Ước mơ của mọi bà nội trợ là có căn bếp rộng rãi để thoả sức bày biện, nấu nướng. Nhưng nếu điều kiện không cho phép, bếp chỉ rộng vỏn vẹn vài m2 thì sao? Sự thật chứng minh dù bếp nhỏ cỡ nào thì các bà nội trợ cũng có muôn kiểu biến hoá, chị em nhìn vào là học ngay được vài tuyệt chiêu bí mật.
1. Căn bếp 10m2
Căn bếp này chỉ rộng 10m2 nhưng có tone màu trắng nhìn cực "tây" và tạo cảm giác sạch sẽ, rộng rãi hơn. Chủ nhân căn bếp còn trổ 1 ô cửa sổ lớn để lấy thêm ánh sáng và giúp bếp không bị ám mùi khi nấu nướng. Với tone trắng, đồ nội thất, gia dụng cũng có màu trung tính như trắng, ghi để tạo đường nét đơn giản và tránh cảm giác rối rắm, vướng mắt. Vì vậy, căn bếp tuy có diện tích nhỏ nhưng vẫn thoáng và có không gian thoải mái.
Căn bếp có tone trắng siêu sang
Cửa sổ lớn hướng ra sân
Những phụ kiện bếp như vòi và chậu rửa màu đen tối giản, còn tủ bếp có hộc to, rộng và sâu lòng kèm cánh tủ đóng kín nên đựng được nhiều đồ và giữ bếp ngăn nắp hơn. Kệ bếp bằng gỗ thông nhìn khá vintage, lại được chia ngăn thoáng giúp căn bếp không chật hẹp, tù túng tầm nhìn.
2. Căn bếp hơn 3,5m2
Căn bếp "bé hạt tiêu" này có diện tích vỏn vẹn 2,2mx1,6m. Bếp tuy nhỏ nhưng tài xoay xở của chủ nhân xứng đáng điểm 10 vì cách sắp xếp khoa học, gọn gàng. Tủ bếp cũ có màu gỗ tối nên trông khá tối tăm. Vì vậy để tân trang lại tủ bếp, nữ chủ nhân chọn cách "hạt giẻ" nhưng vô cùng hiệu quả là dán tủ màu giả gỗ trắng.
Căn bếp bé tẹo teo được sắp xếp vô cùng khoa học
Kệ gỗ treo tường là ý tưởng hay giúp bày được nhiều thứ đồ hơn mà không tốn thêm diện tích trong bếp. Kệ treo được đóng từ gỗ và giá đỡ bằng sắt, sức đỡ lên đến 30kg nên đặt thoải mái các đồ nặng mà không lo sập. Ngoài ra phải kể đến kệ treo bắt cố định lên trần nhà phân tách tủ lạnh và tủ bếp để treo các loại rổ và gia vị khô. Chiếc kệ kéo đựng gia vị ở khoảng hẹp giữa hệ tủ và tủ lạnh cũng giúp tận dụng diện tích triệt để.
Các loại kệ, giá treo giúp bếp gọn gàng hơn
3. Căn bếp 6m2
Chủ nhân căn bếp gọn gàng, đẹp mắt như thế này, bạn phải hiểu thói quen nấu ăn cũng như nhu cầu hàng ngày của chính mình. Ví dụ, đặt gia vị nấu ăn gần bếp, dùng các loại móc treo để treo muôi, vá. Nhờ đó, khi nấu ăn, chỉ cần với tay là lấy được đồ mình cần.
Bếp nhỏ nhưng nhìn đâu cũng thấy cưng
Những đồ gia dụng đa năng cũng giúp tiết kiệm diện tích bếp rất nhiều. Chủ nhân căn bếp này thì đầu tư những món vừa đa năng vừa có độ bền cao như nồi áp suất, lò vi sóng kèm nướng, máy nhào bột kèm chức năng xay...
Chiếc xe đẩy gỗ đựng được nhiều đồ, lại siêu bền nữa
4. Căn bếp 3m2
Bếp đi 3 bước chân là hết, lại thiếu tủ, kệ đựng đồ nên chủ nhân căn bếp đã đóng thêm giá, kệ, và sắp xếp lại vị trí của dụng cụ bếp sao cho phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng. Nhờ vậy, không gian bếp sau cải tạo đã trở nên rộng rãi và thoải mái hơn.
Căn bếp chỉ vừa 1 người đứng nấu nướng
Những góc tường nhỏ, hẹp cũng được tận dụng triệt để làm các giá treo. Bên trong ngăn kéo được giữ ngăn nắp bằng những chiếc khay có nhiều ngăn, còn các gói gia vị xếp ngay ngắn trong những chiếc hộp. Kệ trên tường dùng để treo nắp vung, khăn lau bếp và các món đồ lặt vặt khác.
Đồ đạc, dụng cụ khá nhiều nhưng được sắp xếp hợp lý
Kệ đựng gia vị siêu tiện lợi
5. Căn bếp ở nhà thuê
Đi thuê nhà nên khó tìm được một căn bếp rộng rãi, tuy nhiên, chủ nhân của căn bếp này đã biến khuyết điểm thành ưu điểm để có được 1 căn bếp gọn gàng, xinh xắn. Ban đầu bếp của nhà cấp 4 nên khá cũ và ẩm mốc, sau đó được tân trang lại bằng giấy dán tường màu sáng và lắp thêm đèn. Nhờ vậy, bếp trông sáng sủa, rộng rãi hơn hẳn.
Bếp tuy nhỏ nhưng "dàn nhân công" nhà bếp thì không thiếu món nào, từ hộp đựng thực phẩm đến máy sấy bát, máy lọc nước đến nồi chiên không dầu, máy làm sữa hạt, nồi áp suất điện... đều không thiếu món nào. Với bộ sưu tập đồ sộ này, chủ nhân tận dụng tối đa các loại kệ lớn, kệ bé nên vừa bày được nhiều đồ vừa không chiếm nhiều diện tích.
Bộ sưu tập đồ dùng nhà bếp này là cả gia tài trong mơ
Nguồn: Tổng hợp