Nhiều người hiện đại luôn miệng nói phải dưỡng sinh, giữ gìn sức khỏe, nhưng họ làm thêm giờ quá độ, thức khuya, áp lực như núi đè, ăn quá nhiều và sống không lành mạnh một chút nào.
Dưỡng sinh không nhất thiết phải ăn cao lương mỹ vị, nhưng chúng ta cần điều chỉnh thói quen sống. Dưỡng thành thói quen rồi, phúc vận mới tràn đầy, mệnh số cũng dài lâu.
Cuộc sống dưỡng sinh lý tưởng nhất dành cho người bình thường, không nằm ngoài 6 thói quen tốt sau đây:
1. Bớt quá sức, nghỉ ngơi nhiều hơn
Bán mạng kiếm tiền để làm gì? Để có cuộc sống ổn định hơn, để có tiền an thân lập nghiệp. Nhưng nếu bạn khiến cơ thể mình bị hao mòn cùng cực để kiếm tiền, không phải là đang cược chính sức khỏe của bản thân sao? Quay vào ô mất lượt thì phải làm gì?
Nhiều người nghĩ rằng thời trẻ hao mòn sức khỏe cũng được, sẽ chăm sóc bù lại khi có tiền trong tương lai. Đây không gì khác hơn là sự viển vông tự an ủi chính mình.
2. Ham muốn vật chất vừa đủ, tập trung vào thế giới nội tâm
Trong thời đại vật chất lên ngôi, nhiều người "sống vì tiền, chết vì tiền".
Theo đuổi quá mức những thứ vật chất sẽ làm lung lạc trái tim, hoặc là đi sai đường, hoặc là hứng chịu đủ loại thăng trầm, không bao giờ cảm thấy bình an và hạnh phúc thực sự.
Khi nói đến vật chất, hãy rèn luyện tâm thái biết đủ và chừng mực. Điều chúng ta cần chú ý nhất không phải là vật chất, mà là tinh thần đang dần cằn cỗi. Việc thiếu một thế giới tâm hồn phong phú là gốc rễ của việc con người ta sống mà không tìm thấy ý nghĩa cuộc đời.
3. Không hấp tấp vội vàng, dùng “tĩnh” để tu thân
Người xưa nói: Âm thầm tu dưỡng bản thân, tiết kiệm để trau dồi đạo đức, nhiệt tình mà không tham vọng sâu cay, tĩnh lặng mà không thờ ơ bạc nhược.
Vẫy tay tạm biệt cái tôi thiếu kiên nhẫn và mở rộng trái tim để ôm lấy bản thân bình tĩnh hơn. Sự bình tĩnh, tỉnh táo và nhàn nhã sẽ giúp chất lượng cuộc sống của bạn lên một tầm cao mới.
4. Tâm thái không ổn, đọc sách kịp thời
Nghèo thì nên học thêm, lạc lối thì học thêm. Học và đọc cũng là một cách dưỡng sinh.
Đọc sách thực sự là chi phí thấp nhất để bảo vệ sức khỏe. Lắng đọng trong từng câu chữ, lòng lặng yên, những rắc rối của bạn cũng được quét sạch nhờ kiến thức trau dồi, tâm trí được thanh tịnh, trở nên tích cực, thế thì “bệnh” cũng được cải thiện phần nào.
Tâm lý không ổn định là nguồn cơn cho những khó khăn và bất hạnh. Bạn biết đấy, tâm lý ảnh hưởng đến tinh thần, tinh thần ảnh hưởng đến cơ thể, và cơ thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tất cả đều liên kết với nhau.
5. Thay vì chấp niệm không buông, chi bằng mỉm cười cho qua
Trong thế giới người trưởng thành, chúng ta cũng có thể tuân thủ một nguyên tắc - những điều khiến chúng ta không thoải mái, đau đớn, xung đột nội tâm và không hạnh phúc đều nên bỏ lại phía sau.
Nếu có thể hòa đồng, bạn sẽ hòa đồng; nếu không thể hòa nhập, hãy quên nó đi. Tốt hơn là trở thành một người cô đơn và làm những gì mình muốn hơn là ép buộc bản thân.
Quá khứ đã qua, không níu kéo đau khổ; tương lai chưa xảy ra, không lo lắng mất vui. Chỉ có hiện tại mới đáng được tập trung và đổ dồn tâm sức.
6. Nhân tình thế thái, cốt ở chữ “vừa đủ”
Bản chất của dưỡng sinh là duy trì "mức vừa đủ".
Tập thể dục, ăn uống, công việc và nghỉ ngơi, cần có điều độ. Tinh thần, tâm thái và cảm xúc cũng nên có một mức độ. Ít quá thì không thành công, nhiều quá thì thành tai hại, chỉ có vừa đủ mới là chân lý.