7 vị tướng ngồi bên đường bàn kế hoạch tiến công: Chuyện chỉ có ở Việt Nam

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Chỉ trong một ngày 16.4.1975, "Lá chắn thép" Phan Rang đã bị đập tan. Song không mấy ai biết cái kế hoạch tiến công hoàn hảo ấy lại được ra đời từ một bãi cỏ ngay ven đường.

LTS: Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, các Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện rất cơ bản, góp phần để Bộ đội ta thần tốc giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam.

Xin trân trọng giới thiệu với độc giả loạt bài của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975) về những trận đánh lịch sử cùng nhiều câu chuyện thú vị.

---

Sau ngày Đà Nẵng giải phóng, Trung tướng Lê Trọng Tấn ra Hà Nội báo cáo tình hình với Bộ Tổng Tư lệnh.

7 vị tướng ngồi bên đường bàn kế hoạch tiến công: Chuyện chỉ có ở Việt Nam - Ảnh 1.

Trong cuộc họp ngày 02.4.1975, ông nêu ý kiến cần hình thành cánh quân ven biển, gồm các lực lượng vừa giải phóng Đà Nẵng, nhanh chóng tiến quân đánh địch trong hành tiến, tiêu diệt địch và làm chủ các địa bàn chiến lược từ Nha Trang trở vào, không cho địch co cụm về Sài Gòn.

Đây cũng là ý kiến đề nghị của Thường vụ và Bộ Tư lệnh Quân khu 5, của Thường vụ và Bộ Tư lệnh Quân đoàn II vừa lập chiến công ở Đà Nẵng.

Từ quyết định sáng suốt của Tổng hành dinh

Ý kiến của tướng Lê Trọng Tấn được Bộ Tổng Tư lệnh tiếp thu và báo cáo lên thường trực Bộ Chính trị. Nhận thấy tính hợp lý của ý kiến này, Bộ Chính trị hoàn toàn đồng ý. .

Ngay lập tức, Thường trực Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh ra quyết định thành lập cánh quân phía đông - còn gọi là cánh quân Duyên Hải, gồm Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 324 ở lại bảo vệ Huế), Sư đoàn bộ binh 3 (thường gọi Đoàn Sao Vàng vốn thuộc Quân khu 5) và một số bộ phận khác.

Nhiệm vụ là vừa đánh địch, vừa mở đường với tốc độ thật nhanh, khẩn trương đến kịp thời gian cùng các đơn vị bạn tham gia giải phóng Sài Gòn. Trung tướng Lê Trọng Tấn được cử làm Tư lệnh. Ban cán sự Đảng lâm thời do Thiếu tướng Lê Quang Hoà làm Bí thư.

7 vị tướng ngồi bên đường bàn kế hoạch tiến công: Chuyện chỉ có ở Việt Nam - Ảnh 2.

Đại tướng Lê Trọng Tấn - nguyên Tư lệnh cánh quân Duyên hải. Ảnh: Zing.vn

Khi vào đến miền Đông Nam Bộ, cánh quân này sẽ thuộc quyền lãnh đạo, chỉ huy của Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh mặt trận Sài Gòn; đồng thời thường xuyên báo cáo với Bộ Tổng tư lệnh.

Trước khi Trung tướng Lê Trọng Tấn lên đường, Đại tướng Tổng Tư lệnh thay mặt Thường trực Quân uỷ Trung ương trực tiếp giao nhiệm vụ:

"Cánh quân phía đông nhanh chóng tiến theo đường số 1 chọc thủng phòng tuyến địch ở Phan Rang, tiếp đó cùng với các lực lượng B2 đánh chiếm Bà Rịa, Ô Cấp, khống chế sông Lòng Tàu, đặt pháo tầm xa ở Nhơn Trạch hoặc Thành Tuy Hạ chế áp các mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn, có phương án vượt sông thọc sâu vào trung tâm thành phố".

Ngay sau đó, Trung tướng Lê Trọng Tấn quay trở vào Đà Nẵng và công tác chuẩn bị cho cuộc hành quân hàng nghìn km về phía Nam của cánh quân phía Đông được nhanh chóng triển khai.

Xuất phát từ nhiệm vụ phải "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến" trong khi dọc Quốc lộ 1 có đến hàng chục cây cầu lớn nhỏ bị Quân đội Việt Nam cộng hòa (VNCH) phá hủy trong khi rút chạy nên Bộ Tư lệnh cánh quân quyết định tổ chức lực lượng phái đi trước gồm Sư đoàn bộ binh 325 và một số đơn vị binh chủng.

Trong lực lượng này có 2 tiểu đoàn tăng thiết giáp (TTG) trang bị xe tăng K63-85 và thiết giáp K63 có thể bơi nước. Đông thời, điều chuyển lực lượng của Sư đoàn 3 xuống sát đường Quốc lộ 1.

Trong lúc này, dưới sự cố vấn của Đại tướng Uây-en, Tổng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, chính quyền VNCH đã triển khai xây dựng tuyến phòng thủ Phan Rang - Xuân Lộc - Tây Ninh hòng giữ phần đất còn lại bao gồm quân khu 3, quân khu 4 và một phần quân khu 2 để mưu cầu một giải pháp khác có lợi cho họ.

Trong đó, Phan Rang được xác định là một điểm trọng yếu cần được tăng cường lực lượng phương tiện để trở thành một "Lá chắn thép" đủ sức ngăn chặn lực lượng của ta từ phía bắc vào.

Nắm được thông tin này, Tư lệnh Lê Trọng Tấn quyết định phải đánh càng nhanh càng tốt, không để quân địch có thời gian củng cố trận địa phòng ngự. Trước mắt, qua vô tuyến điện ông giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 3 triển khai tiến công đường hẻm Du Long ngay khi cơ động được xuống Quốc lộ 1.

Mặt khác, ông ra lệnh cho Quân đoàn 2 đẩy nhanh tốc độ cơ động cho cả lực lượng phái đi trước cũng như đại quân ở phía sau. Bản thân ông cùng Bộ Tư lệnh tiền phương cơ động cùng phân đội phái đi trước.

7 vị tướng ngồi bên đường bàn kế hoạch tiến công: Chuyện chỉ có ở Việt Nam - Ảnh 3.

Quân Giải phóng tiến công vào Tòa Hành chính chính quyền tỉnh Ninh Thuận sáng ngày 16-4-1975. Ảnh: Thọ Đôn.

  Đến quyết tâm chính xác của tướng chiến trường

Chiều 15.4.1975, Bộ Tư lệnh tiền phương cánh quân Duyên Hải đã có mặt tại Ba Ngòi- phía nam Cam Ranh. Sau khi nghe chỉ huy Sư đoàn 3 báo cáo kết quả chiến đấu trong các ngày 14 và 15.4, ông quyết định triệu tập cuộc họp Bộ Tư lệnh và các bộ phận liên quan để thống nhất kế hoạch tiến công Phan Rang.

Do bộ phận bảo đảm chưa chuẩn bị xong vị trí chỉ huy, cuộc hội ý diễn ra ngay bên vệ đường Quốc lộ 1. Bảy vị tướng, bao gồm:

- Trung tướng Lê Trọng Tấn - Tư lệnh,

- Thiếu tướng Lê Quang Hòa - Bí thư Ban cán sự Đảng lâm thời,

- Thiếu tướng Nam Long - Phái viên của Bộ,

- Thiếu tướng Phạm Hàm - Cục phó Cục Tác chiến,

- Thiếu tướng Đỗ Trình - Văn phòng Bộ Quốc phòng và Quân ủy trung ương,

- Thiếu tướng Phạm Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Khoa học quân sự,

- Thiếu tướng Nguyễn Hữu An - Tư lệnh Quân đoàn 2

Ngoài ra còn có Đại tá Đào Huy Vũ - Tư lệnh Bộ Tư lệnh TTG tiền phương cùng đại diện binh chủng Pháo binh, Phòng không xúm xít xung quanh một tấm bản đồ trải trên bãi cỏ ngay ven đường. Trên Quốc lộ 1, những đoàn xe tăng, xe thiết giáp và ô tô vẫn rầm rập chạy sâu về phía nam.

Sau khi thông báo tình hình và dành ra ít phút cho thảo luận, Tư lệnh Lê Trọng Tấn quyết định: không dừng lại trinh sát nắm địch như thông thường mà phải đánh ngay để địch không kịp trở tay. Các mục tiêu chủ yếu phải đánh chiếm là dinh tỉnh trưởng và chi khu quân sự Ninh Thuận, cảng Ninh Chữ và sân bay Thành Sơn.

Về tổ chức sử dụng lực lượng ông quyết định cho Sư đoàn 3 bàn giao trận địa cho Sư đoàn 325 và lật cánh về phía tây, ngay đêm 15.4 phải áp sát sân bay Thành Sơn để sáng 16.4 nổ súng cùng hướng tiến công chính diện.

Trên hướng chính diện tổ chức thành 2 thê đội:

- Thê đội 1 gồm Trung đoàn BB101 và Tiểu đoàn TTG 4. Trung đoàn 101 sẽ cho bộ binh ngồi lên xe tăng và bổ sung cho đủ lên các xe thiết giáp, số còn lại ngồi trên ô tô bám sát phía sau.

- Thê đội 2 gồm toàn bộ phần còn lại của lực lượng phái đi trước cơ động phía sau Thê đội 1, sẵn sàng bước vào chiến đấu khi có lệnh. Hình thức tác chiến là "tiến công trong hành tiến", có thể bỏ qua các mục tiêu nhỏ lẻ để hướng đến các mục tiêu chủ yếu càng nhanh càng tốt.

7 vị tướng ngồi bên đường bàn kế hoạch tiến công: Chuyện chỉ có ở Việt Nam - Ảnh 4.

Xe tăng Quân Giải phóng tiến chiếm cơ quan chính quyền tỉnh Ninh Thuận. Ảnh tư liệu.

Nếu điều kiện thuận lợi phát triển về phía nam càng sâu càng tốt. Thời gian nổ súng là 5 giờ sáng ngày 16.4.1975. Thực tế diễn biến của trận đánh sau đó đã chứng tỏ đó là một quyết tâm vô cùng chính xác. Chỉ trong ngày 16.4, ta đã đập tan tuyến phòng ngự từ xa của địch ở Phan Rang.

Ta đã tiêu diệt Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu III Quân lực VNCH, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 bộ binh, Lữ đoàn 2 dù, Liên đoàn biệt động 31, toàn bộ lực lượng của tiểu khu Ninh Thuận, làm chủ cảng Ninh Chữ, chiếm sân bay Thành Sơn, thu gần 40 máy bay còn nguyên vẹn.

Ta bắt sống hàng nghìn sĩ quan, binh lính trong đó có viên Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và viên Chuẩn tướng không quân Phạm Ngọc Sang. Quân ta giải phóng hoàn toàn thị xã Phan Rang và tỉnh Ninh Thuận, thọc sâu vào đến tận mũi Cà Ná với chiều sâu lên đến gần 70 km.

Tuy nhiên, không mấy ai biết cái kế hoạch tiến công hoàn hảo ấy lại được ra đời bởi 7 vị tướng và 1 đại tá xúm quanh một tấm bản đồ ngay tại một bãi cỏ ven đường.

(Ghi theo lời kể của Đại tá Phùng Minh - nguyên Trưởng phòng Tác chiến Binh chủng Tăng  - Thiết giáp, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tăng  - Thiết giáp Học viện Lục quân Đà Lạt, hiện đang nghỉ hưu ở Hà Nội)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại