Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Washington, DC ngày 7/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo the Hill, tất cả 538 đại cử tri sẽ nhóm họp tại các cơ quan lập pháp tiểu bang trên toàn quốc vào ngày 14/12 (giờ Mỹ) để chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống. Cuộc họp được cho là sẽ củng cố thêm chiến thắng trong cuộc bầu cử của Tổng thống đắc cử Joe Biden và giáng một đòn quyết định lên những thách thức pháp lý của Tổng thống đương nhiệm Donal Trump.
Dưới đây là 5 điểm đáng mong đợi trong cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri.
Liệu sẽ có đại cử tri bội tín?
Khi đại cử tri đoàn nhóm họp vào năm 2016, 306 người trong số họ đã cam kết bỏ phiếu cho ứng viên đảng Cộng hòa Trump và 232 người khác bỏ phiếu cho ứng viên Hillary Clinton theo số phiếu phổ thông tại từng bang.
Tuy nhiên, khi công bố kết quả, ông Trump nhận được 304 phiếu đại cử tri, trong khi bà Hillary chỉ nhận được 227 phiếu. Bảy đại cử tri – thuộc các bang Hawaii, Texas và Washington - đã bỏ phiếu cho người khác không phải ứng cử viên mà họ cam kết ủng hộ.
Theo các chuyên gia phán đoán, có vẻ tình huống tương tự sẽ xảy ra trong năm nay.
Đầu năm nay, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết rằng các bang có thể trừng phạt hoặc loại bỏ những đại cử tri “bội tín” với ý nguyện mà cử tri đã thể hiện qua lá phiếu phổ thông hôm 3/11. Khoảng 32 tiểu bang và Đặc khu Columbia có luật yêu cầu đại cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên mà họ cam kết, số còn lại thì không quy định như vậy. Điều đó có nghĩa là những đại cử tri tại các bang không ra quy định có thể thay đổi lá phiếu. Trường hợp này gọi là đại cử tri bội tín.
Ngoài phán quyết trên, cả đội ngũ phụ trách chiến dịch của ông Biden và ông Trump đều nỗ lực để đưa những thành viên cốt cán của đảng trở thành đại cử tri với hy vọng họ sẽ giữ vững lòng trung thành. Van Johnson, thị trưởng của Savannah và là một trong 16 đại cử tri Dân chủ của bang Georgia, cho biết rằng ông không mong đợi bất kỳ đại cử tri nào trong tiểu bang mình thay đổi lá phiếu.
Tuy nhiên, Julian Zelizer - Giáo sư lịch sử chính trị tại Đại học Princeton - cho biết luôn có khả năng một số đại cử tri sẽ phá bỏ cam kết. “Chúng ta có thể chứng kiến một vài người. Với những tuyên bố cáo buộc mà Tổng thống đưa ra và lòng trung thành mù quáng của các đảng, điều này có thể xảy ra”.
Đại diện của cử tri đoàn bang Bắc Carolina ký vào giấy chứng nhận bỏ phiếu trong tòa nhà quốc hội ở Raleigh, Bắc Carolina ngày 19/12/2016. Ảnh: Reuters
Tổng thống Trump sẽ làm gì nếu kết quả được công bố sau ngày 14/12?
Mặc dù cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri ngày 14/12 có thể sẽ thu hẹp cơ hội lật ngược kết quả bầu cử vốn đã khó khăn của Tổng Trump và nhóm pháp lý của ông, nhưng đội ngũ này có khả năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các cáo buộc về gian lận phiếu phổ thông. Liên tục trong tuần trước, Tổng thống Trump đã đã có loạt bài đăng Twitter cáo buộc về các gian lận bầu cử.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump có thể sẽ nhận được sự khích lệ tinh thần khi ước tính có hàng nghìn người ủng hộ ông đã đến Washington vào cuối tuần để ủng hộ cuộc chiến pháp lý của ông đối với cuộc bầu cử.
Cuối tháng trước, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ rời Nhà Trắng nếu ông Biden chiến thắng lá phiếu của đại cử tri.
Cố vấn cấp cao trong đội ngũ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, bà Jenna Ellis, nhấn mạnh ngày 6/1, khi Quốc hội kiểm phiếu của các đại cử tri mỗi bang, mới là ngày “mang ý nghĩa quyết định cuối cùng”.
Quy trình năm nay nhận được nhiều chú ý hơn mọi khi?
Những tuyên bố về gian lận bầu cử của Tổng thống Trump và những thách thức pháp lý đối với kết quả bầu cử đã khiến cuộc bỏ phiếu sắp tới thu hút nhiều sự chú ý hơn bình thường - vốn dĩ trước đó chỉ mang tính hình thức.
Giới chuyên gia nhận định lần gần đây nhất mà cuộc bỏ phiếu của đại cử tri đoàn nhận được nhiều sự quan tâm như vậy là trong cuộc bầu cử năm 2000, khi năm đó cuộc bầu cử cũng gặp phải nhiều thách thức pháp lý.
“Sự khác biệt là có lỗi nghiêm trọng trong quá trình kiểm phiếu được phát hiện vào năm 2000. Còn năm nay thì không”, Giáo sư Zelizer giải thích.
Hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống Trump đã biểu tình ở Washington vào cuối tuần qua, tiếp tục lên tiếng cho những tuyên bố vô căn cứ về hành vi gian lận bầu cử.
Cuộc bỏ phiếu có khác biệt trong năm nay do đại dịch COVID-19?
Cuộc bỏ phiếu ngày 14/12 có thể khác biệt đáng kể so với những năm trước do hậu quả của đại dịch COVID-19.
Thông thường các đại cử tri trên toàn quốc nhóm họp tại các cơ quan lập pháp tiểu bang của mình để bỏ phiếu, nhưng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 tại mỗi bang có thể thay đổi quy trình đó.
Tại New York, các đại cử tri sẽ trực tiếp tập trung ở tòa nhà nghị viện của bang ở Albany do luật bầu cử yêu cầu họ phải trực tiếp tham dự. Các đại cử tri cũng sẽ gặp mặt trực tiếp tại Georgia, nhưng sẽ phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn như rửa tay, đeo khẩu trang.
Các thành viên Thượng viện tới phòng họp của Hạ viện để tham gia cuộc họp chung kiểm phiếu đại cử tri. Ảnh: house.gov
Liệu kết quả cuộc bỏ phiếu có chấm dứt những rối ren hậu bầu cử?
Cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn dự kiến củng cố vị thế của ông Biden với tư cách là tổng thống đắc cử, song Tổng thống Trump và các đồng minh được cho là sẽ không thừa nhận thất bại.
Đội ngũ phụ trách chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump ám chỉ họ có kế hoạch tiếp tục thúc đẩy để lật ngược kết quả bầu cử trong những tuần tới. Ngày 8/12, các luật sư của Tổng thống Trump đã bác bỏ tầm quan trọng của cuộc bỏ phiếu đại cử tri, cho rằng “không phải là chưa từng có các cuộc tranh cử kéo dài sau ngày 8/12. Ngày cố định duy nhất theo quy định của Hiến pháp Mỹ là lễ nhậm chức của tổng thống vào trưa ngày 20/1,” luật sư Rudy Giuliani và Ellis cho biết trong một tuyên bố.