60% doanh nghiệp hiện nay làm ăn không có lãi, doanh nghiệp và người lao động cần cần phải đồng cam cộng khổ vượt qua giai đoạn này...
Đó là quan điểm của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 14/8.
Liên quan đến vấn đề tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, dự thảo luật nêu hai phương án.
Phương án 1 như Chính phủ trình, vẫn theo bộ luật hiện hành. Phương án hai được thiết kế trên cơ sở ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là trả lương lũy tiến đối với thời gian làm thêm giờ tính theo số giờ làm thêm trong ngày và có sự khác biệt tương ứng với làm thêm giờ trong ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần, ngày lễ, tết và ngày nghỉ có hưởng lương.
Cơ bản nhất trí phương án do Chính phủ trình, ông Lộc cho rằng phương án hai có phần thoát ly với thực tiễn.
Một năm gần đây, đặc biệt 6 tháng đầu năm nay nền kinh tế đang đứng trước khó khăn, tăng trưởng đã chậm lại và xu hướng giảm tốc này còn tiếp tục, giai đoạn tiếp theo là thời khắc mong manh, thời điểm nhạy cảm của nền kinh tế, ông Lộc nói.
Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm tốc độ thành lập doanh nghiệp đang giảm xuống, doanh nghiệp quay trở lại thị trường cũng thấp hơn cùng kỳ năm trước, 60% doanh nghiệp hiện nay làm ăn không có lãi.
Chủ tịch VCCI cho rằng, phương án về tiền lương hay điều kiện lao động phải được tính toán phù hợp với bối cảnh nói trên, doanh nghiệp và người lao động phải đồng cam cộng khổ vượt qua, chưa phải lúc tăng thu nhập giảm giờ làm.
Tán thành mở rộng khung giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ như đề xuất của Chính phủ, ông Lộc nhấn mạnh điều này rất quan trọng với những doanh nghiệp xuất khẩu.
Tiền lương nên giữ nguyên như hiện hành, không tăng tiền lương luỹ tiến vì sẽ tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, trên thế giới cũng chỉ có hai nước thực hiện điều đó, ông Lộc nói.
Trước khi ông Lộc phát biểu, góp ý vào dự thảo luật, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết ông rất phân vân về quy định tăng giờ làm thêm trong khi mục tiêu hướng tới là phải tăng lương giảm giờ làm.
Hiện nay tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng cao, công nghệ càng phát triển, trình độ quản lý của doanh nghiệp tốt hơn, không có lý gì lại tăng thêm giờ làm, ông Tỵ nhấn mạnh.
Việc mở rộng khung giờ làm thêm tối đa, theo Phó chủ tịch Quốc hội là cần, nhưng không thể là phổ biến, thường xuyên mà chỉ tăng giờ trong đợt thi đua đột xuất hoàn thành mục tiêu ngắn hạn.
Phát biểu sau Chủ tịch VCCI, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chia sẻ với phân tích tăng trưởng đang chậm lại, song ông Lưu nhấn mạnh rằng bộ luật này không chỉ cho năm nay hay cho 6 tháng mà cho cả lâu dài, nhiều năm.
Nói chung là tôi không ủng hộ mở rộng khung giờ làm thêm tăng đến 400 giờ, cần tăng có lựa chọn và có kiểm soát.
Bộ luật nên dự liệu ngành nghề nào được tăng bao nhiêu trong 1 tháng hay 1 năm, tăng ở giới hạn nhất định chứ không thể đến 400 giờ, không phải nhiều nước tăng đến 400 giờ, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu thể hiện quan điểm.
Phát biểu của anh Lộc (Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc - PV) chỉ đứng về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét.
Liên quan đến quy định tăng giờ làm thêm, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Lao động cho thấy tình trạng vi phạm làm thêm giờ khá phổ biến, phần lớn do nhu cầu của doanh nghiệp muốn tăng doanh thu nhưng không muốn tăng chi phí đầu tư, chi phí sản xuất mà tăng giờ là tối ưu nhất. "Đây là sự thật đấy anh Lộc ạ", Chủ tịch Quốc hội nói với Chủ tịch VCCI.
Mặt khác, vấn đề nữa theo Chủ tịch Quốc hội là người lao động làm thêm giờ cũng chưa chắc đã được hưởng lương như Bộ luật Lao động quy định.
"Xã hội tiến bộ nhưng chúng ta lại ngồi đây tính thêm giờ làm cho người lao động, quan điểm của tôi là không đồng ý", Chủ tịch Quốc hội thể hiện rõ quan điểm.
Theo Chủ tịch Quốc hội thì lần sửa đổi này cần phải trả lời câu hỏi với những quy định mới thì người lao động, người sử dụng lao động, xã hội được cái gì, quyền lợi nào của người lao động được tăng lên, quyền lợi nào của người sử dụng lao động được đảm bảo.
Luật phải hài hoà lợi ích chứ không bảo vệ một phía, phải tìm được điểm cân bằng giữa bảo vệ người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.