Được trang bị vũ khí và kỹ năng chiến đấu bậc thầy, những hiệp sĩ này là hiện thân của sức mạnh không gì địch nổi thời Trung Cổ.
Không có biểu tượng nào thể hiện sức mạnh châu Âu thời Trung Cổ hơn hình ảnh của những hiệp sĩ: Mang trên mình bộ áo giáp sáng ngời, tay mang vũ khí và cưỡi trên con tuấn mã trung thành.
Hình ảnh hiệp sĩ thời Trung Cổ. Nguồn: Ancient Pages
Với tư cách là thủ lĩnh của những đội quân ưu tú nhất, hiệp sĩ thời Trung Cổ mang trọng trách làm nên chiến thắng của toàn đội. Bởi thế, họ đã góp phần dệt nên lịch sử theo nhiều cách khác nhau.
William of Poitiers (1020 – 1090)
Một trong những chiến thắng sớm nhất và lừng danh nhất trong giới hiệp sĩ Trung Cổ là cuộc chinh phạt của người Norman tại Anh hồi thế kỷ 11.
Thời đó, khi William - Công tước xứ Normandy (về sau được gọi là William Nhà chinh phạt - William the Conqueror) - phát động chiến dịch xâm lược Anh, thì William of Poitiers đóng vai trò là bồi thần của Nhà chinh phạt.
Từng được rèn luyện và đào tạo như một hiệp sĩ, về sau, William of Poitiers dần trở thành “cánh tay phải đắc lực” của William the Conqueror, đặc biệt là góp sức vào chiến công vang dội đánh bại vua Harold II của Anh ngày 14/10/1066.
Hình ảnh minh họa.
William of Poitiers đóng vai trò vừa là hiệp sĩ vừa là người ghi chép sử sách cho các chiến công và sự kiện của William Nhà chinh phạt. Là cận thần của William Nhà chinh phạt nên những ghi chép của William of Poitiers không tránh khỏi những “thiên vị” nhất định, tuy nhiên, ông vẫn miệt mài ghi chép lại các trận chiến bằng sự miệt mài và tôn trọng lịch sử của mình.
Nhờ đó, các nhà sử học hiện đại mới có cái nhìn cặn kẽ về những cuộc chiến thời Trung Cổ. Một trong số đó phải kể đển Trận Hastings ngày 14/10/1066 giữa các hiệp sĩ của William Nhà chinh phạt và đội quân Anglo-Saxon do vua Harold II chỉ huy.
Sau khi vua Harold II tử trận, William Nhà chinh phạt kiểm soát nước Anh và trở thành vị vua Norman đầu tiên dưới tên gọi William I của Anh.
El Cid (1043 – 1099)
El Cid tên thật là Rodrigo Díaz de Vivar, hay còn gọi là El Cid Campeador, là một nhà quý tộc, nhà ngoại giao và là một thủ lĩnh người Castilia (một vương quốc nằm trên bán đảo Iberia – tây nam châu Âu).
El Cid Campeador (nghĩa là Bậc thầy nghệ thuật quân sự/Bậc thầy chiến thắng) là biệt danh mà người Tây Ban Nha đặt để vinh danh sức mạnh cũng như tài nghệ quân sự bậc thầy của Rodrigo Díaz de Vivar.
Nguồn: Prisma/UIG/Getty Images
Sinh ra là một hiệp sĩ và là bồi thần trung thành của hai vị vua Tây Ban Nha xứ Castile, El Cid nguyện trung thành hiến dâng cuộc đời đấu tranh vì tự do. Dưới tài nghệ dụng binh tuyệt vời của mình, ông đã góp phần giải phóng một phần Tây Ban Nha khỏi sự đô hộ của người Hồi giáo Moor.
Hình ảnh người đời không thể quên về người hiệp sĩ quả cảm ấy diễn ra trong chính trận chiến với người Moor. Khi đó, El Cid đã hy sinh trong trận đánh nhưng người vợ của El Cid đã nén đau thương, để chồng ngồi lên lưng ngựa tiến thẳng ra trận.
Thấy vậy, quân sĩ của El Cid như được tiếp thêm nhiệt huyết và lòng can đảm. Còn kẻ thù thì sợ hãi và nao núng tinh thần. Nhờ thế, quân của El Cid đã đánh đuổi quân người Moor khỏi lãnh thổ.
Hàng thế kỷ sau cái chết của “Bậc thầy quân sự” El Cid, giới sử gia, nhà thơ và nhà làm phim vẫn tôn vinh ông là một nhà yêu nước, một hiệp sĩ chân chính đáng kính, có công đẩy lùi sự áp bức của quân Hồi giáo thời Trung Cổ.
Hugues de Payens (1070 – 1136)
Là một trong 9 người sáng lập; đồng thời là Đại thủ lĩnh của Hiệp sĩ dòng Đền (còn gọi là Hiệp sĩ Đền Thánh; hay Các Chiến hữu nghèo của Chúa Kitô và đến Solomon), Hugues de Payens là một nhân vật quan trọng trong lịch sử Thập tự chinh của thế giới.
Hình ảnh minh họa.
Vào thế kỷ 12, khi các tín đồ Kitô hữu ở châu Âu thường xuyên tổ chức các cuộc hành hương đến thành phố linh thiêng Jerusalem, họ thường xuyên bị tấn công.
Nhận thấy điều này, Hugues de Payens cùng 8 hiệp sĩ khác xin phép vua của Jerusalem, Baldwin II, thành lập một dòng tu đặc biệt (vừa là thầy tu, vừa là hiệp sĩ) nhằm bảo vệ những người hành hương từ phương Tây sang vùng đất thánh.
Sau khi ra đời, các Hiệp sĩ dòng Đền nhanh chóng đóng vai trò quan trọng trong nhiều trận đánh của các cuộc Thập tự chinh (giữa người Giáo hội Công giáo Roma chống lại người Hồi giáo và các tín hữu Kitô giáo).
Không những thế, các Hiệp sĩ dòng Đền còn phát triển thành một lực lượng kinh tế lớn, với các hạm đội trên biển và tăng hội trải khắp châu Âu.
Tuy nhiên, khi người Hồi giáo chiếm lại Jerusalem vào cuối thế kỷ 12, sự kiểm soát của Hiệp sĩ dòng Đền tại đây mất hẳn sức mạnh. Hơn một thế kỷ sau, Vua Philip IV của Pháp đã giáng đòn cho các Hiệp sĩ, khiến nhiều thành viên bị tra tấn và giết chết.
Vị Đại thủ lĩnh cuối cùng của Hiệp sĩ dòng Đền là Jacques de Molay cũng chết vào năm 1307.
Guy of Lusignan (1150 – 1194)
Nguồn: Fine Art Images/Heritage Images/Getty Images
Hiệp sĩ người Pháp Guy of Lusignan, về sau là vị vua “bất đắc dĩ” của Jerusalem (từ năm 1186-1192) viết nên lịch sử không phải nhờ chiến thắng trong các trận đánh mà chính là người đã đánh mất Jerusalem vào tay người Hồi giáo.
Những năm đầu từ Pháp sang Jerusalem, Guy of Lusignan và đội quân hiệp sĩ của mình không được chào đón. Tuy nhiên, nhờ vẻ ngoài điển trai, ông nhanh chóng chiếm được cảm tình của Nữ hoàng Sibylla của Jerusalem. Hai người nhanh chóng kết hôn, trở thành em rể của Vua Baldwin V.
Khi nhà vua và người kế vị đều qua đời, Guy of Lusignan trở thành vua của Jerusalem. Tuy nhiên, thực quyền lại nằm trong tay của Raymond III of Tripoli.
Những bất hòa và lục đục nội bộ trong thành Jerusalem xảy ra đúng lúc các chiến dịch quân sự của người Hồi giáo chống lại Jerusalem đang ở đỉnh cao sức mạnh.
Vào tháng 7/1187, lãnh đạo quân sự Hồi giáo Saladin đã tấn công lực lượng thập tự quân ở Tiberias. Bất chấp lời khuyên từ một số đồng minh, Guy of Lusignan đã huy động lực lượng Kitô giáo tham gia vào trận chiến mang tên Trận Hattin.
Quân đội Hồi giáo của Saladin đã giết và bắt một lượng lớn quân Thập tự chinh, khiến họ tái chiếm vùng đất thánh Jerusalem.
Còn nữa...
Nguồn: History.com