Trong đó, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tiếp tục duy trì là tuyến có mật độ phương tiện đông nhất với trên 3,9 triệu lượt phương tiện so với 3,3 triệu lượt cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp đến là tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đón 3,5 triệu lượt, so cùng kỳ 2017 giảm 8,5%.
Đáng mừng là ba tháng qua đã có 48.400 lượt phương tiện sử dụng dịch vụ thu giá điện tử tự động không dừng trên tuyến Long Thành – Dầu Giây, góp phần tìm ra lời giải hay cho bài toán ùn ứ giao thông tại các trạm thu giá.
VEC đánh giá việc đưa các tuyến cao tốc vào khai thác góp phần vực dậy, làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội các địa phương, thu hẹp khoảng cách vùng miền cũng như cải thiện đáng kể cuộc sống người dân.
Bên cạnh những lợi ích về mặt kinh tế như tăng nguồn thu cho các địa phương từ phát triển du lịch dọc tuyến, dịch vụ, thu hút đầu tư, tiết giảm chi phí xã hội, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt trong chuỗi cung ứng logistics toàn cầu…, các tuyến cao tốc được mở ra còn góp phần giảm tải lưu lượng cũng như giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ lân cận đường cao tốc; tăng tốc việc hình thành mạng lưới giao thông kết nối các đường địa phương với đường cao tốc.
VEC cũng cho biết, tháng 6 đơn vị này sẽ đưa vào khai thác đoạn tuyến hợp phần Tam Kỳ-Quảng Ngãi thuộc Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dài 74km và đoạn tuyến phía Tây Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (cuối tháng 9-2018), dài 25km.
Liên quan đến các phương tiện vi phạm trên cao tốc, VEC cho rằng trong quý I-2018, VEC từ chối phục vụ 54 phương tiện do vi phạm các quy định dừng đỗ, đón trả khách, sang tải hàng trên đường cao tốc, đi ngược chiều, vượt trạm.