Kết cục đen tối đầy bi thảm của các hiệp sĩ dòng Đền

Hoa Hướng Dương |

Trải qua thời kỳ hưng thịnh khắp châu Âu nhưng các hiệp sĩ dòng Đền cuối cùng lại chết thảm trong oan ức và tuyệt vọng.

Những cuộc thập tự chinh quy mô và vĩ đại trong lịch sử đã khiến không biết bao nhiêu máu và sinh mạng đổ xuống, từ đó, có rất nhiều dòng hiệp sĩ từ khắp nơi được thành lập. Trong đó nổi tiếng hơn cả là những hiệp sĩ dòng Đền.

Mặc dù những cuộc thánh chiến mang đậm màu sắc tôn giáo, nhưng giới sử học cho rằng bên trong nó còn có các động cơ kinh tế, chính trị, xã hội, do đó việc nghiên cứu lịch sử các cuộc Thánh chiến cũng góp phần hiểu sâu sắc lịch sử nhân loại.

Những hiệp sĩ dòng Đền là ai?


Các hiệp sĩ dòng Đền với trang phục đặc trưng màu trắng. Ảnh Internet.

Các hiệp sĩ dòng Đền với trang phục đặc trưng màu trắng. Ảnh Internet.

Sau khi các chiến binh Công Giáo chiếm được thành Jerusalem trong cuộc Thập Tự Chinh thứ Nhất (1095 – 1099), nhiều nhóm người hành hương từ khắp Tây Âu đã bắt đầu tới thăm vùng Đất Thánh.

Để bảo vệ những dòng người hành hương này, hiệp sĩ người Pháp có tên là Hugues de Payens cùng 8 hiệp sĩ người Pháp nữa đã thành lập một đạo quân năm 1118 có tên Đoàn Hiệp sĩ nghèo của Vua Solomon (sau đó đổi tên thành đoàn Hiệp sĩ dòng Đền).

Các hiệp sĩ đã tuyên thệ một lời thề của dòng tu trước giáo trưởng của Jerusalem. Bên cạnh các lời thề "cổ điển" về nghèo, trong sạch và phục tùng, các thành viên của dòng tu còn nhận thêm nhiệm vụ bảo vệ những người hành hương.

Họ nhanh chóng nổi tiếng khắp châu Âu với sự thiện chiến, dũng mãnh, lập nhiều công trạng trong các cuộc Thập tự chinh nên được Giáo Hội Công Giáo chính thức công nhận và ban thưởng.

Vào ngày 29 tháng 3 năm 1139, tổ chức của hiệp sĩ dòng Đền một lần nữa được Giáo hoàng Innocent II công nhận thông qua Sắc lệnh vàng, theo đó họ không những không đóng thuế mà còn có quyền thu thuế.

Ngoài ra, họ còn cho mượn tiền lấy lãi (điều thật ra là bị cấm, nhưng lại được im lặng chấp nhận). Hiệp sĩ dòng Đền bắt đầu tập trung ngày càng nhiều vào việc kinh doanh này.


Họ nhanh chóng phát triển khắp châu Âu. Ảnh Internet.

Họ nhanh chóng phát triển khắp châu Âu. Ảnh Internet.

Mặc dù xây dựng được một mạng lưới ngân hàng khắp châu Âu, nắm một nguồn lực tài chính hùng hậu (làm chủ đảo Sip, chủ nợ của nhiều quý tộc châu Âu, có hạm đội tàu lớn riêng...) nhưng cuộc sống của các hiệp sĩ này nổi tiếng với quy cách hành xử khắc khổ.

Trang phục của họ rất nổi bật (áo trắng thêu hình thập tự đỏ) do đó rất dễ nhận ra dòng hiệp sĩ này. Hệ thống tổ chức của các hiệp sĩ dòng Đền cũng nhanh chóng được phân cấp dù ban đầu ai cũng có thể gia nhập.

Do sự lớn mạnh nhanh chóng, việc tuyển chọn trở nên gắt gao hơn, họ phải là hiệp sĩ xuất thân quý tộc, các thầy dòng, linh mục và giáo sĩ.


Các hiệp sĩ dòng Đền là những người khởi xướng phong cách nghệ thuật Gothic. Ảnh Internet..

Các hiệp sĩ dòng Đền là những người khởi xướng phong cách nghệ thuật Gothic. Ảnh Internet..

Các hiệp sĩ dòng Đền còn ảnh hưởng tới toàn châu Âu như khởi xướng phong cách Gothic trong kiến trúc châu Âu và xây dựng các nhà thờ lớn kiểu Gothic.

Những ngày đen tối của hiệp sĩ dòng Đền

Các chiến binh Hồi Giáo đã chiếm lại Jerusalem và đảo ngược tình thế Thập Tự Chinh vào cuối thế kỷ 12, điều này buộc các Hiệp sĩ dòng Đền phải rời trụ sở về Paris nương nhờ vua Philipp IV (Pháp).

Nhanh chóng trở thành một thế lực mạnh mẽ, nhưng bi kịch đã xảy ra với dòng hiệp sĩ này, các vị vua e ngại sức mạnh và sự thiện chiến của họ, đồng thời họ cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của mình (người dòng Đền đã từ chối đơn xin gia nhập của vua Philipp IV).


Lo ngại sắc mạnh của Hiệp sĩ dòng Đền, vua Pháp đã tìm cách tiêu diệt thế lực này. Ảnh Internet.

Lo ngại sắc mạnh của Hiệp sĩ dòng Đền, vua Pháp đã tìm cách tiêu diệt thế lực này. Ảnh Internet.

Chính sự tự chủ và độc lập biến các hiệp sĩ dòng Đền trở thành mối lo canh cánh của các vị vua châu Âu. Các hiệp sĩ dòng Đền cũng là chủ nợ của nhiều bậc đế vương, quý tộc, nắm trong tay một tài sản khổng lồ.

Để diệt trừ mối nguy hại này, nhiều vị quan đã bí mật khuyến cáo vua Pháp nên tổ chức một cuộc thập tự chinh. Một phần tiền cần thiết có thể thu được bằng cách tiêu diệt dòng Đền và tịch thu tài sản của họ.


Các hiệp sĩ dòng Đền bị buộc tội dị giáo. Ảnh Internet.

Các hiệp sĩ dòng Đền bị buộc tội dị giáo. Ảnh Internet.

Tuy được sự giám hộ của Giáo hội nhưng do Giáo hội lại phụ thuộc vào vua pháp nên các Hiệp sĩ dòng Đền đã bị cô lập. Năm 1305 các thành viên của dòng Đền cuối cùng bị kết án là "dị giáo" và "kê gian".

Nhà vua cùng Tòa án dị giáo lấy cung và tra tấn họ nhằm buộc họ phải nhận rằng họ đã gây ra nhiều tội ác. Đây chính là khoảng thời gian đen tối nhất của các hiệp sĩ dòng Đền khi gần như tất cả đều bị bắt và tra tấn, một số còn bị tra tấn tới chết.

Dù sẽ chịu bản án chung thân nếu nhận tội nhưng các hiệp sĩ dòng Đền cương quyết bảo vệ sự trong sạch của mình. Họ bị đưa lên giàn hỏa thiêu và thiêu sống trước sự chứng kiến của người dân và chết một cách oan ức.

Dưới áp lực từ Vua Philip, Giáo Hoàng Clement V đã phải miễn cưỡng giải thể đoàn Hiệp sĩ dòng Đền vào năm 1312. Tài sản của dòng Đền được giao về cho Dòng tu Thánh Gioan sau khi trừ ra một số tiền án phí cao đáng kinh ngạc.

Sự tồn tại sau khi bị giải tán


Các hiệp sĩ bị hỏa thiêu. Ảnh Internet.

Các hiệp sĩ bị hỏa thiêu. Ảnh Internet.

Tuy gần như toàn bộ số hiệp sĩ dòng Đền đã bị bắt và xử tử hình, nhưng một số lượng nhỏ đã trốn thoát và tiếp tục hoạt động ngầm rải rác khắp châu Âu.

Thế nhưng vì mất đi giới tinh hoa lãnh đạo về tinh thần và kinh tế và mất đi trung tâm của dòng Đền tại Paris, quyền lực của dòng Đền bị bẻ gãy và hoạt động leo lắt, lẻ tẻ.

Năm 1319 vua Dionysiua ở Bồ Đào Nha thành lập Dòng tu đoàn hiệp sĩ Jesu Christi (với nguồn tài chính từ các hiệp sĩ dòng Đền ở Bồ Đào Nha trước đây).


Tuy nhiên tổ chức vẫn tồn tại âm thầm. Ảnh Internet.

Tuy nhiên tổ chức vẫn tồn tại âm thầm. Ảnh Internet.

Chỉ từ thế kỷ 18, người ta mới bắt đầu lại quan tâm đến dòng Đền. Trong tiến trình "Phục Hưng dòng Đền", nhiều tổ chức khác nhau đã thành hình, tự xưng là "hiệp sĩ dòng Đền" hay khẳng định là họ có liên quan đến dòng Đền trong lịch sử

Rất nhiều tổ chức nhỏ khác hoạt động với danh nghĩa khôi phục dòng hiệp sĩ dòng Đền, hay trên danh nghĩa của các hiệp sĩ dòng Đền. Người ta tin rằng có nhiều tổ chức vẫn tồn tại âm thầm tới tận ngày nay.

Nổi tiếng nhất là Hội Tam Điểm và Thập Tự Hồng. Dòng Đền "hiện đại" nổi tiếng nhất có lẽ là "Dòng Đền phương Đông".

Thế nhưng đáng tin cậy nhất có lẽ lại là "Dòng tu Hiệp sĩ của Đền thờ tại Jerusalem" thành lập vào năm 1705 và được Napoléon Bonaparte công nhận. Tổ chức này được Liên Hiệp Quốc công nhận là tổ chức giúp đỡ phi quốc gia ở địa vị tư vấn.

Những truyền thuyết về các hiệp sĩ dòng Đền vẫn được lưu truyền cho tới tận ngày nay như chén Thánh, hộp đựng pháp điển, tinh thông thuật giả kim, thế lực ngầm đứng đằng sau nhiều sự kiện chính trị xã hội như cuộc cách mạng Pháp.

*Tham khảo: Knightstemplarinternational, Bibliotecapleyades, Wikipedia

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại