nhân ra ngoài.
3. Tránh những hành vi... đồi truỵ
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một buồng vệ sinh quá kín sẽ tạo ra cảm giác riêng tư cho người bên trong.
Tuy nhiên, sự riêng tư này cũng góp phần kích thích một số người có những hành vi trái pháp luật hoặc không phù hợp thuần phong mỹ tục, như sử dụng ma túy hoặc... sex.
Dĩ nhiên với một buồng toilet hở, chẳng ai muốn làm như vậy nữa, và điều này đã được chứng minh qua những thống kê.
4. Giảm thiểu chi phí
Lợi thế này thì quá rõ ràng đúng không: một cánh cửa từ trần xuống sàn sẽ cần thiết kế chính xác hơn, sử dụng nhiều vật liệu hơn và tốn nhiều chi phí hơn.
Mà với một nhà đầu tư, tối giản chi phí hiển nhiên sẽ là một yếu tố cần cân nhắc, nhất là khi họ có lý do để làm điều đó.
5. Thông thoáng, mùi đi nhanh hơn
Tưởng tượng đi, bạn có muốn vào một buồng vệ sinh mà vẫn còn ám mùi của người đi trước không?
Nhưng nếu căn buồng ấy có cửa hở, mùi sẽ bay đi rất nhanh bởi không khí được lưu thông, qua đó giúp người đến sau cảm thấy thoải mái.
6. Tránh gõ cửa nhầm
Lúc đang "vận nội công" trong toilet, chẳng ai muốn bị làm phiền cả. Nhưng với một cánh cửa kín, tình huống ấy sẽ diễn ra một cách thường xuyên.
Trong khi đó, cửa hở sẽ giúp người bên ngoài xác định bên trong có người hay chưa.
7. Lối thoát bất ngờ
Giả sử, cửa phòng vệ sinh của bạn bị kẹt khóa - đừng nghĩ nó không thể xảy ra! Nếu đó là một cánh cửa kín và chỗ bạn "đi" là một nơi khá ồn ào, bạn có thể rơi vào cảnh phải ngồi trong đó hàng tiếng đồng hồ cho đến khi có người nhận ra.
Nhưng nếu có khe hở, bạn hoàn toàn có thể chui qua, tự giải thoát cho bản thân.
8. Tránh các thánh "câu giờ"
Nhiều người có thói quen "ngâm" rất lâu khi ngồi toilet, và điều này sẽ càng dễ dàng hơn nếu đó là một buồng toilet kín đáo, thoải mái.
Nhưng với thiết kế hở, người ngồi trong sẽ cảm thấy kém riêng tư và quyết định phải hành sự nhanh nhất có thể, qua đó giúp những người đến sau không phải chờ đợi lâu.
9. Tránh bi kịch hết giấy
"Đi nặng" xong mà không may hết giấy thì quả là bi kịch. Đừng nghĩ rằng không có giấy thì xịt nước, vì nhiều nhà vệ sinh công cộng không hề trang bị vòi xịt đâu.
Lúc này, cánh cửa hở kia thực sự là một cứu cánh. Thay vì phải mở cửa, bạn chỉ cần chìa tay ra và đợi ai đó gửi tặng một cuộn (hoặc một vài tờ) giấy vệ sinh, vậy là được.