Năm 2014, Thế giới di động (MWG) chính thức lên sàn chứng khoán và được coi là thương vụ IPO đình đám nhất vào thời điểm đó. Sau khi Thế giới di động lên sàn, một trong 5 đồng sáng lập - ông Đinh Anh Huân, đã bán ra toàn bộ cổ phiếu MWG nắm giữ và được cho rằng đã thu về khoảng 700 tỷ đồng.
Sau khi chia tay Thế giới di động, ông Huân đã âm thầm chuẩn bị cho sự tái xuất với cái tên hoàn toàn mới: Seedcom. Tên gọi của công ty lấy cảm hứng từ Seed (hạt giống trong tiếng Anh). Hàng loạt startup lớn trong những năm qua đã được Seedcom gieo mầm, chăm bẵm như The Coffee House, Juno, Eva de Eva, Haravan, Giao Hàng Nhanh, Ahamove.
Hiện tại, Seedcom là công ty tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính gồm Seedcom F&B, Seedcom Fashion, Seedcom Food Distribution, Logistic, New Retail Solutions.
Trong buổi gặp gỡ truyền thông mới đây, ông Đinh Anh Huân cũng tiết lộ thông tin bất ngờ đó là sớm ra mắt chuỗi siêu thị thực phẩm mang tên King Food. Một điều khá thú vị khi đây cũng là một trong những mảng đang đem lại thành công cho Thế giới di động - nơi ông Huân từng gắn bó hơn 5 năm trước.
Mô hình King Food đang được thử nghiệm tại Tp.HCM.
Cụ thể mới đây Thế Giới Di Động công bố kết quả kinh doanh quý 1/2019. Tại ngày 31/3/2019, Thế Giới Di Động có 2.266 cửa hàng.
Chỉ trong tháng 3, Thế Giới Di Động đã mở thêm 50 cửa hàng mới, trong đó có 46 cửa hàng Bách Hóa Xanh, lớn nhất từ trước tới nay. Chuỗi Điện Máy Xanh tăng thêm 8 cửa hàng, bao gồm 4 cửa hàng mở mới và 4 cửa hàng được chuyển đổi từ Thế Giới Di Động.
Bên cạnh đó trong tháng 3/2019, Bách Hóa Xanh bán ra khoảng 6.000 tấn hàng tươi sống, tăng 20% so với sản lượng gần 5.000 tấn cuối năm 2018 và tháng 1/2019. Hàng tươi sống đóng góp khoảng 40% trong tổng doanh thu chuỗi Bách Hóa Xanh quý 1/2019.
Đối với thắc mắc về việc chuỗi siêu thị thực phẩm này có cạnh tranh với Bách Hóa Xanh, một lãnh đạo của Seedcom cho biết King Food sẽ đi theo hướng thị trường ngách. Theo đó Seedcom muốn xây dựng chuỗi siêu thị đáp ứng nhu cầu thực phẩm và rượu cao cấp.
Ông Đinh Anh Huân tiết lộ thêm đối tượng chuỗi King Food hướng tới đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào của các nhà hàng sang trọng hoặc nhóm khách hàng thu nhập cao. Ông Huân cho biết hiện thị trường này vẫn còn bỏ ngỏ và các nhà hàng F&B đang nhập nguyên liệu khá manh mún và rời rạc từ nhiều nguồn khác nhau.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá thị trường Việt Nam nhỏ về quy mô bán lẻ hiện đại nhưng tiềm năng còn lớn do bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 30% thị phần. Về tổng thể, thị trường đang phát triển rất nhanh với sự gia tăng nhanh chóng của mảng bán lẻ trực tuyến.
Năm 2018, doanh thu bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam lên đến 8 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì gấp 8-10 lần offline và đã phần nào đẩy những nhà bán lẻ chỉ có mảng offline đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu.
Tuy nhiều tiềm năng nhưng thị trường hơn 100 triệu dân tại Việt Nam hiện nay cạnh tranh khốc liệt, mức độ đào thải dữ dội.
Mới đây chuỗi siêu thị Auchan (Pháp) tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam. Việc đặt chân vào ngành bán lẻ siêu thị của Seedcom liệu có phải là một cú mạo hiểm lớn hay không sẽ còn cần nhiều thời gian để chứng minh.