Một khi đã ở trên máy bay, thì tính mạng của những hành khách cùng toàn bộ phi hành đoàn sẽ phụ thuộc vào tài cầm lái của những người phi công.
Chính vì vậy, dù chỉ là sai lầm nhỏ nhặt của người cơ trưởng cũng không thể chấp nhận được, bởi nó sẽ gây nên những hậu quả vô cùng thảm khốc như những vụ tai nạn dưới đây.
Mặc dù các sự cố này là tương đối hiếm, có tỉ lệ xảy ra chỉ là 1 trong 11 triệu chuyến bay, nhưng các phi công này đã có thể tránh được thảm hoạ nếu họ cẩn thận hơn với mỗi quyết định của mình.
1.Chuyến bay Aeroflot 593, năm 1994 - phi công để con mình nghịch nút điều khiển
Có lẽ đây là tai nạn khó chấp nhận nhất trong lịch sử hàng không khi mà viên phi công Yaroslav Kudrinsky đã để cho 2 đứa con của mình nghịch các nút điều khiển trên máy bay.
Vụ tai nạn xảy ra vào ngày 23/3/1994 khi máy bay Aeroflot bay từ Moscow đi Hong Kong.
Theo các đoạn ghi âm thu lại được, ông Kudrinsky đã rủ 2 đứa con của mình là Yana 12 tuổi và Eldar 15 tuổi vào buồng lái giữa đêm.
Eldar Kudrinsky, con trai 15 tuổi của cơ trưởng đã vô tình tắt chế độ bay tự động khiến động cơ ngừng hoạt động.
Khi cơ trưởng phát hiện ra thì sự việc không thể cứu vãn được nữa, chiếc Airbus A310-304 đã rơi tự do xuống đất ở Siberia khiến toàn bộ 75 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Eldar Kudrinsky, con trai 15 tuổi của cơ trưởng đã vô tình tắt chế độ bay tự động khiến động cơ ngừng hoạt động. (Ảnh từ một bộ phim tái hiện lại thảm hoạ này)
2.Chuyến bay TransAsia Airways 235, năm 2015 - phi công kéo nhầm nút
"Thôi chết! Kéo nhầm nút chỉnh tốc độ rồi".
Đây là một phần trong những lời cuối cùng của phi công chuyến bay trên vào ngày 4/2/2015, ngay trước khi máy bay đâm vào cầu cao tốc ở Đài Loan, khiến 43 trong số 58 hành khách thiệt mạng.
Theo báo cáo từ Hội đồng An toàn Hàng không Đài Loan, chiếc phi cơ vừa mới cất cánh từ sân bay Songshan ở Đài Bắc (Đài Loan) thì một động cơ ngừng hoạt động.
Viên cơ trưởng khi ấy đã vô tình tắt nốt động cơ đang hoạt động bằng cách kéo nút chỉnh ga, khiến máy bay bị nghiêng đột ngột và cắm mũi xuống sông Keelung.
Đoạn clip ghi lại toàn cảnh máy bay của hãng TransAsia Airways lao xuống sông.
3.Chuyến bay Tuninter 153, năm 2009 - phi công cầu nguyện thay vì tiến hành các thao tác khẩn cấp
Hồi tháng 3/2009, cả cơ trưởng và cơ phó của chuyến bay đã bị kết án 10 năm tù sau vụ tai nạn hàng không gây nên cái chết của 16 hành khách.
Cơ trưởng Shafik Al Gharbi và cơ phó Ali Kebaier Lassoued bị buộc tội đã cầu nguyện thay vì tiến hành các thao tác khẩn cấp sau khi máy bay hết nhiên liệu do lỗi cơ khí, dẫn đến việc máy bay lao xuống biển Địa Trung Hải.
Các đoạn ghi âm trong buồng lái cho thấy cơ trưởng Gahrbi đã cầu cứu Đấng Allah và nhà tiên tri Mohammed.
Bằng chứng cho thấy phi hành đoàn đã có nhiều nỗ lực để cứu vãn tình thế nhưng cuối cùng rơi vào trạng thái hoảng loạn và "nhắm mắt buông xuôi" để cho máy bay rơi xuống biển.
Máy bay khi đó đang trên hành trình từ Bari (Italy) bay tới Djerba (Tunisia). Chỉ có 23 trong số 49 hành khách sống sót sau khi được cứu từ dưới biển lên.
Việc cầu cứu đấng Allah hay nhà tiên tri Mohammed cũng không giúp chuyến bay Tuninter 153 tránh khỏi tai nạn. (Ảnh minh hoạ)
4.Chuyến bay Airblue 202, Islamabad, năm 2010 - cơ phó "mất tự tin" do bị cơ trưởng đả kích
Tai nạn xảy ra trong chuyến bay nội địa vào ngày 28/7/2010, gần thủ đô Islamabad của Pakistan, khiến 146 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Sự việc đáng ra có thể tránh được nếu cơ phó dám phản đối vô số lỗi được lặp lại liên tục của cơ trưởng. Tuy nhiên, do thường xuyên bị cơ trưởng "sỉ nhục", ông đã mất hết sự tự tin.
Viên cơ trưởng bị cáo buộc đã có những lời lẽ nặng nề và khắc nghiệt với cơ phó của mình trong suốt chuyến bay, thậm chí phớt lờ cảnh báo từ Viện Kiểm soát Không lưu khi họ yêu cầu: "Hãy để anh ấy nói!".
Cuối cùng, do thời tiết gió mùa, cơ trưởng đã hoảng sợ và mất kiểm soát còn cơ phó không kịp can thiệp, khiến máy bay lao thẳng xuống dãy Margalla.
Vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của 152 người ở Pakistan.
5.Cộng hoà Dominican, năm 1996 - rơi máy bay vì tổ ong bắp cày
Năm 1996, một máy bay thương mại khởi hành từ Cộng hòa Dominica đến Đức đã gặp tai nạn khi vừa cất cánh được vài phút.
Được biết, ngay khi máy bay vừa khởi hành, phi công đã nhận thức được rằng máy đo tốc độ có vấn đề nhưng vẫn quyết định cho máy bay cất cánh.
Ngay sau khi cất cánh, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi sai số ở máy đo tốc độ ảnh hưởng đến chế độ lái tự động.
Chiếc máy bay đã lao xuống Đại Tây Dương, khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn trên khoang thiệt mạng.
Các nhà điều tra cho biết, chiếc máy bay không hề có lỗi kỹ thuật nào. Tuy nhiên, tổ ong bắp cày trong ống đo tốc độ đã khiến máy bay đo áp lực không chính xác dẫn đến vụ tai nạn máy bay.
Tổ ong bắp cày trong ống đo tốc độ đã khiến máy bay đo áp lực không chính xác dẫn đến vụ tai nạn máy bay. (Ảnh minh hoạ)
6.Hai máy bay KLM và Pan Am va chạm vào nhau - lỗi do quá trình liên lạc?
Đây được cho là tai nạn đẫm máu nhất trong lịch sử hàng không, khiến 583 người thiệt mạng.
Vào tháng 3/1977, hai chiếc Boeing 747 của hàng KLM và Pan Am đã đâm sầm vào nhau tại sân bay Tenerife (Tây Ban Nha).
Nguyên nhân là do tổ lái KLM và viện Kiểm soát Không lưu đã hiểu lầm nhau, khiến chiếc phi cơ Pan Am vẫn ở trên đường băng lúc chiếc KLM chuẩn bị cất cánh.
Không những vậy, sương mù dày đặc còn khiến cả hai máy bay không nhìn thấy nhau.
Tất cả 248 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chiếc KLM đã tử nạn sau va chạm. Còn trên chiếc Pan Am, 326 hành khách và 9 thành viên trong tổ lái đã thiệt mạng.
Chiếc Pan Am có 54 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn sống sốt, gồm có cơ trưởng.
Xác 2 chiếc máy bay trong vụ tai nạn này.
7.Chuyến bay Air Florida 90, năm 1982 - phi công quên bật hệ thống chống đóng băng
Vào ngày 13/2/1982, các phi công của hãng này mắc vô số lỗi trong chuyến bay từ thủ đô Washington tới Fort Lauderdale ở Florida (Mỹ). Lỗi đáng kể nhất là việc không bật hệ thống chống đóng băng.
Thêm nữa, dù cất cánh trong lúc có bão tuyết, tổ lái lại sử dụng một thao tác không chính xác để phá băng thay vì quay trở lại cổng để phá băng một cách hợp lý.
Sau khi phát hiện lỗi động cơ, tổ lái vẫn không chịu hủy việc cất cánh.
Máy bay đã rơi xuống sông Potomac chỉ 30 giây sau khi ở trên không trung. Trong số 79 người trên máy bay, chỉ có 5 người sống sót. Ngoài ra còn có 4 người trên mặt đất tử nạn vì bị máy bay quệt vào.
Dù cất cánh trong lúc có bão tuyết, tổ lái lại sử dụng một thao tác không chính xác để phá băng thay vì quay trở lại cổng để phá băng một cách hợp lý khiến máy bay lao xuống sông. (Ảnh minh hoạ)
8.Chuyến bay Eastern Airlines 401, năm 1972 - phi công bận sửa bóng đèn
Vào ngày 29/12/1972, một chiếc phản lực Eastern Airlines Tristar đã lao xuống khu vực công viên quốc gia Everglades ở Florida, Mỹ, làm 101 người trên máy bay, bao gồm cơ trưởng, thiệt mạng.
Chỉ có 75 người sống sót sau tai nạn thảm khốc này.
Tai nạn xảy ra do cơ trưởng và cơ phó bị phân tâm vào một chiếc bóng đèn bị cháy lúc cuối chuyến bay.
Trong lúc 2 người kiểm tra một bóng đèn hiển thị bánh hạ cánh, ai đó đã gạt nhầm vào một cần điều khiển khiến máy bay bị mất chế độ bay tự động. Lúc tổ lái nhận ra máy bay đang rơi tự do thì đã quá muộn.
Vào ngày 29/12/1972, một chiếc phản lực Eastern Airlines Tristar đã lao xuống khu vực công viên quốc gia Everglades ở Florida, Mỹ. (Ảnh minh hoạ)
Nguồn: Tổng hợp