Tôi tên là Diệp Minh, năm nay đã 70 tuổi. Ngày xưa, vợ tôi sinh con gái khó khăn nên đã qua đời ngay trên bàn mổ. Đó là cú sốc lớn nhất trong cuộc đời tôi. Từ đó, tôi gà trống một mình nuôi con trưởng thành khôn lớn, tuy phải chịu đựng biết bao đắng cay vất vả nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc đi thêm bước nữa.
Khi con gái tốt nghiệp đại học, tôi bày tỏ mong muốn con tìm việc ở quê và tìm một người đàn ông ở địa phương để kết hôn. Bởi tôi chỉ có một mình, tôi mong có con ở bên mỗi ngày. Nhưng con gái tôi cho rằng quê hương còn lạc hậu, kém phát triển nên không thích hợp cho sự nghiệp của nó.
Kết quả là, năm thứ hai đi làm, con gái đã tìm được bạn đời ở thành phố và tiến tới hôn nhân. Trước ngày cưới, tôi không ít lần phản đối. Bởi hơn ai hết, tôi thấu hiểu con gái lấy chồng xa thì sẽ rất vất vả và tôi sẽ chẳng biết bao lâu mới được gặp nó một lần.
Nhưng con gái tôi không hề quan tâm đến mong muốn của cha mà thẳng thừng tuyên bố: Nếu tôi không đồng ý thì cô ấy sẽ từ mặt, không cần tôi xuất hiện trong ngày cưới của nó nữa.
Nghe cô ấy nói vậy, suốt đêm tôi không ngủ được, sau khi suy nghĩ mấy ngày, cuối cùng tôi cũng phải thuận theo con. Để nó có cuộc sống tốt, tôi đã dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm được để giúp các con mua một căn nhà.
Tuy nhiên, tấm chân thành của người cha này không hề được con để trong lòng. Sau khi lấy chồng, nó coi như không còn quê hương nữa. Lúc đầu, nó luôn lấy cớ bận công việc không thể về, sau này, kể cả điện thoại cũng ít gọi hơn. Dần dần, sự liên lạc giữa tôi và con gái chỉ diễn ra vào các ngày lễ tết trong năm, nói chuyện vô cùng xa cách.
May mắn, ông trời không tuyệt tình với tôi. Nếu con gái vô tâm thì bù lại tôi lại có người cháu trai tuyệt vời.
Anh trai tôi sức khỏe yếu ớt từ khi mới sinh ra nên gánh nặng về kinh tế đều dồn lên vai chị dâu. Do đó, tôi tự nhận một phần trọng trách phụ giúp anh chị tiền học của cháu.
Hồi nhỏ, nó hay sang nhà tôi chơi cùng con gái tôi, hai đứa rất thân thiết với nhau. Thằng bé này rất ngoan ngoãn, luôn biết nhường nhịn em, lại chăm chỉ không nề hà bất cứ việc gì dù tôi có sai bảo nó hay không.
Đến khi lớn lên và đi làm thì thói quen sang thăm nom, giúp tôi việc này việc kia trong nhà của cháu vẫn không hề thay đổi.
Năm ngoái, tôi bị một chiếc ô tô đâm phải khi đang đi mua hàng tạp hóa khiến xương đùi bị gãy. Ở tuổi này, gãy chân tay không phải chuyện nhỏ nên tôi đã gọi điện thoại thông báo cho con gái biết. Chẳng ai ngờ, nó chỉ lạnh lùng nói: "Bố ơi, con rất lo lắng cho vết thương của bố. Nhưng con thực sự không có thời gian để về. Mẹ chồng con dạo này cảm thấy không khỏe, cháu trai của bố lại bị sốt. Đợi đến khi rảnh rỗi hơn, con sẽ về thăm bố".
Cúp máy, tôi rơi nước mắt lúc nào không hay. Tôi nhìn sang cháu trai đang ngồi gọt trái cây bên cạnh mà càng xót xa hơn. Thằng bé này cũng rất bận công việc nhưng nó sẵn sàng xin nghỉ vài ngày để chăm tôi. Khi hết ngày nghỉ phép, vợ chồng nó còn bỏ tiền ra thuê người giúp việc và đến thăm tôi bất cứ khi nào có thể.
Cháu trai nói: "Ngày còn bé, chú đã cho cháu tiền ăn học, nếu không có chú thì không có cháu của ngày hôm nay. Vậy nên chú hãy để cháu được hiếu thảo với chú".
Nghĩ vậy tôi không còn quá đau lòng vì con gái nữa. Hằng ngày, tôi chuyên tâm rèn luyện sức khoẻ, ăn cơm, trò chuyện và chơi cờ cùng bạn bè. Ngày tết, tôi ăn cơm cùng các cháu.
Tháng trước, tôi nhận được đề nghị đền bù đất đai từ chính quyền bởi căn nhà đang ở nằm trong dự án làm đường. Tôi không nói lại với con gái vì thấy điều này không cần thiết. Vậy mà chẳng hiểu ai đã kể với nó nên nó và con rể lập tức về nhà.
Mới đầu, hai đứa nó tỏ ra đon đả, quan tâm tới sức khỏe của tôi. Chúng mua rất nhiều thuốc bổ, quần áo mới, thức ăn ngon nên tôi vui lắm. Ai ngờ, những gì con gái thốt ra tiếp theo khiến trái tim tôi như thắt lại:
"Bố ơi, con nghe người ta nói căn nhà này được đền bù 2 triệu tệ phải không", con gái lên tiếng hỏi ngay khi chỗ ngồi vừa mới ấm.
"Đúng là như thế", tôi hờ hững trả lời.
Con gái tôi phản ứng rất hào hứng: "Bố ơi, sao bố không nói cho con biết chuyện lớn như vậy? Nếu không có người khác nói với con thì con đã không biết gì cả".
"Thực ra sau khi con kết hôn thì đã chuyển khẩu về nhà chồng rồi, sổ đỏ cũng chỉ có tên bố. Vậy nên bố nghĩ không cần phải nói với con. Tránh làm ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống của hai đứa", tôi nói.
Cô con gái liền phản bác: "Bố, sao bố có thể nói thế? Con là con gái của bố nên đương nhiên sẽ có một phần tiền đề bù.
Cháu trai của bố bây giờ đã vào tiểu học, căn nhà hiện tại chúng con đang ở quá chật chội nên bây giờ đang rất cần tiền để mua căn lớn hơn. Vậy nên, bố hãy chia cho con số tiền này để con thực hiện các kế hoạch của mình được không".
Vừa nghe con gái nói đến tiền đền bù, tôi lập tức ngắt lời con bé: "Con gái à, bố không nợ gì con hết. Đáng ra nhà cửa phải do phía con rể chuẩn bị, nhưng vì quá thương con nên bố đã dành hết tiền tiết kiệm để mua nhà cho các con ở.
Nhưng con nhìn lại mình xem, con có còn nhớ đến người bố này không? Nếu những năm vừa rồi không có anh họ của con chăm sóc thì chắc bố đã chết lâu rồi. Hôm nay bố nói thẳng cho con hiểu, con sẽ không được một xu nào đâu".
Khi thấy tôi quá cứng rắn không chịu chia tiền, con gái và con rể dùng đủ mọi lời lẽ từ hối lỗi, ngọt nhạt đến cứng rắn, chửi bới. Quá tức giận, tôi đuổi hết chúng ra khỏi cửa và dọa sẽ gọi cảnh sát nếu cố tình gây rối.
Vậy mà chúng còn không biết xấu hổ, hai đứa nó liền thuê nhà nghỉ ở gần đó rồi cứ cách vài ngày lại đến kiếm chuyện. Song, lòng tôi đối với người con gái này đã chết.
Tôi giữ lại số tiền đó để những năm sau này có thể sống tốt hơn, nếu tôi thực sự giao tiền cho nó thì chẳng hiểu chúng sẽ cho tôi ra viện dưỡng lão nào ở nữa. Tôi không thể ngu ngốc lần thứ hai.