Đa phần chúng ta đều luôn nghĩ rằng suy nghĩ của mình là đúng, dựa trên lý trí và logic chính xác. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ hơn, sâu xa hơn, rất có thể có nhiều đánh giá, suy nghĩ của bạn đều bị mắc vào 1 trong các "bẫy" sau.
Hiệu ứng hào quang
Hiệu ứng hào quang, hiệu ứng lan tỏa là tâm lý khi chúng ta đưa ra đánh giá về một người, vật, sự việc chỉ qua một hoặc một vài đặc điểm của họ một cách thiếu khách quan. Trường hợp phổ biến nhất của bẫy tư duy này là đánh giá chỉ qua ngoại hình. Ví dụ, người có ngoại hình đẹp sẽ dễ được người khác nghĩ rằng thông minh hơn, tốt bụng hơn dù không có bằng chứng nào cụ thể để chỉ ra điều đó.
Tác hại của tư duy này là sẽ hạn chế khả năng nhìn nhận về người khác hoặc tình huống một cách sáng suốt và hợp lý. Khi nhiều người trong xã hội cùng mắc hội chứng này sẽ nảy sinh những vấn đề như coi trọng ngoại hình, tạo nên những quy chuẩn gò bó và thiếu công bằng.
Nghịch lý Abilene
Hiệu ứng tâm lý này xảy ra trong các nhóm, tập thể. Đó là khi mọi người cùng đưa ra quyết định về một hướng hành động không phù hợp với sở thích của nhiều hoặc thậm chí là tất cả các thành viên trong nhóm. Ví dụ, tất cả mọi người đều không ai thích đi làm thêm giờ. Nhưng ai cũng nghĩ rằng người khác trong công ty sẽ đánh giá suy nghĩ đó là lười biếng nên tất cả đều làm thêm, trái với mong muốn của mình. Sự thiếu giao tiếp và thiếu trung thực là nguyên nhân của nghịch lý này.
Suy diễn về ý nghĩ của người khác
Bạn có bao giờ nghĩ rằng người xung quanh luôn "rình rập" để nói xấu, hạ bệ mình hay có đánh giá tiêu cực với những việc bạn làm? Tâm lý bi quan như vậy thực chất xuất hiện ở rất nhiều người. Và điều tồi tệ nhất là nếu chúng ta không nhận ra và ngăn chặn những suy nghĩ này kịp thời, con người sẽ mặc định cho rằng suy diễn đó là đúng và chìm vào cảm giác buồn tủi, khó chịu.
Bẫy tâm lý này xuất hiện nhiều nhất trong mối quan hệ gia đình. Và tác hại của nó thì rất độc hại đối với sức khỏe tinh thần vì chúng ta rất dễ đưa ra kết luận sai về con người và động cơ của người khác, "làm khổ mình khổ người".
Tự chỉ trích
Nhiều người tin rằng việc tự phê bình, tự chỉ trích bản thân là điều tốt vì sẽ giúp chúng ta nỗ lực hoàn thiện mình và không ngừng cố gắng. Tuy nhiên, suy nghĩ này nếu xuất hiện quá nhiều thì nó chính là biểu hiện của sự tự ti, dẫn đến cảm giác tội lỗi và các vấn đề tâm lý khác.
Tâm lý tự phê bình một cách thái quá sẽ khiến con người bỏ qua những thông tin tích cực mà chỉ chú ý vào những điều tiêu cực, những thứ mình chưa đạt được, những sai lầm của bản thân. Từ đó, bạn chỉ cảm thấy thất bại và kéo tụt tâm trạng chính mình dù sự việc chưa chắc tồi tệ đến thế.
Hiệu ứng quá tự tin
Ngược lại với bẫy tâm lý trên, hiệu ứng này lại miêu tả khi ai đó ảo tưởng về của bản thân quá đà, tự mình đưa ra những đánh giá tốt về mình một cách sai lầm, viển vông và thiếu thực tế. Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết người mắc hội chứng tự tin về mình cao gấp nhiều lần người tự ti, tức phần lớn con người đều nghĩ rằng mình ở trên mức trung bình.
Việc tự tin vào bản thân là điều tốt, nhưng chỉ tập trung vào các điểm tích cực sẽ là rào cản để bạn hoàn thiện mình và bước tới thành công.
Tâm lý "đồng thuận giả"
Khác với nghịch lý Abilene, hiệu ứng đồng thuận giả là khi chúng ta nghĩ rằng hầu hết mọi người đều đồng tình với ý kiến của mình. Chúng ta cho rằng "Ai cũng làm như thế này", "Mọi người đều sống như thế" dù không có dữ liệu thống kê nào để chứng minh điều đó.
Sự sai lầm trong nhận thức này sẽ khiến con người khó lòng chấp nhận quan điểm trái chiều của người khác ngay cả khi họ đưa ra được lập luận mang tính logic, dần dần sinh ra tâm lý bảo thủ.
Hiệu ứng điểm mù
Sau khi đọc xong 6 bẫy tư duy ở trên, bạn thấy rằng mình mắc bao nhiêu lỗi? Nếu bạn nghĩ rằng mình không có điều nào đúng với bạn cả thì có 2 trường hợp. Thứ nhất, suy nghĩ của bạn là đúng. Nhưng thường thì chúng ta sẽ rơi vào trường hợp thứ hai. Các bẫy tâm lý trên tuy đơn giản nhưng đã được nghiên cứu chỉ ra là rất phổ biến, ngay cả với những người lý trí nhất cũng dễ mắc sai lầm mà không hay biết. Vì vậy, đừng quên nhìn lại trải nghiệm của mình và phân tích chúng một cách phù hợp, khách quan.