Ngôn ngữ cơ thể là một yếu tố quan trọng trong giao tiếp. Chỉ trong 30s gặp gỡ đầu tiên, người khác đã có thể hình thành ấn tượng nhất định về bạn. Những cảm xúc này là có thể kéo dài đến sau này, trở thành “nền tảng” cho tương tác sau đó của cả hai. Vì lý do đó, bạn nên cẩn trọng với phong thái, cử chỉ của mình để có thể để lại những cảm xúc tích cực nhất ở người đối diện. Điều đặc biệt quan trọng là hãy tránh xa những hành vi dễ gây ra hiểu lầm không đáng có như sau.
1. Nhìn chằm chằm vào đồng hồ
(Ảnh: Brightside)
Hành động này sẽ khiến người kia nghĩ rằng bạn đang thấy rất chán và muốn “thoát” khỏi nơi này càng nhanh càng tốt. Nếu thực sự đang vội và cần rời đi, hãy lịch sự thông báo cho mọi người biết. Bạn có thể hẹn báo thức không đổ chuông với âm lượng lớn để có thể nhanh chóng biết được thời gian cần di chuyển đến nơi khác. Mọi người thường sẽ sẵn sàng cảm thông khi họ hiểu được rằng bạn đang trong một tình huống bất khả kháng.
2. Bắt tay yếu ớt, lỏng lẻo
(Ảnh: Brightside)
Một cái bắt tay yếu ớt sẽ gửi đi thông điệp rằng bạn không quan tâm đến người mình gặp. Điều này đặc biệt tiêu cực nếu như đó là đồng nghiệp hay cấp trên bởi họ sẽ có ấn tượng xấu dù bạn không hề có chủ đích như vậy. Một cái bắt tay chắc chắn (nhưng không quá mạnh bạo) sẽ giúp người kia cảm thấy có sự gắn bó và được tôn trọng. Ngoài ra, hãy kết hợp với việc duy trì ánh mắt nhẹ nhàng, ấm áp nhưng không quá mãnh liệt để tránh gây cảm thấy khó chịu.
3. “Chặn” khoảng không giữa mình và người đối diện
(Ảnh: Brightside)
Một số người vô tình để những vật dụng “chắn giữa” mình và người đối diện, gây ra một “rào chắn” không đáng có. Ví dụ, nếu bạn đang cầm điện thoại hoặc sách, hãy để chúng sang một bên hoặc trên bàn trong lúc đang trò chuyện. Làm vậy sẽ giúp người kia hiểu rằng họ đang không quấy rầy hay làm phiền bạn. Việc “dọn đường” sẽ giúp cả hai cảm thấy dễ dàng kết nối với nhau hơn.
4. Tiến đến quá gần
(Ảnh: Brightside)
Không gian cá nhân của một người nằm trong khoảng từ 50cm cho đến hơn 1m. Đây là “giới hạn” mà người lạ, không thân quen không nên vượt qua nếu không được cho phép. Tiếp xúc gần hơn cự ly này dễ gây ra cảm giác khó chịu và ấn tượng không được tốt đẹp. Thậm chí, họ có thể cho rằng bạn là người hung hăng, bất lịch sự hoặc suồng sã. Vì vậy, nếu ai đó không phải là bạn thân hoặc thành viên gia đình, bạn nên giữ khoảng cách.
5. Phủi quần áo, nhặt chỉ hay vải thừa
(Ảnh: Brightside)
Vải hay chỉ thừa có thể gây khó chịu, thế nhưng bạn không nên dành quá nhiều sự chú ý cho chúng nếu như đang trong cuộc họp hay gặp gỡ và trò chuyện với ai đó. Hành động này dễ tạo ấn tượng cho người đối diện rằng bạn hoàn toàn không quan tâm đến những gì họ đang nói. Họ còn có thể nghĩ rằng bạn không đón nhận chia sẻ, không ủng hộ ý tưởng của họ và không cho họ thấy phản hồi nhiệt tình và chân thật.
6. Xoa tay trong buổi họp hay thảo luận
(Ảnh: Brightside)
Không ít người có thói quen xoa tay một cách vô thức trong lúc người khác đang thuyết trình hoặc thể hiện ý tưởng. Hành vi này có thể khiến họ cho rằng bạn không cảm thấy ấn tượng hoặc không ghi nhận những gì họ trình bày. Nhìn thấy điều này cũng có thể ảnh hưởng đến sự tự tin của người nói, khiến họ thấy khó xử. Hành vi như vậy dễ dàng tạo ra khoảng cách giữa hai người.
7. Hướng bàn chân khỏi người đối diện
(Ảnh: Brightside)
Bàn chân được định hướng theo phần còn lại của cơ thể, do đó góc chĩa của bàn chân cũng sẽ cho thấy nơi mà chủ nhân của nó đang muốn hướng đến. Nếu chân bạn đặt ra ngoài, tránh khỏi người đang nói chuyện, họ sẽ dễ nghĩ rằng bạn không có hứng thú và muốn quay sang nơi khác. Nếu cần phải tạm đi vệ sinh hoặc cần đi ăn, bạn hoàn toàn có thể nói điều này một cách trực tiếp, thay vì để bàn chân vô tình tạo nên ấn tượng xấu ở người đối diện.
8. Ngồi ở rìa ghế
(Ảnh: Brightside)
Cách bạn ngồi trong cũng có thể gửi nhiều “thông điệp” đến những người xung quanh. Việc chọn vị trí ngồi nơi mép ghế cho thấy bạn không thoải mái và không tự tin vào bản thân mình. Ngược lại, tư thế thoải mái trên ghế và hướng lưng thẳng cho thấy một hình ảnh tốt hơn nhiều. Bằng cách này, người khác sẽ cảm nhận được năng lượng tốt và sự tự tin, cởi mở từ bạn hơn.
9. Không mô phỏng lại hành động của người đối diện
(Ảnh: Brightside)
Điều này không có nghĩa là bạn cần “sao chép” lại toàn bộ cử chỉ của người kia như một chú robot. Thay vào đó, bạn nên làm theo người khác khi họ đang chủ động dẫn dắt cuộc trò chuyện. Ví dụ, nếu ai đó mỉm cười hoặc gật đầu, bạn có thể làm theo tương tự và cho họ thấy rằng bạn đang theo dõi những gì họ đang trình bày. Người kia sẽ cảm thấy rằng họ được tin tưởng, hỗ trợ và có thể thoải mái tiếp tục những gì mình muốn chia sẻ.