Tim Denning là một blogger nổi tiếng, chủ yếu được biết đến với các bài viết hấp dẫn trên các nền tảng: Entrepreneur.com, Addicted2Success.com và The Mission (On Medium). Ngoài việc viết blog, Tim còn là tư vấn cho một số công ty công nghệ nổi tiếng trên thế giới. Anh đã thất bại rất nhiều lần và biến những thất bại này thành một sự chuyển đổi cho sự phát triển cá nhân của mình. Và đến nay, thông qua những bài viết của mình anh muốn truyền cảm hứng cho mọi người và thay đổi cuộc sống của họ.
Đây là chia sẻ của anh về những hối tiếc chưa thực hiện được khi còn là một nhân viên văn phòng:
Tôi cũng từng là một nhân viên văn phòng. Và khoảng 1 năm trước, tôi đã bị công ty sa thải. Từ khi rời bỏ công việc này, tôi thấy trong lòng luôn có một gì đó gợn sóng. Đó không phải vì tôi tiếc nuối công việc của mình mà tôi cảm thấy hối tiếc vì bản thân đã chưa làm được một số điều khi còn là một nhân viên văn phòng. Tôi muốn chia sẻ những điều hối tiếc này vì muốn nhiều người có thể nhận ra trước khi phải hối tiếc. Khi bạn nghĩ: “Tôi cũng từng cảm thấy như vậy”, sau khi đọc về sự hối tiếc của tôi hay của một ai đó, mọi thứ sẽ thay đổi.
Không cố gắng có một công việc đam mê ngoài giờ làm
Tôi đã đánh đổi những đam mê cá nhân để tập trung vào công việc văn phòng này trong nhiều năm. Tôi từng từ bỏ đam mê viết của mình để lựa chọn công việc văn phòng bởi đây là một lựa chọn an toàn và ổn định. Và rồi một lần nữa, tôi lại để công việc này chi phối cả thời gian của những sở thích ngoài giờ mang lại niềm vui và sự thư giãn cho mình.
Có lẽ bạn cũng từng trải qua điều này. Bạn bị một điều gì đó kìm hãm bản thân được đam mê và sống hết mình với niềm vui cuộc sống. Có lẽ đó là nỗi sợ hãi. Có thể đó là áp lực gia đình. Hoặc có thể bạn sợ sếp của mình. Có thể bạn đang làm việc quá sức và không còn thời gian trống để làm điều gì khác.
Hãy thử sắp xếp lại thời gian của mình và làm điều gì đó khác bạn yêu thích ngoài giờ bằng tất cả tình yêu và đam mê của mình. Có thể là viết blog, vẽ tranh, ca hát, viết nhạc... Đó đều là những điều tuyệt vời giúp bạn vượt qua sự tù túng của văn phòng và 8 tiếng đồng hồ làm việc áp lực mỗi ngày.
Hối tiếc vì chưa nói với sếp của mình rằng "đủ rồi!"
Tôi từng làm việc với những cấp trên "độc hại". Tôi đã thấy họ khoe khoang về cách họ sẽ khiến đối thủ của mình bị thất bại. Tôi đã phớt lờ những sự đối xử khắc nghiệt của sếp cũng như những thủ đoạn mà tôi thấy khinh bỉ. Nhưng hiện tại, tôi hối hận vì đã không nói với con người ích kỷ đó "đủ rồi, anh bạn!". Ngay cả khi anh ta sa thải tôi, tôi vẫn hối hận vì đã không nói điều đó. Tôi muốn nói với sếp những sự thật đó để anh ta rút ra bài học và thay đổi.
Nếu bạn chứng kiến hành vi độc hại, ích kỷ thì bạn có thể đứng lên và nói “đủ rồi”. Chỉ khi hành vi xấu được chỉ ra thì chúng mới được cải thiện và thay đổi. Nhiều người sống rất mù quáng. Họ không thể nhận thấy ở mình những điểm sai mà những người khác nhìn thấy.
Không giúp được đồng nghiệp bị sa thải
Tôi đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình bị sa thải. Tôi rất tiếc vì đã không liên hệ với nhiều người trong số họ để chia sẻ sự quan tâm của mình. Trong những năm gần đây, tôi đã có thói quen đối xử với những người bị sa thải với sự tôn trọng như tôi đã nhận được khi điều đó xảy ra với tôi năm ngoái.
Một ngày nào đó, người bị sa thải có thể là bạn. Người bị sa thải có thể tiếp tục những điều lớn hơn và tốt hơn, thậm chí, họ có thể đem đến cơ hội mới cho bạn. Đừng bao giờ đánh giá thấp một người bị mất việc, bởi họ đã từng trải qua sự thay đổi, chính điều đó sẽ khiến họ trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Không hiểu mục đích của công việc
Tôi hối hận vì không hiểu mục đích của công việc.
Tôi đã đi làm và chạy theo thành tích và tiền bạc trong phần lớn sự nghiệp của mình. Tôi đã nghĩ rằng một chiếc xe BMW là ý nghĩa cuộc sống. Tôi đã không nhận ra công việc còn có nhiều ý nghĩa hơn thế:
• Gặp gỡ những người đồng nghiệp mình yêu quý.
• Khám phá tối đa những tài năng của mình.
• Xây dựng kỹ năng.
• Gặp gỡ nhiều người có thể học hỏi và hợp tác.
• Tham dự các sự kiện.
• Đối chiếu so sánh ý tưởng trong tương lai của mình với công ty hiện tại mình đang làm.
• Hãy xem những nỗi buồn và khó khăn của đồng nghiệp như cảm xúc của chính mình.
Mục đích của việc làm là mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của bạn. Mục đích của công việc là kiếm đủ tiền có thể nghỉ công việc bị gò bó này nhanh nhất có thể và bắt đầu một công việc của riêng mình - Một công việc mà bạn có thể làm và không bao giờ phải bận tâm đến việc mình được trả bao nhiêu nữa.
Không dùng một ngày nghỉ phép nào
Tôi rất tiếc vì mình đã không xin nghỉ một ngày trong tuần để dành cho đam mê viết của mình sớm hơn. Lần đầu tiên tôi xin nghỉ tay tôi đã run. Tôi đã nghĩ rằng, một ngày nghỉ mỗi tuần này sẽ khiến tôi phải trả giá bằng một công việc mơ ước – vị trí quản lý của một nhóm mười sáu người. Nhưng việc này không nghiêm trọng đến vậy. Tôi đã dễ dàng được phê chuẩn nghỉ phép.
Làm việc 4 ngày một tuần có nghĩa là bạn sẽ nhận được khoản lương ít hơn 20%. Nhưng những gì học được vào một ngày nghỉ mỗi tuần bên cạnh công việc văn phòng, sẽ trả các chí phí còn lại cần phải chi cho nửa còn lại của cuộc đời bạn. Bạn sẽ học được tính độc lập, sức mạnh của sự hy sinh, có đủ can đảm để làm việc của riêng mình, giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa.
Hoặc bạn có thể làm những gì bạn tôi Chris đã làm và dành thêm ngày nghỉ trong tuần để xem con bạn lớn lên và giúp đỡ công việc học tập của chúng.
Một công việc 4 ngày một tuần có thể thay đổi cách bạn suy nghĩ và cách bạn hành động. Điều đó đáng để bạn bỏ ra 20% tiền lương.
Không bao giờ là quá muộn để nhận ra sự hối tiếc của bạn và sửa chữa hành động của mình. Đó là những gì tôi đã làm và bây giờ những hối tiếc của tôi là động lực thúc đẩy tôi.