Lo ngại khả năng cuộc nổi dậy lan rộng, Tổng thống George Washington miễn cưỡng điều một lực lượng dân quân gồm 13.000 người tới phía Tây Pennsylvania để dập tắt cuộc nổi dậy. Khoảng 20 người đã bị bắt, 2 người bị kết tội phản quốc và bị kết án tử hình bằng cách treo cổ.
Tuy nhiên, do bất lực trong việc ngăn cản Cuộc nổi dậy Whiskey, tháng 7/1795, Tổng thống George Washington quyết định ân xá cho cả 2 người đã bị kết án tử hình trước đó.
Brigham Young năm 1858
Brigham Young là người đặt nền móng cho thành phố Salt Lake và từng là lãnh đạo ban đầu của Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Jesus Kito - còn gọi là Giáo hội Mormon, nhưng ông cũng vi phạm luật liên bang vì hành vi phản bội của mình ở biên giới phía Tây. Young đã đưa Giáo hội Mormon đến Utah vào những năm 1840 và sau đó giữ chức thống đốc đầu tiên của bang này.
Brigham Young. Ảnh: History
Dù là một nhà tổ chức và quản lý xuất sắc, ông cũng là người chuyên quyền và chống lại sự can thiệp của liên bang. Lo ngại Young và Giáo hội Mormon sẽ biến Utah thành một chế độ thần quyền, năm 1857, Tổng thống James Buchanan đã phái một đoàn quân viễn chinh để giành lại quyền kiểm soát Utah.
Trong cuộc Chiến tranh Utah, những người ủng hộ Young đã tham gia vào một cuộc xung đột kéo dài 1 năm với quân đội Mỹ. Đây vốn không phải cuộc đổ máu lan rộng, nhưng điều này đã kết thúc bởi một vụ việc vào tháng 9/1857, trong đó một nhóm thành viên của Giáo hội Mormon đã sát hại hơn 100 dân thường trong một đoàn tàu chở hàng ở California.
Bất chấp vụ thảm sát – mà một số người tuyên bố là thực hiện theo lệnh của Young - Young và những người ủng hộ ông sau đó đã nhận được sự ân xá hoàn toàn từ Tổng thống James Buchanan như một phần của thỏa hiệp hòa bình với chính phủ liên bang.
Fitz John Porter năm 1886
Vào năm 1868, tất cả cựu binh của Liên minh miền Nam đều được tổng thống tha bổng, nhưng phải mất 18 năm nữa, Tướng Fitz John Porter mới được ân xá vì vai trò của ông trong cuộc Nội chiến.
Tướng Porter bị thất thế vì những thiệt hại trong Trận Bull Run thứ 2 năm 1862. Trong cuộc giao tranh, ông phản ứng chậm chạp trước những mệnh lệnh của Thiếu tướng John Pope, sau đó bị buộc phải tham gia một cuộc tấn công không có kế hoạch dẫn đến tổn thất nặng nề cho quân đoàn của ông. Với thất bại của Liên minh miền nam, Porter bị đuổi khỏi quân đội sau một phiên tòa công khai gây tranh cãi.
Fitz John Porter. Ảnh: History
Porter tin rằng ông bị biến thành “con dê tế thần” và đã dành gần 2 thập kỷ tiếp theo để tìm cách minh oan cho mình. Điều đó cuối cùng cũng đến vào năm 1879, khi một bản đánh giá chính thức kết luận rằng Porter không chỉ vô tội đối với bất kỳ hành vi sai trái nào trong Trận Bull Run thứ 2, mà có thể đã ngăn cho thất bại trở nên nghiêm trọng hơn.
Năm 1882, Tổng thống Chester A. Arthur giảm án và cho ông trở lại quân đội. Sau đó, Tổng thống Grover Cleveland là người đã ra lệnh ân xá hoàn toàn cho Porter.
Eugene V. Debs năm 1921
Chính trị gia xã hội chủ nghĩa Eugene Debs giành được gần 1 triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1920, mặc dù ông tiến hành chiến dịch tranh cử từ trong phòng giam. Eugene Debs nổi tiếng là người theo chủ nghĩa hòa bình đã bị bắt vào năm 1918 sau khi ông có bài phát biểu chất vấn sự tham gia của Mỹ trong Thế chiến thứ nhất. Bị buộc tội gây rối và vi phạm Đạo luật Gián điệp, Eugene Debs bị kết án 10 năm tù và tước quyền công dân chung thân.
Debs ngồi tù trong suốt thời gian còn lại của Thế chiến thứ nhất, nơi ông tham gia vào cuộc đua lần thứ 5 và cũng là lần cuối cùng vào Nhà Trắng. Sau hơn 2 năm ngồi sau song sắt, Debs cuối cùng đã được trả tự do vào năm 1921 theo lệnh của Tổng thống Warren G. Harding.
Dù giảm án tù cho Debs, nhưng ông Tổng thống Harding cũng cho rằng chính trị gia cao tuổi này có tội và không ân xá hoàn toàn. Debs qua đời vào năm 1926, nhưng quyền công dân của ông sau đó đã được phục hồi theo một đạo luật năm 1976 của Quốc hội.
Jimmy Hoffa năm 1971
Một trong những nhà lãnh đạo của giới lao động nổi tiếng nhất thế kỷ 20, James R. Hoffa cũng là người nhận được lệnh ân xá gây tranh cãi của tổng thống.
Là Chủ tịch của Công đoàn Teamster có ảnh hưởng, Hoffa đã giành được một số chiến thắng quan trọng cho người lao động trong đó có việc đảm bảo hợp đồng vận tải đường bộ quốc gia vào năm 1964. Cùng năm đó, sau một loạt cuộc điều tra của chính phủ về hoạt động của Công đoàn Teamster, Hoffa bị kết án trong hai phiên tòa riêng biệt và bị kết án 8 năm vì mua chuộc bồi thẩm đoàn (ông ta được cho là đã cố gắng hối lộ một thành viên cấp cao trong bồi thẩm đoàn trong một vụ kiện trước đó) và 5 năm vì gian lận thư tín và lạm dụng quỹ của Công đoàn Teamster.
Jimmy Hoffa. Ảnh: History
Hoffa vào tù năm 1967, nhưng chỉ thụ án được vài năm, sau đó được Tổng thống Richard Nixon ra lệnh giảm án. Lời đề nghị khoan hồng đi kèm với điều kiện là Hoffa sẽ không còn tham gia vào các hoạt động của Công đoàn Teamsters nữa, tuy nhiên, giới phê bình cho rằng lệnh ân xá này cũng liên quan đến một thỏa thuận “hậu trường” rằng công đoàn này sẽ hỗ trợ chiến dịch tái tranh cử của Nixon.
Dù vì lý do gì, lệnh ân xá cho Hoffa cuối cùng cũng “rơi vào quên lãng” vì sự biến mất của ông tại bãi đậu xe của một nhà hàng ở Detroit năm 1974. Thi thể của Hoffa chưa bao giờ được tìm thấy; người ta cho rằng ông ta là mục tiêu ám sát của Mafia.
Richard Nixon năm 1974
Tổng thống Richard Nixon nổi tiếng về vụ từ chức vào tháng 8/1974 do những cáo buộc có hành vi bất chính liên quan đến vụ bê bối Watergate. Dù vậy, ông đã được Tổng thống kế nhiệm Gerald Ford ân xá hoàn toàn chỉ vài tuần sau khi từ chức.
Richard Nixon. Ảnh: History
Lời đề nghị khoan hồng của Ford được đưa ra trước khi ông Nixon chính thức bị buộc tội về bất kỳ hành vi sai trái nào và bao gồm tất cả các tội mà cựu Tổng thống “đã phạm phải, hoặc có thể đã phạm, hoặc tham gia” trong các nhiệm kỳ của mình.
Vào thời điểm đó, nhiều người cho rằng lệnh ân xá của Tổng thống Ford là cần thiết để giúp đất nước tiến lên từ thời đại đầy tai tiếng và lạm dụng quyền lực, nhưng những người khác lại cho rằng lệnh ân xá này chỉ giúp ngăn chặn một cuộc điều tra cần thiết về tham nhũng của Richard Nixon.
Việc ân xá cho Nixon trở thành một trong những hành động gây tranh cãi nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của Gerald Ford, thậm chí có thể góp phần vào thất bại của ông trong cuộc tái tranh cử năm 1976.
Patty Hearst năm 2001
Năm 1974, cháu gái của ông trùm báo chí William Randolph Hearst bị một nhóm du kích cực đoan tự xưng là Quân giải phóng Symbionese bắt cóc và đòi tiền chuộc. Sau khi bị bắt làm con tin, người thừa kế 19 tuổi này gây chấn động thế giới khi tuyên bố rằng cô đã tự nguyện gia nhập hàng ngũ những kẻ bắt giữ mình. Lấy tên là “Tania”, cô gái trẻ này đã sử dụng một khẩu súng trường trong vụ trộm ngân hàng SLA chỉ vài ngày sau đó.
Patty Hearst. Ảnh: History
Patty Hearst lẩn trốn hơn một năm, và cuối cùng bị bắt trong một cuộc săn lùng của FBI vào tháng 9/1975. Các luật sư của Hearst lập luận rằng cô đã bị “tẩy não” và lạm dụng trong thời gian bị giam cầm, nhưng điều này không đủ sức thuyết phục để tránh bản án 7 năm tù cho tội cướp ngân hàng.
Tổng thống Jimmy Carter đánh giá hình phạt này quá khắc nghiệt, và giảm án tù cho Hearst sau khi cô ngồi tù được 22 tháng. Theo đề xuất của Carter, Tổng thống Bill Clinton sau đó đã ân xá hoàn toàn cho Patty Hearst vào năm 2001./.