6 bước giúp trẻ tránh tối đa nguy cơ bị xâm hại

Hiểu Đan |

Những kẻ lạm dụng trẻ em rất bình thường đến mức không thể tách biệt chúng với những người khác. Họ hành động giống như chúng ta, và họ thường tỏ ra rất đáng tin cậy.

Theo nghiên cứu của WHO, việc xâm hại tình dục là nguyên nhân gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, tâm lý của trẻ em. Về sức khỏe, xâm hại tình dục có thể làm tổn thương cơ quan sinh dục, gây rối loạn tiêu hóa, gây một số bệnh phụ khoa, thậm chí lây bệnh qua đường sinh dục, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển cơ thể của các em trong tương lai.

Xét trên phương diện tâm lý, trẻ bị xâm hại có thể mắc các triệu chứng trầm cảm, thường xuyên có thái độ lo sợ, tự ti từ đó làm suy giảm nhận thức và mất năng lực giao tiếp xã hội. Theo thời gian, các tổn thương tâm lý này có thể dẫn tới sự lạm dụng chất kích thích như rượu, bia và nặng hơn là các chất ma túy...

6 bước giúp trẻ tránh tối đa nguy cơ bị xâm hại - Ảnh 1.

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, yếu ớt nhất và ít có khả năng tự bảo vệ mình nhất. Trong khi đó, những kẻ lạm dụng thường là "chuyên gia" trong việc thao túng cảm xúc của trẻ và chiếm được lòng tin của trẻ trước khi thực sự lạm dụng chúng. Làm sao để bảo vệ con mình trước nguy cơ bị lạm dụng?

Sau đây là 6 bước các phụ huynh nên nắm rõ để giảm tối đa nguy cơ:

Bước 1: Không được “hồn nhiên” với cả người thân

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), cứ 4 trẻ em gái thì có 1 trẻ bị xâm hại tình dục. Đối với các bé trai, khả năng bị xâm hại tình dục chỉ thấp hơn một chút, trong khoảng 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại. Độ tuổi trung bình mà các em thường bị xâm hại là 9 tuổi.

Hãy nghĩ về con số này khi bạn đi ngang qua một trung tâm thương mại hoặc nhìn thấy một vài đứa trẻ trên đường phố. Khi bạn bước vào một lớp học hoặc một trận bóng, hãy nhìn xung quanh và làm phép tính. Đó là một thực tế đáng buồn, nhưng có thể thay đổi được nếu người lớn chúng ta hành động.

Chỉ có 1 trong 10 trẻ em có khả năng tự báo cáo một vụ lạm dụng. Những đứa trẻ giữ bí mật hoặc nói với cha mẹ nhưng không nhận được sự tin tưởng có nhiều khả năng gặp phải các vấn đề về thể chất, tâm lý, tình cảm, giao tiếp xã hội theo chúng suốt đời.

Rất có thể bạn đã biết một đứa trẻ đã hoặc đang bị lạm dụng. Bạn cũng có thể đã biết một thủ phạm. Bởi hầu hết những kẻ lạm dụng không phải là "người lạ" mà là bạn bè và thậm chí là gia đình. 34% nạn nhân bị chính người thân trong gia đình bạo hành. 59% bị lạm dụng bởi một thành viên đáng tin cậy. Những kẻ lạm dụng trẻ em rất bình thường đến mức không thể tách biệt chúng với những người khác. Họ hành động giống như chúng ta, và họ thường tỏ ra rất đáng tin cậy.

Ở một số nước phương Tây, cha mẹ không bao giờ để con cái của mình ở nhà với người khác giới, dù là họ hàng hoặc người thân quen. Họ cũng không quên dạy con mình khi vào thang máy thì không được đi chung với một người đàn ông khác.

Bước 2: Giảm thiểu tình huống đứa trẻ ở một mình với một người lớn

Hãy nhớ rằng, những kẻ lạm dụng thường chiếm được lòng tin của chúng bằng cách kết bạn với trẻ và gia đình trẻ theo nhiều cách khác nhau. Chúng thường xuyên tìm đến những nơi mà trẻ em có thể dễ dàng tiếp cận, chẳng hạn như các giải đấu thể thao, câu lạc bộ và trường học.

Hãy khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể và tránh để trẻ một mình với người lớn nào đó ngoài bố mẹ, ông bà. Đảm bảo rằng cha mẹ/người chăm sóc có thể quan sát các hoạt động bất cứ lúc nào.

Giám sát việc sử dụng internet của con bạn. Internet đã trở thành một phương tiện yêu thích để những kẻ ấu dâm giao tiếp với trẻ em riêng tư. Mục tiêu của họ là dụ đứa trẻ tiếp xúc thân thể sau khi có được lòng tin.

Bước 3: Nói về vấn đề đó

Trẻ em thường giữ bí mật về việc bị lạm dụng, nhưng nói chuyện cởi mở về vấn đề đó ở nhà có thể giải quyết rào cản này. Điều rất quan trọng là phải hiểu tại sao trẻ không nói được. Con cái sợ làm cha mẹ thất vọng; Đứa trẻ xấu hổ, sợ làm phiền gia đình; Những kẻ ngược đãi đôi khi đe dọa trẻ hoặc các thành viên trong gia đình... Một số trẻ còn quá nhỏ để hiểu điều đã trải qua bởi nhiều kẻ lạm dụng nói với trẻ rằng đó là một "trò chơi",…

Nói với con rằng việc người lớn thực hiện hành vi tình dục với trẻ em là trái với "quy tắc" và đưa ra ví dụ. Ngay từ khi còn nhỏ, hãy sử dụng các cơ hội hàng ngày để nói chuyện về tình dục và lạm dụng với con bạn.

Bước 4: Hãy cảnh giác

Hãy cảnh giác - đừng chờ đợi các triệu chứng rõ ràng khi con có nguy cơ đã bị lạm dụng tình dục, với tư cách là cha mẹ, bạn phải phát hiện ra vấn đề.

Không có dấu hiệu lạm dụng tình dục rõ ràng ở trẻ em, nhưng một số trẻ bị mẩn đỏ, phát ban hoặc sưng tấy ở vùng sinh dục, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc các triệu chứng tương tự khác cần được kiểm tra cẩn thận. Ngoài ra, một số trẻ phát triển các vấn đề về thể chất như đau dạ dày mãn tính hoặc đau đầu do lo lắng.

Có thay đổi rõ ràng về cảm xúc hoặc hành vi; các hành động và ngôn ngữ tình dục không phù hợp với lứa tuổi của con cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Tuy nhiên, ở một số trẻ lại không hề có dấu hiệu. Nếu nhận thấy các bất thường mà bạn nghĩ là trẻ bị lạm dụng tình dục, cần liên hệ ngay với chuyên gia để thăm khám.

Bước 5: Suy nghĩ cách phản ứng

Nếu bạn phản ứng với sự tức giận hoặc hoài nghi, phản ứng của con bạn có thể như sau:

Đứa trẻ không còn giao tiếp với cha mẹ: Đứa trẻ thay đổi câu chuyện của mình khi bạn tức giận hoặc không tin tưởng. Trên thực tế, việc lạm dụng có thể đã thực sự xảy ra.

Đứa trẻ thay đổi câu nói của mình dưới sự đặt câu hỏi quá mức của bạn. Điều này có thể rất bất lợi cho vụ việc nếu đưa ra tòa.

Đứa trẻ cảm thấy tội lỗi hơn.

Trẻ em thường chọn không nói với các thành viên trong gia đình nếu phản ứng của người lớn quá xúc động hoặc tiêu cực. Hãy có một cuộc trò chuyện cởi mở và trung thực với con. Nói với con rằng bạn có trách nhiệm bảo vệ con với tư cách là cha mẹ, và con không có trách nhiệm phải bảo vệ người đã làm hại mình. Nên kiên nhẫn lắng nghe khi con cái nói về điều khiến chúng khó chịu. Thảo luận các vấn đề tình dục với con, về cơ thể và lạm dụng là gì, sử dụng ngôn ngữ thoải mái mà trẻ có thể hiểu dễ dàng.

Đừng hỏi quá nhiều câu hỏi. Điều này khiến trẻ bối rối, khó chịu và có thể gây bất lợi cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự của kẻ phạm tội. Hãy trấn an con rằng bạn có trách nhiệm bảo vệ con và bạn sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để bảo vệ con.

Trong tất cả các trường hợp bị cáo buộc lạm dụng, cho dù trong hay ngoài gia đình, sự an toàn của con bạn quan trọng hơn nhiều so với bất kỳ xung đột cảm xúc nào mà bạn có thể gặp phải.

Bước 6: Đừng ngại hành động

Hạnh phúc và sức khỏe của con có thể phụ thuộc vào hành động của bạn. Nếu bạn nghi ngờ rằng con đang bị lạm dụng, đừng ngại tìm sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Khi cố che giấu, bạn có thể đang phạm sai lầm và hủy hoại cuộc sống của con mình.

Có nhiều vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em mà do sự thiếu hiểu biết của cha mẹ, người thân hoặc của chính cháu bé khiến cho dấu vết bằng chứng không còn, dẫn tới việc xử lý hành vi phạm tội đã không được thực hiện rốt ráo. Thậm chí, không đủ căn cứ để buộc tội khiến kẻ thủ ác nhơn nhơn sống ngoài vòng pháp luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại