67 năm Hiệp định đình chiến: Bán đảo Triều Tiên đứng trước 2 ngã rẽ

Phạm Hà |

67 năm sau ngày ký kết Hiệp định đình chiến, quan hệ liên Triều về lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh với những sóng gió bất ngờ giữa 2 bên.

Ngày 27/7/1953, Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến được các bên ký tại Panmunjom, nhất trí hạ vũ khí và dừng các hành động thù địch. 67 năm sau ngày ký kết, quan hệ liên Triều trên lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với các sóng gió bất ngờ có thể đẩy hai quốc gia quay trở lại thời kỳ đối đầu căng thẳng.

Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên đưa tin, sáng nay (27/7) nhà lãnh đạo Tiều Tiên Kim Jong Un đã đến đặt vòng hoa tại nghĩa trang liệt sỹ chiến tranh giải phóng Tổ quốc để kỷ niệm 67 năm ngày ký hiệp định đình chiến Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Nhà lãnh đạo Triều Tiên bày tỏ lòng thành kính với những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, đồng thời khẳng định chiến công bất diệt của họ sẽ là tỏa sáng mãi theo lịch sử.

Hôm qua, một buổi lễ kỷ niệm cũng được tổ chức tại trụ sở Ủy ban trung ương Đảng lao động Triều Tiên, với buổi lễ trao tặng súng ngắn mang tên ngọn núi thiêng liêng của Triều Tiên Paektu cho các sĩ quan chỉ huy của lực lượng vũ trang. Theo nhà lãnh đạo Kim Jong Un, đây là sự trao gửi niềm tin và kỳ vọng lớn lao vào các sĩ quan chỉ huy thế hệ mới, hoàn thành sự nghiệp cách mạng bằng cách nắm chắc vũ khí cách mạng.

Ngày 27/7 hàng năm là một ngày lễ lớn tại Triều Tiên và Hàn Quốc cũng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm. Sự kiện này là một lời nhắc nhở rằng hai miền cần tiếp tục các nỗ lực hướng tới việc ký kết một Hiệp định hòa bình, chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

Tuy nhiên, quan hệ liên Triều gần đây đối mặt với sóng gió khi Triều Tiên cắt đường dây liên lạc với Hàn Quốc, cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều, với những lời chỉ trích căng thẳng nhằm vào Hàn Quốc. Giữa bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều lâm vào bế tắc, căng thẳng nổi lên trong quan hệ liên Triều cho thấy Bán đảo Triều Tiên đang đứng trước hai ngã rẽ đối đầu và thù địch hay đối thoại và hòa bình.

Dù vậy, xu hướng đối thoại và hợp tác đang được cả Triều Tiên và Hàn Quốc hướng tới với nhận thức rằng, con đường này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Sau các lời chỉ trích mạnh mẽ, Triều Tiên mới đây bất ngờ tuyên bố hủy kế hoạch quân sự chống lại Hàn Quốc trong khi ông Lee In-young- người vừa được đề cử trở thành Tân Bộ trưởng thống nhất Hàn Quốc phụ trách mối quan hệ liên Triều, tuyên bố sẽ thực hiện những thay đổi táo bạo để kích hoạt lại các hoạt động trao đổi và hợp tác liên Triều bị đình trệ.

“Hàn Quốc và Triều Tiên nên tiếp tục đối thoại, tái khẳng định các cam kết và xây dựng lòng tin lẫn nhau. Về phía Hàn Quốc, tôi sẽ thúc đẩy các kế hoạch nhằm tăng cường trao đổi hợp tác thương mại giữa hai bên, tạo tiền đề thúc đẩy mối quan hệ liên Triều, trước hết trong lĩnh vực nhân đạo, trao đổi hợp tác y tế…”

Chắc chắn những nỗ lực của Hàn Quốc là chưa đủ khi mối quan hệ liên Triều luôn phụ thuộc vào thăng trầm trong mối quan hệ với Mỹ. Mặc dù vậy, ông Lee In-young cho rằng, chuyến tàu hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên nên chạy trên hai tuyến đường Hàn - Triều và Mỹ - Triều. Ngay cả khi quan hệ Mỹ - Triều bị đình trệ, quan hệ liên Triều vẫn nên tiến lên một cách vững chắc, với các mục tiêu riêng của mình. Đây cũng là lập trường mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đưa ra gần đây với khẳng định cần có các trao đổi hợp tác độc lập với Triều Tiên, tách biệt với các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại