Sự sống vốn dĩ tồn tại trên Trái đất là do hành tinh của chúng ta đã rất may mắn nằm trong một vị trí "thiên thời địa lợi", kèm theo sự cân bằng hoàn hảo về áp suất, và vô vàn các yếu tố khác.
Hàng trăm triệu năm tiến hóa diệu kỳ đã đưa chúng ta đến đây: ngồi trước màn hình và đọc bài viết này. Nhưng nhìn chung, mọi chuyện đều phải có hồi kết, Trái đất cũng vậy. Có điều, cái kết ấy như thế nào, xin mời bạn đến với 5 kịch bản do các nhà khoa học "rảnh rỗi" nghĩ ra.
1. Lõi Trái đất nguội đi
Trái đất được bao bọc bởi một lá chắn từ trường, được gọi là "từ quyển", và thứ tạo ra nó chính là lực quay của hành tinh.
Từ quyển có vai trò làm chệch hướng các mảnh vỡ thiên thạch, thay đổi kích thước và hình dạng nếu chúng rơi vào Trái đất.
Lõi trái đất theo mặt cắt các lớp
Nếu như lõi Trái đất nguội, chúng ta sẽ mất lớp từ quyển, đồng nghĩa với việc mất đi sự bảo vệ trước bão mặt trời. Khi đó, khí quyển trái đất dần bị "hút" vào vũ trụ.
Sao Hỏa cũng đã từng chịu một hiện tượng tương tự cách đây hàng tỷ năm, và bây giờ sao Hỏa khô cằn như thế nào chắc ai cũng biết nhỉ? Vấn đề nằm ở chỗ, không ai biết điều gì đã xảy ra với sao Hỏa, và chẳng có gì đảm bảo hiện tượng tương tự không diễn ra ngay trên Trái đất.
2. Mặt trời chết đi
Hàng tỷ năm nữa, Mặt trời sẽ bắt đầu "chết". Đó là lúc sao chủ của chúng ta dùng cạn nguồn hydrogen, và bắt đầu thay thế bằng helium.
Nhưng lượng khí thay thế sẽ làm tăng nhiệt độ trong lõi, khiến chu vi Mặt trời nhanh chóng "nở" ra thành một khối cầu khổng lồ. Rốt cục, Trái đất sẽ bị nuốt chửng.
Quá trình "chết" của một ngôi sao
Nghe có vẻ chẳng hay ho tí nào, nhưng cỡ vài tỷ năm nữa, còn ai sống sót để mà lo sợ cơ chứ?
3. Trái đất rơi vào quỹ đạo chết
Có những hành tinh bị rơi ra khỏi quỹ đạo của hệ Mặt trời trong thời gian hình thành - được gọi là những hành tinh "du mục".
Theo những tính toán gần đây, số lượng hành tinh du mục nhiều gấp 100.000 lần so với các ngôi sao đang tồn tại.
Một hành tinh du mục có thể đẩy Trái đất ra khỏi quỹ đạo
Một số chuyên gia cho rằng với số lượng lớn như vậy, khả năng một trong những hành tinh đó rơi vào hệ Mặt trời và khiến cho quỹ đạo của Trái đất lệch đi là hoàn toàn có thể.
Thậm chí, chúng ta có thể "văng" hẳn ra khỏi quỹ đạo, hoặc đâm vào các hành tinh lân cận (như sao Kim hay sao Thủy).
Ngay cả khi không đâm vào ai, thì nội việc lệch ra khỏi quỹ đạo bình thường đã đủ để khiến chúng ta trở thành một tinh cầu chết. Khi ấy, Trái đất sẽ biến thành một quả cầu băng, vì trọng lực khiến cho thời tiết tại đây khắc nghiệt đến mức chết người.
Trong một diễn biến khác, nếu như bị hành tinh du mục đâm phải, đó cũng sẽ là một thảm họa cực kỳ lớn. Theo nhiều giả thuyết thì vào khoảng 4,5 tỉ năm trước, một hành tinh nhỏ đã đâm vào chúng ta, khiến Trái đất vỡ ra một mảng - chính là Mặt trăng ngày nay.
Có điều nếu một thiên thạch cỡ ấy mà đâm vào lúc này, dám chắc sự sống trên Trái đất sẽ diệt vong.
4. Mưa thiên thạch
Chúng ta không cần nói nhiều về điều này nhỉ, khi Hollywood đã nói hộ rồi.
Thiên thạch từ vũ trụ có sức công phá rất lớn, bằng chứng là chúng đã diệt sạch loài khủng long trên Trái đất, gây ra cuộc đại diệt chủng lớn chưa từng có.
Tuy rằng phải có rất nhiều thiên thạch thì mới gây ra được thiệt hại lớn như vậy, nhưng không phải là điều đó không thể xảy ra.
Trái đất đã từng bị "dội bom" nặng nề sau khi mới hình thành được vài triệu năm, khiến cho đại dương trở thành nồi nước sôi khổng lồ trong suốt một năm tròn. Sự sống lúc đó chỉ mới ở dạng đơn bào, và chỉ có những vi sinh vật chịu được nhiệt thì mới sống sót nổi.
Ngày nay, nếu có một sự kiện tương tự xảy ra, nhiệt độ không khí có thể lên tới gần 500 độ C trong nhiều tuần liền, và hầu hết các sinh vật sống trên Trái đất sẽ diệt vong.
5. Trái đất đến gần lỗ đen vũ trụ
Sau thiên thạch, thì lỗ đen vũ trụ là thứ niềm cảm hứng rất mãnh liệt đối với các nhà làm phim Hollywood về chủ đề tận thế. Chúng quá bí ẩn, quá đáng sợ, ngay cả cái tên cũng đã gợi ra điều chẳng lành rồi.
Thường thức cho thấy, hố đen là một khối vật chất dày đặc đến mức không có một thứ ánh sáng nào có thể thoát ra khỏi nó. Nếu ánh sáng còn không thoát được, thì đương nhiên Trái đất cũng thế.
Hiện tại có 2 luồng ý tưởng về những gì sẽ xảy ra sau đó: các phân tử bị kéo giãn đến mức tách ra khỏi nhau hoàn toàn, khiến cho chúng ta hoặc là diệt vong hoàn toàn, hoặc là bắt đầu tiến đến một vũ trụ mới.
Điều gì phía bên kia màn đen chết chóc đó?
Nguồn: IFLScience