Những quy tắc trong gia đình là những quy định mà các thành viên trong gia đình cần tuân theo. Nhờ đó gia đình sẽ có 1 nề nếp nhất định. Những quy tắc này đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định chuẩn mực cho mỗi hành vi của các thành viên trong gia đình.
Có rất nhiều quy tắc trong gia đình nhưng các điều sau đây là cốt lõi, làm kim chỉ nam giữ cho đời sống trong gia đình được an lành và hạnh phúc. Con cái sẽ trở nên ngoan ngoãn, hiếu thảo.
1. Luôn lễ phép
Lễ phép là một đức tính cần dạy cho trẻ từ sớm. Qua đó, trẻ sẽ học cách tôn trọng người lớn tuổi. Các bé sẽ biết lễ phép với không chỉ người trong nhà mà còn với những người bên ngoài. Con cũng tập được lối sống nề nếp và biết hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.
Khi đứa trẻ biết kính trên nhường dưới, biết chào hỏi người lớn tuổi, đặc biệt với ông bà, người thân trong gia đình, con cũng sẽ nhận được sự tôn trọng từ người khác. Sự lễ phép ở trẻ còn là biểu hiện giáo dục của bố mẹ. Người ngoài sẽ nhìn vào và đánh giá trẻ có phải được nuôi dạy từ 1 gia đình có đạo đức, nguyên tắc hay không?
2. Tuân thủ giờ giấc theo quy định
Đối với con cái, cha mẹ nên áp dụng giờ "giới nghiêm". Con sẽ chỉ được phép ở ngoài đến 1 khung giờ nhất định nào đó và không được về trễ.
Đặt ra giờ đi ngủ cũng rất quan trọng. Điều đó sẽ giúp trẻ không thức quá khuya, ngủ đủ giấc. Việc đặt ra giờ giấc trong nhà rất là quan trọng, đặc biệt khi gia đình bạn có con gái. Nếu 1 bạn gái thường xuyên đi sớm về muộn, hoặc đi qua đêm không về nhà, con sẽ dễ bị người khác nhìn vào đánh giá.
Mặt khác, việc đi chơi đêm cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm rủi ro. Con có thể gặp các đối tượng xấu, những kẻ biến thái...
Muốn con cái tuân thủ giờ giấc theo quy định, cha mẹ cũng phải làm gương. Không có người bố, người mẹ nào thường xuyên về muộn lại có thể yêu cầu con về đúng giờ được cả. Một số quy định giờ giấc nên áp dụng như thức dậy đúng giờ cùng ăn sáng với gia đình, về nhà trước giờ ăn tối, thời gian chơi game, xem TV mỗi ngày...
3. Tôn trọng quyền riêng tư của nhau
Không ai cảm thấy thoải mái, dễ chịu khi người khác tự tiện vào phòng mình lục lọi, kiểm tra tin nhắn điện thoại, tự mở máy tính... Ngay cả với con cái, cha mẹ cũng nên tôn trọng. Vì con cũng cần có quyền riêng tư. Trước khi vào phòng con, cha mẹ nên gõ cửa. Muốn dọn phòng, kiểm tra bài vở,... cha mẹ nên hỏi ý kiến của trẻ trước tiên.
Nói vậy không phải cha mẹ ngó lơ hay mặc kệ việc làm của các con. Phụ huynh vẫn nên quan tâm nhưng phải quan tâm đúng cách như thông qua những cuộc trò chuyện, những lời hỏi thăm, những quan sát về tâm trạng, cử chỉ,…
4. Dành thời gian cho con cái
Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân trẻ càng lớn càng xa cách bố mẹ chủ yếu đến từ việc giữa phụ huynh và con cái không có sự giao tiếp thường xuyên. Khi trẻ bắt đầu nói ra suy nghĩ của mình nhưng cha mẹ lại không quan tâm hoặc gạt đi, dần dần sẽ khiến chúng xa cách, không muốn chia sẻ.
Sẻ chia là kết quả của yêu thương, tôn trọng và bình đẳng trong gia đình. Nếu trong gia đình "mạnh ai nấy sống" thì sẽ rất tẻ nhạt, ảm đạm.
Vì vậy dù bận đến đâu, cha mẹ hãy đặt quy định để các thành viên ở bên nhau nhiều hơn. Dù bận rộn đến đâu, phụ huynh cũng nên có thời gian cho gia đình. Ít nhất là tất cả các thành viên đều có mặt vào các bữa ăn. Sau khi ăn tối, cả nhà có thể dành thời gian trò chuyện, xem TV, uống trà, chơi game với nhau. Vào cuối tuần, cả nhà có thể đi chơi, cùng nhau đi cắm trại...
5. Dạy trẻ trân trọng những gì đang có
Bố mẹ nên dạy trẻ biết ơn và bằng lòng với những gì mình đang có. Lòng biết ơn giúp trẻ biết cảm thông, chia sẻ và trân trọng cuộc sống. Đồng thời những đứa trẻ hài lòng và biết ơn sẽ sống hạnh phúc hơn.
Những đứa trẻ biết ơn cũng rất trân quý gia đình và luôn tìm mọi cách đền đáp công ơn trời bể của cha mẹ, nhất là khi cha mẹ đã đến tuổi "xế chiều".
6. Dạy con sự bình đẳng
Mọi đứa trẻ nên dạy về sự bình đẳng. Việc đó thể hiện ở vợ và chồng, con trai và con gái, các thành viên nam và nữ trong gia đình có vị trí, vai trò ngang nhau, quyền được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình như nhau, quyền được thụ hưởng mọi thứ trong gia đình ngang nhau, quyền được tham gia quyết định các vấn đề của bản thân và của gia đình ngang nhau...
Khi các con cảm nhận mình được đối xử công bằng, chúng sẽ yêu quý cha mẹ và các anh chị em của mình hơn. Ngược lại, nếu cha mẹ có sự thiên vị, chắc chắn đứa trẻ thiệt thòi sẽ sinh lòng đố kị. Còn đứa trẻ được chiều chuộng sẽ ngày càng hống hách, coi mình là trung tâm và trở nên ương bướng.
7. Ai cũng phải làm việc
Sự giàu có nhờ công sức lao động là quý giá nhất. Vì vậy hãy dạy con cái lao động. Việc đó có thể đào tạo con từ nhỏ bằng cách dạy chúng làm việc nhà. Cả người lớn và trẻ em phải tham gia vào dọn dẹp nhà cửa.
Ngoài ra, thực hiện các công việc thường nhật như rửa bát, quét nhà, nấu cơm,… là cách rèn luyện sức khỏe hiệu quả. Đồng thời cũng giúp trẻ giảm thời gian sử dụng TV, các thiết bị điện tử. Khi dạy con làm việc nhà, trẻ sẽ có tính tự lập, không dựa dẫm vào người khác.
Để đảm bảo việc nhà được thực hiện, cha mẹ nên lên lịch phân công việc nhà cho các thành viên. Hãy lưu ý chia việc theo sở thích và sức lực của mỗi người để các thành viên không cảm thấy áp lực khi làm việc.