Không thể phủ nhận một điều rằng, vương quốc động vật vẫn luôn phát triển, mặc cho đó là kết quả của việc thuần hóa hay là tác phẩm của Mẹ Thiên nhiên.
Mặc dù đã được tiến hóa nhưng một số loài vật vẫn giữ nét "cụ tổ" nhà mình, trong khi đó cũng có loài "đổi 180 độ" khác biệt hoàn toàn với họ hàng. Cùng điểm lại một vài loài động vật có vẻ đẹp thời cổ đại cực khác biệt.
1. Lợn
Hầu hết các giống lợn nhà đều được thuần hóa từ lợn rừng. Bằng chứng khảo cổ học đã chỉ ra, lợn nhà được thuần hóa từ 13.000 - 12.700 TCN.
Lợn nhà được nuôi để "làm thịt", còn ngược về nền văn minh thời kỳ đầu, lợn rừng được trưng dụng nhiều hơn, lông của chúng tận dụng làm bàn chải, xương thì làm công cụ, vũ khí... Trong quá trình thuần hóa, chúng bị mất lông và chiếc ngà thô.
2. Bò
Auroch là loài gia súc hoang dã lớn, đã tuyệt chủng ở châu Âu, châu Á và Bắc Phi. Chúng chính là tổ tiên của loài bò rừng châu Âu hiện tại.
Bò mà ta thấy ngày nay hầu hết là bò sữa (được lai tạo đặc biệt để sản xuất sữa với số lượng lớn) hoặc bò thịt (những cá thể được lai tạo để sản xuất thịt).
3. Hươu cao cổ
Họ hàng gần nhất được biết đến của hươu cao cổ là loài Samotherium hiện nay đã tuyệt chủng.
Giải phẫu của một hóa thạch Samotherium đã bật mí cho giới khoa học biết sự thật không ngờ. Samotherium khoảng 7 triệu năm trước chỉ sở hữu một chiếc cổ dài khoảng 1m - bằng khoảng 1/2 chiều dài cổ hươu cao cổ ngày nay.
Người ta tin rằng, chính sự khan hiếm thực phẩm gần mặt đất đã khiến chiếc cổ của chúng phải thích nghi, vươn dài ra để với tới thảm thực vật cao hơn.
4. Ngựa
Những chú ngựa mà ta thấy thời hiện đại được cho là đã tiến hóa từ loài Eurohippus nay đã tuyệt chủng.
Eurohippus là những sinh vật chân ngắn, phần thân cũng dài khoảng 30 - 60 cm tính từ vai, và nặng chỉ khoảng 10 kg. Do cuộc sống buộc phải thích nghi với việc săn mồi nên tổ tiên loài ngựa đã dần tiến hóa, cả về ngoại hình và tốc độ di chuyển.
5. Voi
Ít ai ngờ rằng những chú voi thời xưa lại có ngoại hình kì dị vậy. Trông giống như một chú hà mã nhưng Moeritherium - một loài động vật sống trong đầm lầy được các nhà khoa học xác nhận thuộc họ voi cổ đại. Chúng có kích thước xấp xỉ một con heo vòi, cao 74 - 107cm tính từ vai.
6. Thỏ
Bạn có tin cá thể xấu xí kia chính là tổ tiên của loài thỏ không? Chúng là Nuralagus, hiện được coi là tổ tiên của thỏ, nặng hơn khoảng 6 lần so với thỏ hiện đại.
Nuralagus không hề nhanh nhẹn và không thể nhảy. Trải qua quá trình tiến hóa, thỏ ngày nay đã "thon gọn" và có ngoại hình bắt mắt hơn rất nhiều.
7. Cá heo
Cá heo, một loài sống dưới nước nhưng lại có tổ tiên là một loài động vật nhỏ bé sống trên cạn mang tên Indohyus.
Do bơi không giỏi, Indohyus thường kiếm ăn ở những vùng nước nông. Cấu tạo xương đặc, nặng giúp chúng có thể giữ thăng bằng trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, cũng chính cấu tạo xương này làm chúng khó có thể bơi lội thỏa thích dưới nước.
Tuy nhiên, với quy luật thích nghi sinh tồn, loài này sau đó đã chuyển xuống môi trường nước để kiếm ăn và dần dần cấu tạo cơ thể cũng biến đổi theo để thích ứng hoàn toàn với môi trường sống. Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Cao đẳng Y Dược Đông Bắc Ohio (Mỹ) còn chỉ ra rằng, Indohyus cũng liên quan đến cá voi nữa.
8. Cá mập
Cá mập là một sinh vật bí ẩn nên giới khoa học cũng không có mấy thông tin về cách chúng tiến hóa.
Tuy nhiên, các tài liệu chỉ ra được phần nào sự thật - Helicoprion được coi là tổ tiên của cá mập.
Sự thay đổi về răng ở cá mập là một vấn đề gây tranh cãi giữa các nhà khoa học. Họ tranh luận với nhau về cụm răng xếp theo xoắn ốc của loài sát thủ đại dương này cuốn vào trong hay ra ngoài.
9. Cú
Những con cú Tawny là một ví dụ điển hình về sự biến đổi khí hậu đang thúc đẩy quá trình tiến hóa. Trong quá khứ, số lượng những con cú sở hữu bộ cánh màu xám vượt trội hơn những chú cú khoác lớp lông màu nâu.
Nhưng khi khí hậu ấm lên, tuyết phủ mỏng dần, số lượng cú nâu ngày càng tăng. Đây có lẽ là cách tự nhiên để cú tiến hóa nhằm duy trì sự ngụy trang trong những địa hình thay đổi.
Nguồn: Brightside