Khi còn trẻ hẳn ai cũng từng có giai đoạn bồng bột, nông nổi, luôn muốn khẳng định thỏa mãn "cái tôi" của mình. Nhưng cái giá phải trả là không ít lần gặp phải những vấp váp, trắc trở trong công việc, nguyện ước không thành hay đổ vỡ trong mối quan hệ… Lúc đó, ta mới học được bài học của sự trưởng thành.
1. Hạ cái tôi của mình xuống
Thời trẻ, đa phần, ai cũng có "cái tôi" cao ngất ngưởng. Đôi khi ta hống hách, ngang tàng, bất chấp. Có những việc phần lỗi thuộc về mình nhưng ít khi nào ta nhận ra hoặc nếu có nhận ra cũng rất dễ dàng cho qua bởi vì ta vẫn "còn trẻ".
Nhưng theo thời gian, chính sự ngông cuồng này khiến ta phải nhận lấy nhiều "quả đắng". Sự rèn giũa đến từ xã hội gay gắt hơn nhiều so với khi còn trong vòng bảo bọc của gia đình, nhà trường.
Vòng quan hệ càng mở rộng với những người sếp, đồng nghiệp, bạn làm ăn, người yêu, bạn bè xã hội… tạo nên những mối kết giao phức tạp hơn. Khi "cái tôi" quá lớn sẽ rất dễ dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột, đố kị, đỗ vỡ trong quan hệ, thất bại trong hợp tác... Rất nhiều người trẻ vì sự tự phụ, bất chấp của mình đã phải mất trắng sự nghiệp.
Lúc đó, theo bản năng của con người, để tránh sự tổn thương, ta bắt đầu hạ dần "cái tôi" của mình xuống, học cách khiêm nhường.
2. Biết chấp nhận thực tế
Khi trưởng thành, một điều đáng giá ta học được chính là biết chấp nhận thực tế. Lúc còn trẻ thường nghĩ chuyện gì cũng nằm trong tay. Mình có thể làm chủ mọi việc, không cần phải bận tâm quá nhiều. Nhưng càng lớn lên mới nhận thấy, có rất nhiều chuyện không phải muốn mà được hay chỉ cần cố gắng sẽ như ý.
Lúc còn non dại, sự việc không theo ý mình thì liền tức tối, đau khổ, bất mãn với thực tại, đổ lỗi cho người khác. Trưởng thành là khi biết nhìn nhận đúng thức tế, đánh giá đúng sự việc. Có những điều không thể thay đổi thì tự mình nhận lấy, không than trách.
3. Biết tự nhận trách nhiệm
Khi đã nhìn nhận thấu rõ vấn đề, thay vì đổ lỗi hay tự oán trách, sỉ vả bản thân, người trưởng thành tự soi lại mình. Chấp nhận thực tế, nhận trách nhiệm về mình để tiến lên phía trước thay vì dậm chân tại chỗ. Trách nhiệm của mình đến đâu, bản thân tự chịu đến đó.
Người biết chịu trách nhiệm là khi biết bản thân chính là người làm chủ cuộc đời.
4. Biết tự cân bằng cuộc sống của mình
Lúc còn trẻ, có thể chỉ tập trung đến một vài chuyện mình cảm thấy hứng thú mà không quan tâm đến những vấn đề khác. Có thể chơi thâu đêm mà không cần biết ba mẹ lo lắng. Có những lúc vùi đầu vào công việc mà không chú ý đến sức khỏe hay chi tiêu hoang phí không cần biết đến tương lai...
Càng trưởng thành, càng "chín muồi" thì con người càng hướng đến sự cân bằng. Tự cảm thấy, cuộc sống không phải chỉ của riêng mình mà còn của gia đình, những người thân yêu bên cạnh.
Khi nhận thức được cũng là lúc tự mình biết cân bằng cuộc sống, sức khỏe, tình yêu, bạn bè, công việc, gia đình,..
5. Biết tự đặt câu hỏi mình là ai, mình sống trên đời này vì điều gì
Hầu như đa số ai cũng trải qua một giai đoạn "chênh vênh" với cảm xúc hoang mang, mơ hồ, lạc lõng. Những câu hỏi để tìm kiếm, xác định lại bản thân bắt đầu lặp đi lặp lại trong đầu. "Mình là ai?", "Mình xuất hiện trên cuộc đời này để làm gì?", "Mình phải sống thế nào đây?,…
Đây cũng chính là khoảng thời gian đánh dấu bước ngoặt của những thay đổi lớn. Lúc ta băn khoăn tự hỏi mình là lúc ta bắt đầu chậm lại thay vì cứ băng đi không kịp suy nghĩ như những ngày non dại. Chậm lại để nhìn nhận, tìm hiểu chính mình.
Đừng vội gục ngã trước những thử thách, thất bại trong cuộc sống. Đó chính là cách cuộc đời mang đến cho bạn những bài học trưởng thành.