5 thói quen trong nhà bếp chính là "quả bom hẹn giờ", nhiều người vẫn làm vì không lường được nguy hiểm

Tuấn Minh |

Trong thực tế, có nhiều người gặp tai nạn bỏng, thương tích nặng vì giữ những thói quen này khi nấu nướng.

Nhà bếp là nơi ấm áp nhất trong ngôi nhà. Ở đó, bạn nấu những bữa ăn ngon cho gia đình. Mùi thơm của những món ăn ngon trong nhà bếp có thể "chữa lành" một ngày dài mệt mỏi của bất cứ ai. Tuy nhiên, điều này sẽ không thể có được nếu bạn không đảm bảo "vận hành nhà bếp" đúng cách. Có 5 việc trong nhà bếp là "quả bom hẹn giờ", bạn tuyệt đối không nên làm khi nấu ăn:

1. Đổ nước vào chảo dầu sau khi chảo bắt lửa

Nhiều người đang nấu ăn, dầu trong nồi bốc mùi cháy khét, liền vội đổ một muôi nước vào chảo để làm nguội. Kết quả là chảo dầu bốc cháy và ngọn lửa bốc cao vài mét, nguy cơ bị bỏng, cháy nổ cao.

Nhiệt độ sôi của nước là 100 độ C kết hợp nhiệt độ sôi của dầu khoảng 300 độ C. Khi cho nước vào chảo dầu, nước nặng hơn dầu, chìm xuống đáy chảo. Dầu trong chảo phun ra ngoài, hòa lẫn không khí tạo thành khí dễ cháy, khiến ngọn lửa bốc cao, gây cháy nổ, bỏng da...

Cách xử lý đúng đắn sau khi chảo dầu bốc lửa là tắt lửa trước để tránh lửa ngày càng cao, sau đó từ từ đậy chảo từ một bên. Sau khi chảo được đậy lại, lửa sẽ không bốc lên.

5 thói quen trong nhà bếp chính là "quả bom hẹn giờ", nhiều người vẫn làm vì không lường được nguy hiểm- Ảnh 1.

Nhiều người đang nấu ăn, dầu trong nồi bốc mùi cháy khét, liền vội đổ một muôi nước vào chảo để làm nguội. (Ảnh minh họa)

2. Đổ bột cạnh bếp gas

Nhiều người bị bỏng đến 50% cơ thể do đổ bột cạnh bếp gas đang nấu nướng. Điều này là do khi đổ bột, các hạt bụi mịn sẽ lơ lửng trong không khí. Khi đạt đến một nồng độ nhất định gặp ngọn lửa hoặc tia lửa điện, nó sẽ cháy ngay lập tức.

Đặc biệt trong một không gian tương đối hạn chế, quá trình đốt cháy có thể gây ra vụ nổ dữ dội, gọi là "vụ nổ bụi". Vì vậy, khi nấu nướng trong bếp, không nên để lượng lớn bột tiếp xúc với bếp đun và các ngọn lửa trần khác.

3. Không thay bếp gas khi đã quá cũ

Nhiều gia đình sử dụng bếp gas đến hơn 10 năm vẫn chưa thay vì thấy vẫn dùng được. Trên thực tế, các thiết bị điện đều có tuổi thọ nhất định. Nếu bạn tiếp tục sử dụng những thiết bị đã quá cũ sẽ tiềm ẩn những rủi ro về an toàn rất lớn.

Bếp gas trong bếp có tuổi thọ sử dụng là 8 năm. Nếu vượt quá thời gian này, dù bếp gas vẫn có thể sử dụng được thì mạch điện sẽ bị lão hóa, không bắt lửa, hệ thống bảo vệ chống cháy tự động bị hỏng, gioăng hỏng, rò rỉ gas, tốn gas...

Đối với bếp gas cũ, ngay cả khi chúng đang ở tình trạng hoạt động tốt, bạn nên tiến hành kiểm tra, bảo trì và sửa chữa an toàn thường xuyên. Sau khi đạt tuổi thọ sử dụng nên thay thế bằng bếp mới.

5 thói quen trong nhà bếp chính là "quả bom hẹn giờ", nhiều người vẫn làm vì không lường được nguy hiểm- Ảnh 2.

Đối với bếp gas cũ, ngay cả khi chúng đang ở tình trạng hoạt động tốt, bạn nên tiến hành kiểm tra, bảo trì và sửa chữa an toàn thường xuyên. (Ảnh minh họa)

4. Xịt thuốc diệt côn trùng khi đang nấu ăn

Nơi thường có nhiều côn trùng nhất trong nhà là bếp. Khi đang nấu ăn, có người phát hiện vài con gián bò ra từ dưới bếp nên đã xịt thuốc vào bếp. Nhiều trường hợp như vậy đã gây ra vụ nổ, bị bỏng đáng tiếc.

Nguyên nhân bởi, nhiều loại thuốc diệt côn trùng có chứa các thành phần dễ cháy, bao gồm cồn, propan và butan. Chúng đẩy thuốc trừ sâu dạng lỏng ra khỏi lon và bay vào không khí, khiến chúng dễ bị cháy nổ, gây bỏng.

5. Máy hút mùi lâu ngày không được vệ sinh

Nếu lâu ngày bạn không vệ sinh cho máy hút mùi, đặc biệt là tấm lưới lọc thì trong quá trình đun nấu máy sẽ bị những lớp dầu mỡ bám vào. Do đó, nếu lâu ngày không vệ sinh máy thì mặt dưới của máy sẽ bị dính nhiều lớp dầu mỡ, khi có nhiệt độ cao sẽ làm lớp dầu mỡ này bị tan chảy ra và nhỏ xuống dưới.

Điều này là vô cùng phiền phức vì có thể dầu chảy ra từ máy hút mùi sẽ bị nhỏ vào thức ăn và trên bếp, gây ra nguy cơ cháy nổ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại