Từ trước khi thuật ngữ EQ xuất hiện trên đời, IQ là viết tắt của Intelligent Quoration mới được cho là nhân tố quan trọng nhất để chi phối thành công hoặc thất bại của mỗi cá nhân.
Với những người sở hữu chỉ số IQ cao thì mọi người cho rằng, họ có nhiều cơ hội đạt được thành tựu lớn hơn so với những người chỉ sở hữu chỉ số IQ thấp.
Tuy nhiên, không phải tất cả những ai thông minh cũng có khả năng thành công như vậy. Các nhà nghiên cứu bắt đầu nhận ra, chỉ dựa vào chỉ số IQ thì không đủ.
Vào năm 1995, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về bộ não và hành vi Daniel Goleman đã chỉ ra rằng, chỉ số thông minh IQ chỉ chiếm 25% trong sự thành đạt trong khi đó chỉ số cảm xúc EQ mới là nhân tố chiếm đến 75%".
Trong đó, EQ ở đây chính là viết tắt của Emotional Quotient, chỉ khả năng thấu hiểu, nhận biết, đánh giá và kiểm soát cảm xúc của bản thân cũng như của người khác. Trong một số thống kê khác với nhiều nhân tố hơn, thành công dựa trên 20% kỹ năng chuyên môn và 20% trí thông minh IQ, còn khoảng 60% còn lại phụ thuộc hết vào chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ.
Tức là, với những người EQ cao, họ có khả năng hiểu biết chính mình lẫn thông thấu cảm xúc, tư duy của những người xung quanh.
Do đó, họ biết tự khống chế cảm xúc của bản thân, lại biết cách xây dựng quan hệ lành mạnh với người khác, dễ thích nghi trong mọi hoàn cảnh.
Càng ngày, EQ càng thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ tới hiệu suất công việc, tiềm năng lãnh đạo, khả năng kinh doanh, cũng như việc xây dựng thành công các mối quan hệ, sức khỏe tinh thần và sự hạnh phúc.
Đây cũng là lý do tại sao ngoài các nghiệp vụ đào tạo chuyên ngành, Đại học Harvard vẫn luôn chú trọng vào các khâu giáo dục trí tuệ cảm xúc.
Giống như IQ, chỉ số trí tuệ EQ cũng hình thành chủ yếu do di truyền, và cũng có một phần khác được định hình qua từng thời kỳ trưởng thành, khôn lớn, thông qua các trải nghiệm và khá ổn định theo thời gian.
Thông thường, những người nắm giữ chỉ số EQ cao thường có biểu hiện ở 10 khía cạnh sau đây.
1. Thứ nhất: Không thích phàn nàn hay đổ lỗi
Những người có trí tuệ cảm xúc cao không đổ lỗi cho người khác, cũng không có thói quen phàn nàn về mọi người xung quanh.
Trong thực tế, họ hiểu rằng khiếu nại hay buộc tội đều là những nguồn năng lượng tiêu cực có tính chất lan truyền nhanh chóng.
Chúng không những chẳng đem lại tác dụng gì cho sự việc đang diễn ra, mà còn có thể khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Thay vì tốn thời gian vào đó, họ chỉ cần tận dụng EQ của mình để kết nối những con người có liên quan, tìm ra mắt xích rắc rối rồi tập trung giải quyết.
2. Thứ hai: Biết nuôi dưỡng đam mê
Với những ai sở hữu chỉ số EQ cao, đại đa số họ luôn có trong lòng một niềm đam mê về cuộc sống, hoặc là về công việc, hoặc thậm chí là đam mê xây dựng các mối quan hệ...
Họ dùng những cảm xúc tích cực để chuyển hóa thành nguồn năng lượng tích cực, trải nghiệm từng khía cạnh cuộc sống trong sự hân hoan vui vẻ.
Cuộc sống và công việc của họ sẽ không ngừng được đổi mới và phát triển để họ không ngừng nảy sinh đam mê muốn tiếp tục khám phá như một vòng tuần hoàn không cần có điểm kết thúc.
3. Thứ ba: Học được cách khoan dung và rộng lượng
Những người có trí tuệ cảm xúc cao biết cách hoàn toàn tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Họ thật sự rộng lượng, không so đo tính toán, chứ không chỉ hời hợt lá mặt lá trái ở bề ngoài.
4. Thứ tư: Biết giao tiếp và trao đổi thuận lợi
Giỏi giao tiếp là đặc điểm cơ bản, rất dễ nhận thấy ở những người có trí tuệ cảm xúc cao. Họ vừa chân thành thẳng thắn, vừa giữ phép lịch sự trong nguyên tắc xã giao, khiến cho người đối diện luôn cảm thấy thoải mái, thân thiện.
Đây là một kỹ năng thiết yếu cần không ngừng học tập và rèn luyện vì nó ảnh hưởng rất lớn đến mạng lưới quan hệ đối với những người xung quanh.
5. Thứ năm: Nhiệt tình khen ngợi người khác
Hay khen và biết cách khen ngợi người khác có khác biệt rất lớn với nhau. Với những người khôn ngoan trong giao tiếp ứng xử, họ biết thế nào là vừa đủ để không bị "lố" và "thảo mai", cũng biết cách khen sao để người nghe vừa cảm thấy sự chân thành, vừa vui vẻ thoải mái.
Điều này còn phần nào cho thấy rằng, những ai dám công nhận điểm mạnh của người khác sẽ tiến bộ nhanh hơn, còn những ai hay soi mói chỉ trích điểm yếu của người khác sẽ chỉ biết thụt lùi.
6. Thứ sáu: Luôn giữ tâm trạng tốt
Ngay mỗi sáng thức dậy, nhờ có đam mê và lý tưởng sống lành mạnh, họ giữ suy nghĩ tích cực ngay từ khi vừa khởi đầu ngày mới.
Chỉ số cảm xúc cao khiến họ từ chối cảm thấy cay đắng, chán ghét, thất vọng hay tự ti về mình.
Thay vì chỉ tập trung vào điểm yếu, họ thích nhắm vào sức mạnh để học hỏi và phát huy.
Dù gặp chuyện gì, họ cũng tập trung vào những điểm tích cực và hành động hướng về nó, thay vì nhai đi nhai lại lỗi lầm của chính mình. Như vậy, tâm trạng của bản thân được họ kiểm soát dễ dàng.
7. Thứ bảy: Có thói quen lắng nghe và quan sát
Những người có chỉ số EQ cao rất giỏi lắng nghe những lời người khác nói cũng như quan sát cảm xúc của đối phương. Đây vừa là biểu hiện của sự tôn trọng, vừa là điều kiện tiên quyết để giao tiếp tốt hơn.
Thậm chí khi đó là những lời nhận xét hay chỉ trích, họ cũng bình tĩnh tiếp nhận mà không hề tỏ ra giận dữ.
Tuy nhiên, không vì thế mà họ để mặc người khác làm tổn thương mình vì những chuyện đã xảy ra thì không thể kiểm soát được nữa, nhưng hiện tại và tương lai thì có thể.
8. Thứ tám: Có tinh thần trách nhiệm
Người có EQ cao yêu thích cảm giác tự lập, không bám víu vào những trải nghiệm tiêu cực hay gây ra sự bất an cho mình.
Nếu họ phạm lỗi, họ sẽ thẳng thắn thừa nhận và chịu trách nhiệm chứ không bao giờ trốn tránh.
Nếu họ gặp vấn đề, họ cũng tìm cách phân tích và giải quyết nó. Đó là cách để nắm cuộc sống của mình trong tay mà chẳng cần phụ thuộc vào ai khác quyết định thay.
9. Thứ chín: Luôn cải thiện bản thân từng ngày
Người có EQ cao có một niềm tin mạnh mẽ vào bản thân mình. Nhờ thế, họ luôn tự thách thức bản thân, không ngừng tiếp thu thêm về những quan điểm khác.
Khi họ cảm thấy mình có thể, họ sẽ hành động ngay. Khi cần cải thiện bản thân, họ cũng sẽ chủ động tìm kiếm những khả năng mới. Chỉ có hành động mới là nền tảng dẫn lối tới thành công.