Bảy ngày một mình chiến đấu dưới vách núi sâu
Chiều ngày 3/5, trên chuyến xe trở về Hà Nội sau 7 ngày bị rơi, mắc kẹt dưới khe núi đỉnh Yên Tử (Quảng Ninh), bà Nguyễn Thị Bích Liên (59 tuổi) vẫn không dám tin mình còn sống. Chiếc xe ngày một gần nhà, bà Liên có phần hồi hộp mong được gặp lại con cháu.
Người phụ nữ bần thần nhớ lại định mệnh ấy: Hôm 27/4, bà đi một mình từ Hà Nội xuống Quảng Ninh để cắt thuốc Nam chữa đau xương khớp, khi qua Uông Bí, thì ghé vào Yên Tử lễ chùa. Bà mua vé tham quan và vé cáp treo khứ hồi để lên đỉnh chùa Đồng.
Sau khi lễ ở chùa Đồng, bà Liên quay xuống núi. Vừa đi được một đoạn, bà thấy chóng mặt nên ngồi tựa vào lan can cạnh vách núi để nghỉ. Lúc đứng dậy do loạng choạng nên bà bị trượt ngã xuống vực. Rất may, nhờ có cây rừng đỡ phía dưới nên bà không bị chấn thương.
Bà Liên được mọi người đưa từ dưới vực lên.
Bà Liên không biết mình ngất đi bao lâu, khi tỉnh dậy sau cú rơi từ trên núi xuống, toàn thân bà ướt sũng, chân mắc vào hốc đá. Bà cố bám vào cành cây leo lên trên để kêu cứu nhưng không thành.
"Mỗi lần nghe tiếng người đi qua tôi lại cố trèo lên để kêu cứu, nhưng lại bị rơi xuống", bà Liên kể may mắn khi bị rơi có các cành cây đỡ nên bà không bị thương nặng. Bà cũng tìm được lại túi đồ mình mang theo, trong đó có gói cơm cháy và nước uống.
Dù bị rơi xuống vách đá sâu nhưng người đàn bà 60 tuổi không bỏ cuộc, vẫn liên tục bám vào các cành cây để leo lên mong tìm được người giúp đỡ.
"Tôi bị rơi đến ba lần, lần thứ tư tôi quyết định trèo lên phiến đá gần đó chờ người đến cứu, bên dưới là vực sâu 100 m tôi sợ mình không may mắn như 3 lần trước nữa", người đàn bà chia sẻ.
Đêm tối rồi lại sáng, nhiều ngày qua đi bà Liên vẫn mong có người nghe được tiếng kêu cứu của mình, nhưng những ngày này khu vực Yên Tử thời tiết xấu nên không ai nghe thấy tiếng gọi của bà.
Sau nhiều ngày ở dưới vực, sức khỏe bà có phần yếu, được mọi người cõng xuống núi.
Để đảm bảo lương thực trong khi chờ người tới cứu, bà chia nhỏ gói cơm cháy ăn dần, bà lục trong số rác dưới vách đá tìm những chai nước uống thừa bị vứt đi nên bà dồn lại một chai để dự trữ uống dần.
Qua nhiều ngày không gọi được ai, lương thực ngày một cạn kiệt, bà Liên vặt cả lá rừng ăn cho đỡ đói. Mỗi ngày qua đi không thức ăn, số nước ngày một ít cùng với việc ở liên tục trong rừng khiến bà sợ hãi.
"Tôi không biết mình còn sống để trở về được không, chỉ biết cố gắng kéo dài được ngày nào hay ngày ấy, để mọi người có thể tìm thấy tôi", bà Liên chia sẻ.
Ở ngày thứ 6 khi bị rơi xuống vách đá, bà Liên tìm thấy trong đống rác một lọ bằng inox, thấy có hi vọng bà cố đập vào vách đá để phát ra tiếng động lớn thu hút mọi người. Tuy nhiên tiếng kêu của bà cũng không được phản hồi.
Người phụ nữ tiếp tục bới trong đống rác tìm thấy một chiếc kính, bà nghĩ ngay đến việc lợi dụng ánh nắng chiếu vào kính làm cháy lá để thu hút mọi người.
"Mọi cách để được sống tôi đều thử, nhưng vẫn không ai nghe thấy tôi, ngoài trời mưa, gió to tôi rất sợ, lúc đấy chỉ biết khóc".
Bà Liên an toàn trở về nhà tối 3/5.
Sáng 3/5, ngày thứ 7 khi bị rơi xuống vách đá, sau những nỗ lực không ngừng đều kêu cứu, người phụ nữ U60 cuối cùng cũng nghe được tiếng người đáp lại. Bà Liên thở ra thật mạnh, thầm nghĩ mình được cứu rồi.
Bà liên tục đập bình inox để thu hút mọi người, lúc sau có một người đàn ông đi gần về phía bà rồi mọi người tìm thấy và đưa bà lên thành công. Do sức khỏe yếu, ở dưới vách đá lâu ngày nên bà Liên đi lại khó khăn, được mọi người trong đoàn cứu hộ thay phiên nhau cõng xuống núi.
Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cho biết khu vực bà Liên rơi xuống có địa thế hiểm trở, những ngày trước mưa gió nên khi đi tuần không ai nghe thấy tiếng kêu cứu của bà.
"Hôm nay thời tiết quang đãng không có mưa nên may mắn mọi người nghe và phát hiện ra bà Liên", ông Dũng nói và cho biết vì địa hình hiểm trở nên mọi người phải dùng dây thừng thay phiên nhau đu xuống vực để đưa bà Liên lên.
Ông Dũng cho biết sức khỏe bà Liên sau 7 ngày mắc kẹt dưới vách đá đã ổn định, không có vết thương nặng được người nhà đưa về hôm 3/5.