Chúng ta đang sống trong một thế giới mà phần lớn các tiện ích được tạo ra để giúp con người có thể nhìn, nghe, đi lại và nói chuyện một cách dễ dàng hơn.
Theo các số liệu của World Bank, có đến 1 tỷ người trên thế giới có một số dạng khuyết tật khác nhau và 1/5 trong số đó (110 đến 190 triệu người) bị khuyết tật nặng.
Chính vì lẽ đó, có rất nhiều sản phẩm được tạo ra ưu tiên cho người khuyết tật sử dụng. Nhưng điều thú vị là các sản phẩm vốn được phát minh cho người khuyết tật lại trở nên phổ biến đối với công chúng theo năm tháng. Dưới đây là một số ví dụ.
1. Máy đánh chữ/Bàn phím
Ngày nay, mọi người đều sử dụng bàn phím - tiền thân của máy đánh chữ - để gõ văn bản. Ban đầu, máy đánh chữ là sản phẩm trí tuệ của một nhà phát minh người Ý tên là Pellegrino Turri.
Bạn của ông, nữ bá tước Carolina Fantoni da Fivizzano, không thể viết thư tay do bị mù lòa. Vì vậy, vào năm 1608, ông đã phát triển phiên bản đầu tiên của máy đánh chữ. Máy đánh chữ từ đó đã trở nên phổ biến và được nhiều người sử dụng trước khi cải tiến thành bàn phím và áp dụng trên nhiều thiết bị hiện đại.
2. Bàn chải đánh răng điện
Vệ sinh răng miệng là quan trọng đối với tất cả mọi người, nhưng với những người có khả năng vận động hạn chế thì đây cũng là một việc làm khó khăn. Vào năm 1954, bàn chải đánh răng điện Broxodent đã được tạo ra để giúp những người khuyết tật đánh răng dễ dàng hơn.
Rõ ràng là bàn chải đánh răng điện vượt trội hơn bàn chải thông thường, vì vậy hiện nay hầu hết các nha sĩ đều khuyến khích mọi người chuyển sang sử dụng chúng. Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2019 cho thấy những người sử dụng bàn chải đánh răng điện sẽ có rằng bền chắc hơn, ít sâu răng và nướu khỏe mạnh.
3. Dụng cụ nạo khoai tây
Ngày nay, các dụng cụ nhà bếp từ nạo khoai tây đến đồ khui hộp hầu như luôn có tay cầm lớn, mềm, cầm thoải mái so với các loại truyền thống.
Tuy nhiên, đó không phải là tiêu chuẩn vào năm 1990. Nhà phát minh Sam Farber đã chứng kiến vợ mình, người bị viêm khớp, phải vật lộn trong việc sử dụng nạo khoai tây, nên ông đã thành lập thương hiệu OXO và dòng sản phẩm Good Grips.
Mỗi dụng cụ nhà bếp mà công ty làm ra đều có tay cầm hình bầu dục rộng, dễ điều khiển và tốn ít sức.
Các mặt hàng cũng có cảm giác cầm nắm tốt nhờ vào loại cao su mềm được sử dụng cho các sản phẩm ô tô. Kiểu dáng Good Grips trở nên phổ biến đến nỗi nhiều thương hiệu khác phải sao chép lại.
4. Chuyển giọng nói thành văn bản và nhận dạng giọng nói
Nếu bạn từng sử dụng trợ lý thông minh Alexa hoặc làm theo chỉ dẫn bằng giọng nói trên ứng dụng GPS, đó chính là bạn đã sử dụng công nghệ chuyển giọng nói thành văn bản (hay nhận dạng giọng nói).
Công nghệ này có trên đại đa số điện thoại, chưa kể đến máy bay quân sự, hệ thống định vị/giải trí trên ô tô và các sản phẩm thông minh trong gia đình.
Tuy nhiên, phát minh này không phải hướng đến mục đích gì to lớn mà chỉ đơn giản là giúp cho những người không thể viết có thể nói lên suy nghĩ của mình bằng một cách khác.
Phần mềm được phát minh vào những năm 1990 cho phép người dùng tạo tài liệu bằng văn bản và lưu/mở chúng đơn giản bằng giọng nói. Sau này, các phiên bản khác được tạo ra cho những người làm việc trong phòng xử án hoặc nhân viên ghi chép y tế.
5. Con quay
Vào đầu những năm 2000, con quay được quảng cáo là sẽ giúp những người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc tự kỷ được trấn tĩnh và tăng sự tập trung.
Mặc dù các nghiên cứu không xác nhận rằng chúng có giúp những người mắc các chứng bệnh trên hay không, nhưng vào năm 2017, rất nhiều người, từ giám đốc doanh nghiệp căng thẳng cho đến học sinh buồn chán đều phát cuồng với thứ này.
Món đồ chơi trở thành cơn sốt và thậm chí còn bị cấm ở một số nơi vì gây xao nhãng công việc và học tập.
6. Dốc nối vỉa hè với lòng đường
Các đoạn dốc nối vỉa hè với lòng đường ban đầu được thiết kế cho những người sử dụng xe lăn. Nhưng sau này, những cha mẹ có xe nôi, du khách kéo va li và nhân viên giao hàng nặng lại thấy chúng rất hữu ích.
Dốc nối lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1945 và trở nên phổ biến ở Mỹ sau khi Đạo luật Người khuyết tật Mỹ năm 1990 quy định các dốc nối này phải có mặt trên tất cả các vỉa hè.
7. Ống hút
Mặc dù ống hút thẳng đã được coi là một điều kỳ diệu khi được tạo ra vào năm 1888, nhưng vào những năm 1930, một người đàn ông có tên Joseph Friedman đã chỉnh sửa thiết kế để làm cho ống hút uốn cong ở giữa.
Anh nảy ra ý tưởng khi nhận thấy cô con gái nhỏ của mình không thể hút món sữa lắc khi sử dụng loại thẳng.
Người đàn ông đã đặt một chiếc đinh vít bên trong ống hút thẳng và quấn một ít chỉ nha khoa xung quanh để tạo hiệu ứng gợn sóng.
Mặc dù phát minh ban đầu không được tạo ra cho người khuyết tật, nhưng bệnh viện là nơi đầu tiên chấp nhận dạng ống hút mới vì chúng rất hữu ích cho những bệnh nhân nằm liệt giường muốn thưởng thức thứ gì đó.
Và bây giờ, như chúng ta đã biết, mọi người đều thích ống hút uốn cong.
8. Sách nói
Vốn là một công cụ hữu ích cho người đọc khiếm thị, sách nói ngày nay đã trở thành phương tiện thưởng thức sách thú vị hơn nhiều.
Ý tưởng bắt đầu vào năm 1932 nhờ Quỹ Người mù của Mỹ. Nhóm đã thu âm sách trên đĩa vinyl với khả năng lưu trữ ban đầu chỉ là 15 phút vào những năm 1930.
Sau này, công nghệ phát triển hơn, trữ lượng sách nói tăng lên đến hai giờ với trình phát âm thanh Audible của Amazon vào năm 2007 và đến hàng trăm giờ nội dung trên điện thoại thông minh ngày nay.
Giờ đây, tất cả mọi người đều tận hưởng sự tiện lợi và dễ dàng của sách nói. Trên thực tế, ngành công nghiệp này đã đạt doanh thu 1,3 tỷ USD vào năm 2020.