86 chữ dạy con chứa đựng trí tuệ đỉnh cao của Gia Cát Lượng: Gần 2000 năm rồi mà cha mẹ ngày nay vẫn tấm tắc học theo

Thanh Hương |

Những lời dạy con của Gia Cát Lượng đúng với cả người thời xưa và thời nay.

Gia Cát Lượng (181-234), biểu tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long, là Thừa tướng, công thần khai quốc, nhà chính trị, nhà ngoại giao, chỉ huy quân sự, nhà giáo dục, và cũng là một nhà phát minh kỹ thuật nổi tiếng của nhà Quý Hán thời Tam Quốc.

Ông được đánh giá cao bởi trí tuệ hơn người, khiến hậu thế nghìn năm sau vẫn còn nể phục. Năm Gia Cát Lượng 36 tuổi thì có con trai đầu lòng là Gia Cát Chiêm (tự Tử Viễn). Năm Cát Chiêm 8 tuổi, Gia Cát Lương viết "Giới tử thư" nghĩa là "Thư răn dạy con".

Cả bức thư chỉ có 86 nhưng chứa đựng tầm nhìn, nhiều tầng lớp ý nghĩa và trí tuệ hơn người của Gia Cát Lượng trong việc dạy con. Cụ thể, "Giới tử thư" có nội dung như sau:

Phu quân tử chi hành, tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức. Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ chí viễn. Phu học tu tĩnh dã, tài tu học dã. Phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học. Dâm mạn tắc bất năng lệ tinh, hiểm táo tắc bất năng trị tính. Niên dữ thì trì, ý dữ nhật khứ, toại thành khô lạc, đa bất tiếp thế, bi thủ cùng lư, tương phục hà cập!

Hãy cùng đi sâu vào từng câu trong thư dạy con của bậc kỳ tài này:

1. Phu quân tử chi hành, tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức:

> Hành vi của người quân tử, lấy sự tĩnh lặng để rèn luyện bản thân, lấy sự tiết kiệm để bồi dưỡng phẩm hạnh.

Gia Cát Lượng nhấn mạnh trí tuệ của sự bình tĩnh. Chỉ khi tâm hồn bình tĩnh, chúng ta mới có thể nhìn thế giới này một cách bao dung, rộng mở. Chỉ khi tâm hồn bình lặng, chúng ta mới có thể nhìn đời một cách khách quan và thấu đáo hơn.

Gia Cát Lượng

2. Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ chí viễn

> Nếu không có sự thanh đạm thì không thể làm sáng tỏ chí hướng; nếu không có sự yên tĩnh thì không thể đạt được những mục tiêu lớn lao.

Cổ nhân có câu: "Sống giản dị dễ chuyển sang xa hoa, nhưng từ xa hoa trở về giản dị thì khó". Cuộc sống giản dị và tiết kiệm đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành phẩm chất và giá trị đạo đức của một người. Gia Cát Lượng, dù gia đình lúc đó giàu có, vẫn yêu cầu con mình học cách tiết kiệm.

Trước khi bước ra làm quan để phò tá Lưu Bị, ông sống ẩn cư trong túp lều cỏ ở Nam Dương, là một nông phu làm bạn với núi rừng, tĩnh lặng quan sát thế sự, cho đến khi cảm phục trước sự nhân nghĩa của Lưu Bị sau 3 lần đến lều cỏ thì ông mới rời đi.

3. Phu học tu tĩnh dã, tài tu học dã

> Việc học cần phải trong sự tĩnh lặng, và tài năng cần phải qua sự học tập.

Gia Cát Lượng nhấn mạnh rằng việc học tập cần sự tập trung và yên tĩnh. Không chỉ học mà cả suy nghĩ và hành động đều cần môi trường yên tĩnh để đạt được hiệu quả cao nhất.

4. Phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học

> Nếu không học thì không thể mở rộng tài năng; nếu không có chí hướng thì không thể thành công trong việc học.

5. Dâm mạn tắc bất năng lệ tinh, hiểm táo tắc bất năng trị tính

> Nếu buông thả lười biếng thì không thể rèn luyện tinh thần; nếu nóng nảy bộc phát thì không thể tu dưỡng được bản tính.

6. Niên dữ thì trì, ý dữ nhật khứ, toại thành khô lạc, đa bất tiếp thế, bi thủ cùng lư, tương phục hà cập!

> Năm tháng trôi qua, ý chí cũng hao mòn, dẫn đến sự khô héo, tàn úa. Nhiều người không còn hòa nhập được với xã hội, chỉ biết buồn bã sống trong cảnh nghèo khó cô đơn. Lúc ấy muốn thay đổi cũng đã quá muộn màng.

Chính vì thế Gia Cát Lượng dặn còn phải biết tận dụng thời gian, chớ để thời gian trôi qua lãng phí rồi mới hối hận.

Từ thời Tam Quốc đến hiện tại đã gần 2000 năm nhưng những lời dạy con của Gia Cát Lượng vẫn còn nguyên giá trị, không chỉ đúng với người xưa mà còn đúng cả với người thời nay. Từ những lời tâm huyết của Gia Cát Lượng, cha mẹ hoàn toàn có thể áp dụng dạy con, để con có thể hoàn thiện bản thân từng ngày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại