5 kỹ năng quan trọng đương đầu với biến đổi khí hậu

Bích Trâm |

Các nhà khoa học xã hội đã đưa ra 5 kỹ năng quan trọng để chúng ta có thể đương đầu với những nguy cơ trong hiện tại.

Thủ tướng Australia Kevin Rudd đã mô tả việc nóng lên toàn cầu là "một thách thức đạo đức lớn nhất của thế hệ chúng ta", nhưng sự mô tả này vẫn còn quá đơn giản. Đây là thách thức về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, môi trường và khoa học lớn nhất của thời đại.

Đó chính là lý do khiến các nhà khoa học xã hội đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch này. Những người có sự hiểu biết sâu sắc và kỹ năng tốt để điều hướng và phối hợp với nhau là một thành phần cực kỳ quan trọng trong "cuộc chiến" chống biến đổi khí hậu.

Với ý nghĩ đó, các nhà khoa học xã hội đã đưa ra 5 kỹ năng quan trọng để chúng ta có thể đương đầu với những nguy cơ trong hiện tại.

1. Nghiên cứu và đổi mới

Nếu không có sự chuyển đổi công nghệ trong một số ngành công nghiệp lớn nhất thế giới, chúng ta sẽ không có cơ hội nào để đối phó với biến đổi khí hậu.

Các nguồn năng lượng thay thế hiện tại như năng lượng mặt trời và gió cần phải hiệu quả hơn và các công nghệ mới như năng lượng sóng biển hay năng lượng sinh học cần phát triển để hỗ trợ nhu cầu ngày càng tăng của con người.

Nhà bình luận Thomas Friedman của tờ New York Times đã có một câu nói nổi tiếng: Biến đổi khí hậu là một vấn đề về khả năng cạnh tranh và đổi mới kinh tế.

Các quốc gia và doanh nghiệp thành công trong việc sản xuất các công nghệ và thực hành năng lượng mới sẽ phát triển. Số còn lại sẽ bị bỏ lại đằng sau.

2. Phân tích dữ liệu

Nghe có vẻ khô khan nhưng phân tích dữ liệu thật sự đang là tâm điểm của cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu. Việc giải thích dữ liệu của nhiệt độ toàn cầu là một vấn đề quan trọng. Do đó sự hiểu biết và việc thành thạo nó sẽ chỉ càng cần thiết hơn theo thời gian mà thôi.

Trên hết, dữ liệu lớn đang chứng minh vai trò của mình trong việc ứng phó với sự nóng lên toàn cầu. Dự án Madingley của Microsoft đã tạo ra một sinh quyển trong thời gian thực, tức là mô phỏng tất cả dạng sống trên Trái đất.

Nó tạo ra một mô phỏng về chu trình các-bon toàn cầu và dự đoán cách nó ảnh hưởng đến mọi thứ từ ô nhiễm đến quá trình di cư của động vật, cho tới nạn phá rừng.

3. Lãnh đạo chính trị

Các nhà lãnh đạo với sự hiểu biết sâu sắc về cấu trúc và lực lượng chính trị-xã hội sẽ rất cần thiết để thay đổi luật pháp trên toàn cầu. Sự thất bại gần đây của Thỏa thuận chung Paris cho thấy tầm quan trọng của việc đàm phán và ngoại giao – những yếu tố giúp các quốc gia trên thế giới có thể làm việc cùng nhau.

Điều này không chỉ liên quan đến hành vi chính trị mà còn thuộc về kỹ năng giao tiếp, kiến ​​thức văn hoá và lòng can đảm để đưa ra những quyết định khó khăn nhưng cần thiết.

4. Lãnh đạo doanh nghiệp

Các lãnh đạo trong khu vực doanh nghiệp có một vai trò lớn trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Thay đổi có thể diễn ra nhanh chóng và có ý nghĩa hơn khi được thực hiện trong một doanh nghiệp hơn là khi nó được đặt dưới các quy định của chính phủ.

Các mô hình kinh doanh sẽ cần phải đi trước thời đại, không dựa vào các phương pháp sản xuất truyền thống và dần dần thay đổi văn hóa trong công ty.

Một ví dụ gần đây thể hiện rất rõ điều này chính là Volvo - người tuyên bố sẽ ngừng hoàn toàn việc sản xuất động cơ đốt trong (ICE) vào năm 2019.

5. Kỹ năng giao tiếp

Andrew J. Hoffman ở Trường Đại học Michigan đã mô tả hoàn hảo tình trạng của cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu "độc hại":

"Một mặt, đây là một trò lừa bịp, con người không ảnh hưởng đến khí hậu và không có gì bất thường đang xảy ra.

Mặt khác, đây là một cuộc khủng hoảng, hoạt động của con người giải thích cho mọi biến đổi của khí hậu, và nó sẽ hủy hoại toàn bộ cuộc sống trên Trái đất. Và các nhà khoa học đang cố giải thích sự phức tạp của vấn đề này".

Là một xã hội, chúng ta cần đạt được một sự nhất trí tương đối về vấn đề này. Từ trong phòng họp cho đến Twitter, chúng ta sẽ cần các nhà lãnh đạo có quan điểm - những người có thể xác định những vấn đề và chỉ cho chúng ta thấy một cách khoa học. Đây không phải là một điều dễ dàng, nhưng cần thiết.

Rõ ràng, biến đổi khí hậu cũng như nhiều mối quan tâm toàn cầu khác là những vấn đề đa diện đòi hỏi nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau.

Chính vì lý do này mà nhà nghiên cứu Ben Fenton-Smith của Trường Đại học Griffith tin rằng : "Các nhà khoa học xã hội sẽ có vai trò rất lớn trong vòng 20-30 năm tới.

Khi việc sử dụng dữ liệu, công nghệ và thông tin của chúng ta tăng lên, chúng ta sẽ cần các nhà khoa học xã hội để hiểu về nó. Các vấn đề phức tạp cần có những giải pháp phức tạp."

Nguồn: Sciencealert

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại