*Dưới đây là chia sẻ của bà Lý Vạn Phúc (63 tuổi, Trung Quốc), được đăng tải trên trang mạng Sohu. Khi kể về cuộc sống trung niên sau khi nghỉ hưu của mình, bà mong muốn góp thêm cái nhìn khác biệt, mang tinh thần độc lập, tự chủ của một người phụ nữ ở làng quê.
Trong làng, chắc tôi là người phụ nữ lớn tuổi có cách nghỉ hưu khác với bình thường nhất. Tên tôi là Lý Vạn Phúc. Ở tuổi 63, tôi đã nghỉ hưu và có cuộc sống sung túc. Tôi ly hôn cách đây vài năm và hiện sống độc thân một mình. Tôi có một mức lương hưu nhất định, khoảng 3.500 NDT/tháng, tuy không cao so với đông đảo mọi người nhưng đời sống ở quê không có nhiều chi phí tốn kém. Do đó, tôi cảm thấy cuộc sống như vậy rất mãn nguyện.
Tôi có một người con trai đã lập gia đình và tham gia đầu tư kinh doanh. Con trai và con dâu đều bận rộn, không có thời gian chăm sóc con cái. Thời gian trước, hai con gọi điện, ngỏ ý muốn đón tôi lên thành phố sống cùng. Một là, để gia đình tệ tựu, gia đình bọn trẻ cũng không phải đi lại thường xuyên từ thành phố về quê thăm mẹ. Hai là, các con cũng mong tôi hỗ trợ chăm sóc cháu nhỏ. Cháu đi lớp mẫu giáo nên không có việc gì nhiều, chỉ là hàng ngày đưa đón cháu đi học, về nhà.
Sau một thời gian suy nghĩ, tôi gọi điện lại cho các con để từ chối. Khi lên thành phố, nếp sống thay đổi, môi trường xung quanh khác biệt quá lớn, chưa chắc tôi đã quen. Người lớn tuổi cũng chậm thích nghi, không muốn rời xa chốn quen thuộc suốt nửa đời người. Nhưng mặt khác, tôi cũng không muốn sống quá thân cận với con cháu. Ở nhà các con làm sao thoải mái như ở nhà của mình. Đồng thời, dù các con chỉ nhờ đưa đón cháu đi học, nhưng ở nhà cả ngày, chẳng lẽ tôi lại không quán xuyến việc nhà việc cửa, cứ để cơm lạnh canh nhạt suốt? Còn nếu ôm hết việc nhà vào người, tôi không nghĩ mình đủ sức. Trong khi can thiệp vào cuộc sống người trẻ quá nhiều, mâu thuẫn giữa các thế hệ càng dễ phát sinh, gây rạn nứt tình cảm của người thân trong gia đình.
Vì vậy, tôi bày tỏ sự thấu hiểu cho nỗi khó khăn, vất vả của các con, nhưng vẫn khuyến khích các con nên học cách tự lập và sắp xếp thời gian hợp lý hơn. Mỗi tháng, tôi đưa thêm cho con trai 800 NDT coi như quà cho cháu trai, giúp các con chủ động thuê người chăm sóc, hoặc gửi nhờ cô giáo trông trẻ. Dù không sẵn lòng giúp đỡ việc chăm sóc các con nhưng ít nhất, tôi cũng hy vọng có thể làm được phần nào của mình để giảm bớt gánh nặng cho con trai và con dâu.
Thế là, tôi tiếp tục tận hưởng khoảng thời gian sống một mình. Dù thỉnh thoảng cũng cô đơn nhưng tôi không cần quan tâm đến cảm xúc của người khác, có thể tự do sắp xếp thời gian của mình. Đôi khi trời đẹp, tôi đi dạo trong công viên. Nếu không, tôi đến thư viện làng để đọc sách, hoặc đi chơi với những người bạn già xung quanh. Cuộc sống của tôi dù đơn giản nhưng cũng đủ viên mãn.
Khi có người hỏi tại sao lại quyết định ly hôn khi tuổi già sắp tôi, tôi luôn mỉm cười và nói: “Tôi đã trải qua nửa đời với một cuộc hôn nhân không mấy thành công. Khi còn trẻ, mọi người khuyên rằng, nên nghĩ cho con cháu. Quả thật, tôi đã làm theo. Đến hiện tại, con cháu lớn rồi, không cần tôi nghĩ nữa, vậy tôi cũng nên nghĩ cho bản thân. Thay vì một tuổi già toàn tranh cãi những chuyện lặt vặt, đau đầu nhức óc thêm, thì tôi thà chọn cuộc sống một mình. Tôi rất hài lòng với cuộc sống này”.
Tôi vẫn thường nói với mọi người rằng, sống một mình cũng có thể sống rất tuyệt vời. Bạn không cần phải dựa dẫm vào người khác, mà có thể tự do và hạnh phúc một mình. Mỗi người đều có quyền lựa chọn lối sống cho mình, hãy tận hưởng và để việc còn lại sau, đừng quá gánh nặng.
Con người sinh ra một mình, ra đi cũng sẽ một mình. Vậy thì quen với sự một mình trong dòng chảy cuộc đời là chuyện rất bình thường. Đối với tôi, cuộc sống độc thân khiến tôi thoải mái và tự do hơn rất nhiều. Nhìn mọi người xung quanh trong tầm tuổi mình, hiếm người có thể thoải mái và thảnh thơi như vậy, tôi lại càng tận hưởng sự một mình tốt hơn.