Tại cuộc Hội thảo “Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam và vai trò của Nhà nước kiến tạo trong việc hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh” diễn ra ngày 16/3, GS. Eddy Malesky từ Diễn đàn Sáng kiến Việt Nam cho biết 50 triệu lao động đang bị ảnh hưởng bởi những thông tư chỉ do 7 thành viên soạn thảo.
“Tôi đã làm việc với Vụ an toàn lao động thuộc Bộ lao động thương binh xã hội. Chỉ có 7 người trong vụ nhưng viết tất cả các nghị định và thông tư có ảnh hưởng tới 50 triệu công nhân” – GS. Eddy Malesky bày tỏ sự bất ngờ.
Theo ông Eddy, số lượng người như vậy là quá ít và khả năng của cơ quan soạn thảo đang gặp những giới hạn. Không những thế, việc thực thi và giám sát thực thi chính sách ở Việt Nam cũng là điểm còn yếu kém.
Qua quá trình làm việc với Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Eddy đã được chấp nhận tiến hành các thử nghiệm. Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên, không phân biệt quy mô hay mối quan hệ với Chính phủ.
Ông Eddy phân chia số doanh nghiệp này thành ba nhóm: Nhóm được phổ biến và tham vấn ý kiến về chính sách; Nhóm chỉ được cung cấp thông tin chính sách; Nhóm không được thông báo chính sách.
Kết quả khảo sát sau đó cho thấy, nhóm doanh nghiệp được tham gia vào sửa đổi chính sách có mức độ hiểu luật rất cao. Những doanh nghiệp này cũng cởi mở với đoàn thanh tra khi họ kiểm tra về tình hình thực hiện chính sách. Đáng chú ý, tác động của chính sách tới nhóm chỉ được cung cấp thông tin không khá hơn đáng kể so với nhóm doanh nghiệp không được thông báo về chính sách.
Bằng việc áp dụng phương pháp Nghiên cứu ngẫu nhiên có kiểm soát, ông Eddy cho rằng khả năng tuân thủ chính sách của doanh nghiệp sẽ cao hơn nếu họ được tham gia trong quá trình xây dựng luật. Vấn đề đặt ra lúc này với Việt Nam là bảo đảm doanh nghiệp được tiếp cận thông tin và tham gia vào quá trình hình thành chính sách.
Một phần lỗi thuộc về doanh nghiệp
Thực tế, quá trình biên soạn dự thảo chính sách đều dành ra 60 ngày để lấy ý kiến người dân. Những dự thảo này được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan soạn thảo, website VIBOnline.com.vn của VCCI hoặc Duthaoonline.quochoi.vn của Quốc hội,... Tuy nhiên, có rất ít những doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng chia sẻ rằng công tác chuẩn bị luật đều tuân thủ các bước khảo sát và lấy ý kiển của bên ảnh hưởng. Câu chuyện luật lỗi thời dù vừa mới ban hành là có thật, nhưng một phần lỗi thuộc về doanh nghiệp. Bởi lẽ doanh nghiệp thường chỉ “góp ý sơ sơ”, đến khi luật được ban hành mới “quyết liệt” phản đối.
“Khi đăng thông tin thì chỉ góp ý sơ sơ. Thường đến lúc ban hành rồi mới quyết liệt. Bây giờ phải xác định lại, đã ra rồi thì cực kỳ khó sửa. Các hiệp hội phải rất chủ động, đừng chỉ kiến nghị, phải đặt mình vào vị trí người làm chính sách” – Phó Thủ tướng đề nghị.
Khẳng định tinh thần kiến tạo của Chính phủ, Phó Thủ tướng cũng cho biết ông luôn muốn lắng nghe thêm nhiều tiếng nói của doanh nghiệp. Nhưng các doanh nghiệp và hiệp hội phải chủ động kiến nghị. Những vướng mắc thuộc thẩm quyền, Chính phủ sẽ gở bỏ rất nhanh để phục vụ người dân, vì doanh nghiệp.