Áp lực của xã hội ngày càng lớn buộc những bậc cha mẹ phải tìm cách để con mình không thua thiệt. Không ít cha mẹ đầu tư cho con tham gia các lớp học thêm, về đến nhà lại ép con làm thêm bài tập khiến những đôi vai vốn nhỏ bé của những đứa trẻ bỗng có thật nhiều gánh nặng.
Khi bạn xem những bức ảnh thực tế này được ghi lại tại Trung Quốc, bạn có thể hiểu được, trẻ con vốn cũng có những áp lực chẳng hề thua kém người lớn.
Nhìn bức ảnh này tưởng là vui nhưng ẩn chứa sau đó là những giờ học mệt mỏi của đứa trẻ. Số tiền để mua số lượng bút viết chất đống thế này có thể lên tới con số hàng triệu. Mỗi cây bút đều được xài sạch sẽ đến mức cạn kiệt từng giọt mực cuối cùng. Nhiều người tự hỏi, đứa trẻ đã phải trải qua bao nhiêu giờ học mỗi ngày để sử dụng hết số bút này!
Cậu bé này dù đang đi xe đạp không được trang bị nón bảo hộ nhưng vẫn phải lôi vở ra để tranh thủ làm bài tập trên lưng mẹ trong lúc mẹ chở mình đến trường. Nhiều người xót xa và lo lắng cho sự an toàn của đứa trẻ chỉ vì phải học quá nhiều!
Cô bé trong ảnh chỉ mới học lớp 3 nhưng bàn học đầy ắp những tờ giấy kiểm tra, vở bài tập khác nhau. Việc học đã khiến đứa trẻ mệt mỏi đến nỗi thiếp đi mà trên tay vẫn cầm cây bút, trên mặt bàn vẫn còn bài tập chưa làm xong.
Dù đang ở trong bệnh viện, tay đang phải truyền nước nhưng đứa trẻ này vẫn ráng kiếm một khu vực có ánh sáng để tranh thủ làm bài tập.
Học trên trường chưa xong đã phải học năng khiếu. Hình ảnh cô bé đang trong giờ học múa ba lê với tư thế xoạc chân vẫn phải chăm chú làm bài tập ở lớp còn dở dang khiến nhiều người xót xa.
Hình ảnh này được ghi lại tại một trường trung học vào ban tối, lúc này các học sinh đang chờ xếp hàng để đi vệ sinh cá nhân nhưng trên tay vẫn phải cầm quyển sách để tranh thủ học bài.
Những đứa trẻ mệt mỏi nằm giữa đống sách vở giữa các tiết học để có vài phút để nghỉ ngơi. Sau đó sẽ là những giờ học dài đằng đẵng đến khuya muộn
Trên giường bệnh, bị nối chằng chịt dây, thiết bị y tế vì sức khỏe có vấn đề song nam sinh vẫn phải gắng gượng ngồi dậy để tranh thủ lấy sách vở ra làm bài tập. Những lúc này, việc nên làm là nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng để lấy lại sức khỏe chứ không phải bất chấp thế này!
Những đứa trẻ cần được bảo vệ, cần được trải nghiệm những hoạt động đa dạng chứ không chỉ cắm đầu vào việc học. Nếu tạo áp lực con phải đạt thành tích tốt, kết quả cao, trong tương lai trẻ sẽ gặp những vấn đề lớn về tâm lý:
1. Áp lực quá lớn sẽ khiến tâm lý nổi loạn của trẻ ngày càng trở nên mạnh mẽ
Nếu hàng ngày cha mẹ tạo áp lực quá lớn cho con cái, bạn sẽ thấy rằng mối quan hệ giữa trẻ và bạn sẽ dần trở nên xa cách. Đặc biệt là trẻ ở độ tuổi vị thành niên, tâm lý nổi loạn sẽ càng mạnh mẽ hơn. Điều con cái mong muốn hơn cả là được cha mẹ công nhận và tôn trọng, đồng thời chúng cũng mong rằng cha mẹ có thể để đồng cảm và nghe theo với những suy nghĩ của chúng.
2. Trẻ không có lý tưởng và trở thành cỗ máy học tập
Tạo áp lực quá lớn cho con cái không những không giúp ích được gì cho việc học của trẻ mà còn có thể khiến các em đánh mất chính mình. Mỗi người nên có lý tưởng để theo đuổi và phải có kế hoạch tương lai cho riêng mình. Song, những đứa trẻ chăm chỉ học hành dưới sự ép buộc của cha mẹ không chỉ đánh mất bản thân mà thậm chí không còn lý tưởng cho tương lai của mình.
Trong mắt trẻ thơ, chỉ có điểm số mới có thể quyết định được niềm vui nỗi buồn của cha mẹ, cũng là thứ duy nhất quyết định được tương lai của chính mình. Không có lý tưởng của mình ngoài việc sách vở sẽ biến các em thành những cỗ máy học tập.
Theo Sohu