64% dân công sở sẵn sàng nhảy việc nếu phải lên văn phòng cả tuần: Làm việc từ xa, thu nhập giảm nhưng vẫn "có lãi"

Thùy Anh |

Alonso Morris đang làm công việc từ xa đầu tiên của mình và cho biết chưa có ý định thay đổi. Anh tin rằng khả năng kiếm tiền của mình cao hơn mức lương hiện tại nhưng bản thân hài lòng với những gì mình đang có.

Alonso Morris, sống ở Connecticut, là trưởng bộ phận mua sắm của một công ty phân tích và chia sẻ dữ liệu. Anh đã làm công việc đó từ mùa hè năm 2020, sau khi bị sa thải vào năm 2019.

Anh cho biết mục tiêu của bản thân không phải kiếm được nhiều tiền nhất có thể. Người đàn ông 39 tuổi này cảm thấy hạnh phúc với công việc hiện tại của mình và cảm thấy thoải mái vì làm việc từ xa.

Xu hướng làm việc mới hình thành từ đại dịch

Trong bối cảnh đại dịch virus corona đã buộc hàng triệu người Mỹ phải thực hiện giãn cách xã hội tại nhà vào tháng 3 năm 2020, và làm việc từ xa nay đã trở thành một điều bình thường đối với nhiều công ty - một số gã khổng lồ công nghệ trước đây từng đưa ra quyết định biến làm việc từ xa thành một phần tất yếu và lâu dài của nơi làm việc.

Ví dụ, Twitter và Square sẽ cho phép nhân viên làm việc từ xa liên tục, còn Facebook cho biết khoảng 50% đội ngũ nhân sự chủ chốt sẽ làm việc từ xa. Họ là ba trong số hàng chục công ty đã chọn giải pháp thay đổi vĩnh viễn cách nơi làm việc sử dụng không gian văn phòng - một lựa chọn được hơn một nửa lực lượng lao động Mỹ ủng hộ.

Microsoft xác nhận bản tin của The Verge là chính xác. "Chúng tôi đúng là đã chia sẻ các chỉ dẫn nội bộ trong tuần này nhằm cung cấp cho nhân viên những lựa chọn, từ đó lên kế hoạch trước khi chúng tôi có thể quay trở lại nơi làm việc một cách an toàn".

64% dân công sở sẵn sàng nhảy việc nếu phải lên văn phòng cả tuần: Làm việc từ xa, thu nhập giảm nhưng vẫn có lãi - Ảnh 1.

Hình minh họa (Ảnh: Getty)

Microsoft nói, "Mục tiêu của chúng tôi là cải tiến cách làm việc qua thời gian, dựa trên dữ liệu nhân viên và cảm kết hỗ trợ phong cách làm việc cá nhân và nhu cầu của doanh nghiệp trong khi vẫn duy trì được văn hoá công ty".

Giống như nhiều người khác sau khi đại dịch COVID-19 đóng cửa các doanh nghiệp vào năm 2020, Morris đã không còn làm việc tại văn phòng trong một thời gian dài. Trải qua những ngày làm việc từ xa, anh nhận ra mình có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đồng thời có nhiều thời gian hơn cho bản thân.

Tính linh hoạt khi làm việc từ xa đã trở thành một yếu tố quan trọng để mọi người cân nhắc khi muốn "nhảy việc". Hơn 4 triệu người Mỹ mỗi tháng đã nghỉ việc, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ. Ngoài công việc tốt hơn và được trả lương cao hơn, mọi người cũng ưu tiên tiêu chí không cần phải làm việc tại văn phòng.

Đánh đổi thu nhập để không phải lên văn phòng

Trên thực tế, 64% người được hỏi trong một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu ADP cho biết họ đã hoặc sẽ cân nhắc tìm kiếm một công việc mới nếu bị yêu cầu quay lại văn phòng làm việc toàn thời gian.

Một số nhân viên văn phòng như Morris coi trọng tính linh hoạt từ xa đến mức họ sẵn sàng hy sinh một số lợi ích tài chính. Người đàn ông 39 tuổi nói với Insider: "Tôi có thể trả lời email ngay lập tức và nếu có bất kỳ điều gì xảy ra, tôi có thể quay lại văn phòng của mình trong vòng 10 phút. Sự linh hoạt đó thực sự thay đổi cuộc sống của tôi".

"Những gì tôi làm thực sự có giá trị vượt quá mức lương của một giờ"

Alonso Morris

Tuy nhiên, sự tự do đó đi kèm với một cái giá: Morris cho biết anh ấy tin rằng bản thân có thể kiếm được nhiều tiền hơn.

Tại công ty hiện tại, Morris kiếm được khoảng 116.000 USD mỗi năm. Thông qua tìm hiểu, Morris cho biết anh có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Dữ liệu của Glassdoor cho thấy những người lao động tương tự như Morris kiếm được hơn 150.000 USD mỗi năm.

Mặt khác, việc làm ở nhà giúp Morris tiết kiệm một khoản không nhỏ trong việc đi lại.

64% dân công sở sẵn sàng nhảy việc nếu phải lên văn phòng cả tuần: Làm việc từ xa, thu nhập giảm nhưng vẫn có lãi - Ảnh 2.

Hình minh họa (Ảnh: Best Money Moves)

Lương ít hơn nhưng đổi lại có thêm nhiều thứ khác

Làm việc từ xa đang trở nên thịnh hành nhưng nhược điểm là không phải công việc nào cũng có thể áp dụng. Morris cho biết, khi làm việc trong lĩnh vực tìm nguồn cung ứng trước đại dịch, việc có mặt tại văn phòng là yếu tố bắt buộc.

Anh tiết lộ: "Bạn sẽ có bộ phận tài chính ở Quảng trường Thời đại và bộ phận pháp lý ở một khu vực khác. Trong khi đó văn phòng chính của công ty lại có địa chỉ ở một nơi xa hơn". Do đó, các nhân viên như Morris sẽ phải đi tàu điện ngầm từ văn phòng này đến văn phòng khác.

Mặc dù làm việc từ xa là khả thi, nhưng các nhà quản lý không phải lúc nào cũng ủng hộ điều này. Morris cho biết những trải nghiệm của anh tại công việc trước đây và công ty hiện tại "giống như đêm và ngày".

Ở vị trí hiện tại, dù không đến văn phòng làm việc nhưng Alonso Morris và những người đồng nghiệp của mình vẫn được ủng hộ vì hiệu suất công việc vẫn tăng trưởng đều. Không nâng cao hiệu quả và cắt giảm một số chi phí, anh còn có thêm thời gian để chăm sóc sức khỏe cho người mẹ của mình.

Morris cho biết nếu như trước đây vẫn làm việc tại văn phòng, anh không thể đưa mẹ đi kiểm tra sức khỏe vào những ngày giữa tuần. Hiện tại, anh đã có thể làm được điều đó.

Morris không phải là người duy nhất chấp nhận đánh đổi một phần thu nhập để được làm tại nhà. Gần một nửa số công nhân Mỹ tham gia cuộc khảo sát State of Remote Work - được thực hiện bởi Owl Labs và Global Workplace Analytics - cho biết họ chấp nhận bị cắt giảm lương tới 5% để tiếp tục làm việc từ xa. Thậm chí có những người sẵn sàng làm bán thời gian ngay cả sau đại dịch.

Theo Business Insider

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại