“Khai tử” hàng trăm dự án thủy điện nhỏ và vừa
Trong 3 năm qua, Bộ Công Thương đã loại bỏ 471 dự án thủy điện (gồm 8 dự án thủy điện lớn và 463 dự án thủy điện nhỏ), không xem xét xây dựng 213 vị trí tiềm năng khác.
Trong quy hoạch thủy điện nhỏ, hiện đã có 245 công trình vận hành phát điện, đang thi công 162 dự án và còn 230 dự án đang nghiên cứu đầu tư và chưa cấp phép các dự án khác.
Đa số các dự án bị Bộ Công Thương loại bỏ khỏi quy hoạch phát triển thủy điện đều nằm ở các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải miền Trung do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện.
Theo quy hoạch, tỉnh Gia Lai có 74 công trình thủy điện. Qua rà soát, tỉnh đã loại khỏi quy hoạch 17 dự án thủy điện vừa và nhỏ (tổng công suất hơn 44MW).
Trong số này, nhiều dự án có công suất rất nhỏ, chỉ từ 0,25MW (thủy điện Thác Lồ Ô) đến 0,6MW (thủy điện Smlá 2, thủy điện Ia Tơ Ver). UBND tỉnh Gia Lai đã dừng vận hành Thủy điện Kanak công suất 0,18MW và Thủy điện Ia Kha công suất 0,225MW.
Ngoài ra, trên địa bàn đang có 14 dự án đã được quy hoạch nhưng chưa có chủ trương đầu tư. Trong đó, 7 dự án đã được UBND tỉnh Gia Lai thống nhất với Bộ Công Thương đưa ra khỏi quy hoạch và đang chờ kết quả cuối cùng từ bộ này.
Với địa hình dốc núi, mật độ sông suối dày, nhiều, các tỉnh miền núi phía Bắc cũng ồ ạt làm thủy điện và hy vọng vào nguồn lợi kinh tế mà các dự án thủy điện nhỏ và vừa mang lại.
Tuy nhiên, sau những hệ lụy mà thủy điện nhỏ và vừa gây ra, hàng loạt dự án đã phải ngậm ngùi “đóng sổ”.
Tại tỉnh Cao Bằng, mặc dù, địa phương này đã loại bỏ 11 dự án khỏi quy hoạch vào năm 2011 nhưng hiện vẫn còn 40 dự án thủy điện nằm trong quy hoạch với tổng công suất lắp máy hơn 350MW.
Trong đó, 24 dự án được tỉnh phê duyệt năm 2007; Bộ Công Thương phê duyệt, bổ sung điều chỉnh 10 dự án; và 6 dự án được tỉnh phê duyệt bổ sung.
Theo ý kiến các nhà khoa học, việc thẩm định hồ sơ quy hoạch, đánh giá chất lượng xây dựng thủy điện nhỏ và vừa tại các địa phương chưa thực hiện một cách bài bản, còn nhiều thiếu sót dẫn đến chất lượng quản lý chưa cao; một số dự án còn chồng lấn phạm vi khai thác, chưa phù hợp với các quy hoạch liên quan khác như thủy lợi, giao thông, điện lực hoặc hiệu quả kinh tế còn thấp…
Vận hành xả lũ hồ Hoà Bình. Ảnh: A.C
Đã có kịch bản bảo đảm an toàn hồ Hòa Bình, Sơn La
Đó là khẳng định của ông Trần Quang Hoài - Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT) với PV Báo Lao Động chiều 26.7.
Ông Trần Quang Hoài cho biết, hiện nay phương án phân lũ, xả lũ hồ Hòa Bình đã được nghiên cứu và lên phương án.
BCĐ Trung ương về Phòng, chống thiên tai cũng đã lên kịch bản rủi ro, trường hợp xấu nhất đập Hòa Bình bị vỡ, thì lũ sẽ được phân hợp lý về các vùng phù hợp để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
“Theo đúng kịch bản, chúng ta không được phép để vỡ đập thủy điện Hòa Bình. Cần phải chủ động phân lũ và giữ an toàn các hồ đập, đảm bảo an toàn đời sống, tính mạng cho người dân.
Trong phương án vận hành liên hồ BCĐ Trung ương về PCTT yêu cầu không để câu chuyện vỡ hồ, đập xảy ra. Đối với lũ cực hạ, chúng tôi cũng đã xây dựng phân lũ hợp lý” - ông Trần Quang Hoài khẳng định.
Liên quan đến vận hành an toàn hồ đập, theo TS Đào Trọng Tứ, cần kiểm tra và đánh giá mức an toàn của tất cả các đập thủy điện trên toàn vùng, từ đó đề ra các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn cho từng hồ đập và hệ thống bậc thang.
Cần phải xây dựng kịch bản vỡ đập cho tất cả các hồ đập thủy điện để đối phó và giảm thiểu tác hại của các thủy điện...
Theo PGS-TS Triệu Ánh Ngọc - Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế - Trường ĐH Thủy lợi (cơ sở 2), liên quan đến sự cố vỡ đập ở Lào: Theo vị trí của hồ thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy tại huyện Sanmanxay, tỉnh Attapeu, Lào cách trạm Kratie khoảng 550km, và thời gian truyền lũ về đến Kratie khoảng 24-30 tiếng, và đến trạm Tân Châu khoảng 30-35 tiếng.
Ảnh hưởng mực nước do vỡ đập hồ thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy sẽ kéo dài khoảng 3-4 ngày. Mực nước tăng thêm tại Kratie khoảng 2cm trong trường hợp dung tích hồ là 1 tỉ mét khối (kịch bản 1), và khoảng 13cm nếu dung tích hồ là 5 tỉ mét khối (kịch bản 2).
Mực nước tại Trạm Tân Châu tăng khoảng 0.2cm ứng với kịch bản 1 và 1.1cm ứng với kịch bản 2; mực nước tại Trạm Châu Đốc hầu như không tăng, 0.4cm ứng với kịch bản 1, và 1.5cm ứng với kịch bản 2.
Vỡ đập hồ Xe Pian - Xe Namnoy có phạm vi ảnh hưởng khoảng 30-50km sau hạ lưu Trạm Tân Châu và Châu Đốc, khi tiến về hạ lưu thì dòng chảy tăng thêm khá nhỏ chảy tràn vào các kênh chính kết nối với sông Tiền và sông Hậu, cùng với tác động của Triều, nên dòng chảy do vỡ đập thượng nguồn không bị ảnh hưởng do dòng chảy vỡ đập Xe Pian - Xe Namnoy khá nhỏ so với dòng chảy trên sông chính Mekong và ở khá xa trạm Tân Châu.
Hầu hết lượng lũ đã tràn vào các vùng đồng bằng tỉnh Attapeu, Lào. L.V