800 con cừu đổ bộ sứ quán khiến TQ rùng mình, thái độ ngạo nghễ của Ấn Độ càng làm Bắc Kinh "á khẩu"

Hải Võ |

Cố thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee từng lùa một đàn cừu khoảng 800 con vào Đại sứ quán Trung Quốc ở New Delhi tháng 9/1965.

Báo India Today (Ấn Độ) ngày 26/6 nói rằng Trung Quốc vẫn luôn là quốc gia khiến thế giới phải bất ngờ, đặc biệt là Ấn Độ, thông qua những chính sách trong và ngoài nước của Bắc Kinh mà New Delhi cho là "lật lọng".

Tuy nhiên, tờ này cho hay, có một lần Trung Quốc đã phải rùng mình trước "sự chói sáng chính trị" của nghị sĩ trẻ Atal Bihari Vajpayee vào 1965. Ông Vajpayee sau này đã trở thành thủ tướng Ấn Độ, nhiệm kỳ 1998-2004. Ông qua đời năm 2018 ở tuổi 93.

Theo phía Ấn Độ, một trong những lý do mà Trung Quốc đưa ra cho sự đối đầu quân sự với New Delhi trong năm 1967 là cáo buộc của Bắc Kinh, cho rằng các binh sĩ Ấn Độ đã ăn trộm cừu và bò Tây Tạng của họ. Trung Quốc đưa ra lời cáo buộc này vào tháng 9/1965.

Đây là khoảng thời gian mà Trung Quốc bị Ấn Độ chỉ trích là tìm cách bành trướng lãnh thổ bằng cách "chiếm đoạt" Sikkim - khi đó một vương quốc được Ấn Độ bảo trợ. Trong khi đó, người Ấn Độ đang phải tập trung vào cuộc xung đột ở Kashmir.

Vào năm 1962, Ấn Độ đã có cuộc bại trận tủi hổ trong chiến tranh biên giới trước Trung Quốc - India Today mô tả. Ba năm sau, Trung Quốc một lần nữa đe dọa "dạy" cho New Delhi một bài học khác. Nhưng lần này Trung Quốc đã tính toán sai mức độ sẵn sàng của người Ấn.

Trung Quốc gửi một thư hàm cho chính phủ Ấn Độ, cáo buộc binh sĩ nước này ăn trộm 800 con cừu và 59 con bò Tây tạng. Chính phủ Ấn bác bỏ thông tin này, song phản ứng từ chính khách Vajpayee đã khiến Bắc Kinh bẽ mặt.

Vajpayee tập trung một đàn cừu khoảng 800 con rồi... lùa chúng vào Đại sứ quán Trung Quốc ở New Delhi vào cuối tháng 9/1965. Trên mình các con cừu được buộc các tấm bảng viết "Cứ ăn chúng tôi nhưng hãy cứu thế giới".

Vụ việc khiến Bắc Kinh nổi giận, và một lá thư nữa được gửi đến chính quyền thủ tướng Lal Bahadur Shastri. Trung Quốc gọi hành động của ông Vajpayee là sự "xúc phạm" nước này và lên án chính phủ Ấn Độ chống lưng cho hành động của vị nghị sĩ.

Đáp lại, Ấn Độ xác nhận chuyện "một số công dân ở Delhi đã lùa khoảng 800 con cừu", nhưng tuyên bố "chính phủ Ấn Độ không liên quan gì đến cuộc diễu hành này. Đó là biểu hiện tự phát, hòa bình và hài hước để thể hiện sự phẫn nộ của công dân Delhi đối với tối hậu thư của Trung Quốc và lời đe dọa chiến tranh nhằm vào Ấn Độ, liên quan đến những vấn đề rắc rối và tầm thường".

800 con cừu đổ bộ sứ quán khiến TQ rùng mình, thái độ ngạo nghễ của Ấn Độ càng làm Bắc Kinh á khẩu - Ảnh 2.

Cố thủ tướng Ấn Độ, ông Atal Bihari Vajpayee (Ảnh: Reuters)

Đề cập cáo buộc ăn trộm cừu, chính phủ Ấn Độ cho biết "đã dùng cách thức rõ ràng nhất để trả lời về 800 con cừu và 59 con bò. Chúng tôi không biết gì về số bò, còn về cừu thì chúng sẽ được hai mục dân lùa về Tây Tạng nếu chúng lựa chọn trở về quê nhà."

Vụ việc ông Vajpayee "chơi khăm" Trung Quốc đã trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trong giai đoạn quan hệ Trung-Ấn căng thẳng vào thập niên 1960.

Hai năm sau sự việc, đụng độ tái diễn vào năm 1967, song cả Trung Quốc và Ấn Độ dường như đều cố tránh để leo thang quá mức tình hình, dẫn đến kích động đối phương. Dù vậy, truyền thông Ấn Độ nói rằng những gì mà Bắc Kinh nhận được vào năm này đã giúp bảo đảm hòa bình ở biên giới song phương trong vài thập niên tiếp theo, cho đến khi căng thẳng bùng phát trở lại từ vài năm gần đây.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại