8 người tử vong khi chạy thận: Giám đốc BV tỉnh Hòa Bình sẵn sàng nhận mức kỷ luật cao nhất

Võ Thu |

Ngoài chia sẻ nguyên nhân "được nghĩ tới nhiều nhất", ông Dương cũng cho biết, là người đứng đầu bệnh viện, ông sẵn sàng nhận trách nhiệm liên quan đến công tác quản lý và nhận mức, hình thức kỷ luật cao nhất.

Tối 7/6, trả lời báo chí, ông Trương Quý Dương - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, sau khi rà soát lại các quy trình chạy thận trong sự cố chạy thận nhân tạo khiến 8 người tử vong hôm 29/5, Bệnh viện nghĩ đã tới nhiều nguyên nhân. “Nhưng nguyên nhân mà chúng tôi nghĩ tới nhiều nhất là do nguồn nước lọc thận. Dù vậy, hiện vẫn phải chờ đợi kết luận cuối cùng từ cơ quan điều tra”, ông Dương nói.

Bệnh viện đã đưa ra nhiều khả năng xảy ra sự cố đáng tiếc trên và dùng phương pháp loại trừ. Đầu tiên là đánh giá sự cố do máy móc nhưng hoàn toàn không có cơ sở.

Bởi vì trước đó, các máy chạy thận vẫn hoạt động bình thường. Không thể xảy ra chuyện 18 chiếc máy đều hỏng cùng một lúc.

Mặt khác, nếu do dịch lọc theo hoá chất hoặc do quả lọc thì cũng không thể xảy ra. Vì các bệnh viện trong toàn tỉnh cũng dùng dịch lọc theo hoá chất, quả lọc cùng chủng loại với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình mà không xảy ra vấn đề gì.

Nói về việc xử lý trách nhiệm trong vụ việc được coi là "thảm họa" chạy thận này, ông Dương cho biết: “Chúng tôi sẽ căn cứ vào kết luận để xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp, từ đó có hình thức xử lý thích đáng”.

Ngoài ra, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thẳng thắn, với tư cách, trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện, tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm liên quan đến công tác quản lý và sẵn sàng nhận mức kỷ luật cao nhất, hình thức kỷ luật cao nhất.

Ông Dương cũng đồng thời khẳng định “đây sẽ là bài học hết sức đắt giá" cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

“Chúng tôi sẽ lấy ngày 29/5 gắn trước từng khoa phòng, để các thế hệ cán bộ nhân viên bệnh viện nhớ tới ngày đau xót này, để coi đó là bài học không được quên” – ông Dương nói thêm.

Về biện pháp khắc phục sự cố và đảm bảo quyền lợi cho các bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ông Trương Quý Dương cho biết, do đơn nguyên chạy thận của bệnh viện vẫn đang bị tạm ngừng hoạt động sau sự cố chạy thận nói trên nên Bệnh viện đã liên hệ và bố trí gửi bệnh nhân đi chạy thận tại một số bệnh viện. Hàng ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình sẽ tổ chức đưa đón bệnh nhân đi chạy thận.

Liên quan tới sự cố này, theo tin từ Bệnh viện Bạch Mai, ngày mai 8/6, 10 bệnh nhân được chuyển từ Hoà Bình về điều trị trong đêm 29/5, sẽ được xuất viện.

Trước đó, như Báo Gia đình & Xã hội đã đưa tin, khoảng 8h sáng ngày 29/5, tại Khoa Thận nhân tạo- BVĐK Hòa Bình đã xảy ra sự cố y khoa đối với 18 bệnh nhân sau khoảng 45 phút lọc máu.

7 trường hợp đã tử vong cùng ngày và 1 trường hợp vừa tử vong vào rạng sáng 4/6 sau rất nhiều nỗ lực điều trị của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai và BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Cơ quan công an đã tiến hành khám nghiệm tử thi các trường hợp tử vong, đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án.

Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhất trí cho mua bổ sung từ 10-15 máy chạy thận cho Bệnh viện thành phố Hòa Bình để giúp bệnh nhân chạy thận tại địa phương và đề nghị Bệnh viện Bạch Mai cử chuyên gia hỗ trợ chuyên môn, đảm bảo an toàn cho người bệnh chạy thận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại