Muốn rèn thói quen tốt cho trẻ, cha mẹ nên bắt đầu từ lúc con còn nhỏ để con sớm hình thành ý thức tốt. Dưới đây là 5 quy tắc dạy con cần phải có trong mỗi gia đình, cha mẹ nên tham khảo.
1. Không tự ý đụng vào đồ của người khác
Cách đây một thời gian, trên Weibo có một chủ đề nóng: "Tại sao giới trẻ lại bực bội khi có trẻ em tới nhà mình?".
Một cư dân mạng bình luận rằng: "Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác tuyệt vọng khi thiết kế của mình mất nửa tháng mới hoàn thành nhưng lại bị một đứa trẻ do người thân mang đến xé nát, thậm chí viết nguệch ngoạc chưa?
Bạn đã bao giờ trải qua cảnh một đứa trẻ nghịch ngợm đến nhà bạn, phá nát điện thoại, máy tính bảng, son môi, kem dưỡng ẩm, v.v. đến mức phải vứt thùng rác chưa?".
Tất cả chúng ta đều không muốn con mình bị gắn mác "vô học", nhưng bạn có bao giờ nghĩ rằng, ngay cả khi con mình quá bướng bỉnh và kiêu ngạo, sẽ chẳng có ai nhắc nhở con bạn là một đứa trẻ bất lịch sự. Họ chỉ nói sau lưng bạn rằng, cha mẹ đứa trẻ đó không biết dạy con, chỉ đem rắc rối cho người khác.
Để tránh rơi vào trường hợp này, cha mẹ nên đặt ra những quy tắc cho con mình ngay từ khi còn nhỏ:
- Đừng lấy đồ của người khác khi chưa được phép.
- Không vứt rác xuống đất.
- Không gây ồn ào ở nơi công cộng.
2. Không làm những việc trái quy định
Tại Shanghai Disneyland, Trung Quốc, một cậu bé đã chen ngang xếp hàng trong một trò chơi. Sau khi được các nhân viên can ngăn, cậu bé còn buông lời xúc phạm người khác. Cha mẹ cậu bé vẫn thờ ơ với điều đó, ra lệnh cho những người có mặt tại đó xóa video vì cho rằng đó là "vi phạm quyền cá nhân".
Hành vi của đứa trẻ này thật không thể chấp nhận được, nhưng điều đáng chê trách hơn cả là thái độ của cha mẹ đứa trẻ. Muốn nâng cao nhận thức của con cái, trước hết cha mẹ phải làm gương.
Vì vậy, cha mẹ cần sống có trách nhiệm, tuân thủ các quy tắc tối thiểu, không làm những việc trái với quy định... Tất cả những điều này sẽ là bài học thực tế mà cha mẹ cần dạy dỗ con mình.
3. Đừng ngắt lời người khác khi họ đang nói
Một số trẻ luôn có thói quen ngắt lời giáo viên trong giờ học, nóng lòng đứng dậy trả lời trước khi giáo viên nói xong, số khác lại thích ngắt lời khi người lớn đang trò chuyện.
Bất kể bạn ở độ tuổi nào, việc ngắt lời người khác là dấu hiệu của sự thiếu tôn trọng. Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện hành vi này, cha mẹ nên nhớ dặn trẻ không được ngắt lời người khác khi họ đang nói.
Chỉ có đứa trẻ biết tôn trọng người khác mới có thể ngày càng tiến xa hơn trong cuộc sống.
4. Chào hỏi khi gặp người quen
"Tiên học lễ, hậu học văn" là câu nói được người xưa truyền lại cho tới ngày nay. Khi gặp người quen, hãy chào hỏi trước. Đây là phép lịch sự cơ bản nhất.
Lịch sự phải là sự chân thành từ trái tim chứ không chỉ là hình thức. Cha mẹ nên kiên nhẫn hướng dẫn, đồng thời cũng cần phải gương cho con cái noi theo.
Cha mẹ trước hết phải đối xử lịch sự với người khác, con cái nhìn vào điều đó sẽ dần dần bắt chước theo, sau một khoảng thời gian sẽ trở nên khiêm tốn, lễ phép.
5. Có thói quen trả đồ về vị trí ban đầu
Đặt những đồ vật, sách vở đã sử dụng trở lại vị trí ban đầu giúp trẻ hình thành ý thức về quy tắc và tính trật tự trong quá trình hình thành thói quen. Những thói quen tốt có thể thúc đẩy trẻ tạo ra những thay đổi tích cực, điều này sẽ mang lại lợi ích cho trẻ trong suốt cuộc đời.
Tuy nhiên, việc hình thành thói quen không phải một sớm một chiều, cha mẹ cần điều chỉnh hành vi cho con ngay từ khi còn nhỏ. Vì vậy, cha mẹ đừng bỏ lỡ cơ hội học tập tốt nhất của con mình. Những đứa trẻ lớn lên với những thói quen tốt có thể tiến xa hơn trong cuộc sống.
Tóm lại, những thói quen tốt hay những quy tắc tối thiểu mà trẻ cần phải học nên sớm được cha mẹ dạy dỗ con mình. Chỉ khi một đứa trẻ biết được những việc mình nên làm và không nên làm, chúng mới có thể tiến xa hơn khi ra ngoài xã hội.