6 tháng phát hiện 18 người tham nhũng

PHÚC BÌNH |

Qua kiểm tra nội bộ và hoạt động thanh tra đã phát hiện 22 vụ, 18 người tham nhũng, liên quan đến tham nhũng.

Ngày 27-7, Thanh tra Chính phủ (TTCP) hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, bàn một số nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm của ngành Thanh tra.

Phát hiện 18 người tham nhũng

Trong 6 tháng, toàn ngành đã triển khai 3.827 cuộc thanh tra hành chính và 92.913 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm 9.814 tỉ đồng, 32.627ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 7.875 tỉ đồng và 357ha đất; chuyển cơ quan điều tra 42 vụ, 46 đối tượng….

Ngành Thanh tra đã tập trung triển khai kế hoạch thanh tra, gắn với thanh tra đột xuất, trong đó có những cuộc thanh tra phức tạp được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam…

Qua đó phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong ban hành chính sách, pháp luật.

Trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo TTCP, so với cùng kỳ năm 2017, đã có chiều hướng giảm về số lượt đoàn đông người, đơn thư khiếu nại và số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Nhà nước.

Cũng theo TTCP, công tác PCTN đã đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt. Ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa.

Đáng chú ý, qua kiểm tra nội bộ và hoạt động thanh tra đã phát hiện 22 vụ, 18 đối tượng tham nhũng , liên quan đến tham nhũng như ở An Giang, Long An, Phú Yên, Bình Định, Đồng Nai, Lào Cai, Hà Giang, Kiên Giang…

Nhiều cuộc thanh tra còn chậm

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, TTCP thẳng thắn chỉ ra, một số cuộc thanh tra ban hành kết luận còn chậm; kết quả phát hiện, xử lý vi phạm về kinh tế, số các vụ việc chuyển cơ quan điều tra thấp hơn so với cùng kỳ 2017.

Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra có nhiều cố gắng nhưng kết quả xử lý sai phạm về đất đai chưa đạt yêu cầu đề ra.

Chủ tịch UBND nhiều địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm tiếp công dân định kỳ theo quy định của pháp luật, chưa làm tốt việc đối thoại với dân.

Thậm chí, một số trường hợp phát hiện giải quyết chưa đúng, chưa phù hợp nhưng tránh né, đùn đẩy, không mạnh dạn sửa sai, giải quyết lại… Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế, số vụ việc phát hiện còn ít.

Thời gian tới, ngành Thanh tra sẽ tiếp tục triển khai thanh tra theo kế hoạch năm gắn với thanh tra đột xuất; tập trung ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc; đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội.

Đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kết luận thanh tra các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với các cơ quan tố tụng để xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương những kết quả ngành Thanh tra đã đạt được. 

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Thanh tra cần thực hiện tốt một số nội dung như: tiếp tục thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất; sớm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng Chương trình thanh tra năm 2019; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, trọng tâm là triển khai kế hoạch rà soát các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài; hoàn thiện trình Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)...

Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2018 , tình hình khiếu nại của công dân trong phạm vi cả nước cũng như tại Trụ sở Tiếp công dân TƯ có nhiều diễn biến phức tạp; số lượng công dân tập trung tại khu vực trung tâm thành phố, nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tòa nhà Quốc hội, Trụ sở các cơ quan TƯ gia tăng và có nhiều hành vi manh động; một số đoàn đông người của các tỉnh, tháng phố công dân khiếu kiện chây ỳ, căng băng rôn, khẩu hiệu nhằm gây áp lực đối với các cơ quan TƯ yêu cầu được giải quyết, gây mất an ninh trật tự...

Phía trước Trụ sở tại Hà Nội, tình hình an ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp; một số công dân khiếu kiện đơn lẻ, đeo bám khiếu kiện dựng lều lán khu vực vỉa hè hai bên cổng để ở và đun nấu, ăn uống, gây mất mỹ quan và thu hút người đi đường; một số đoàn công dân khi được vận động từ trung tâm thành phố về Trụ sở có thái độ quá khích, lăng mạ lực lượng bảo vệ, căng băng rôn, hô khẩu hiệu....

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại