Pinduoduo Inc. là nền tảng thương mại điện tử tương tác, thị trường trực tuyến lớn thứ hai ở Trung Quốc tính theo số lượng người dùng và số lượng đơn đặt hàng.
Từ ngày 16/6, tổng giá trị thị trường của Pinduoduo đã vượt quá 100 tỷ đô la Mỹ.
Theo danh sách người giàu của Forbes, vào chiều ngày 21/6, tài sản ròng của Huang Zheng (Hoàng Tranh), người sáng lập của Pingduoduo đã đạt 45,4 tỷ đô la Mỹ, vượt qua Jack Ma và trở thành người giàu thứ hai ở Trung Quốc.
Ở tuổi 40, dùng chưa tới 5 năm thời gian, Huang Zheng đã biến Pingduoduo thành một trong 3 đế chế thương mại điện tử lớn nhất tại đất nước tỷ dân.
Từ một thanh niên tay trắng cho tới một tỷ phú, Huang Zheng chỉ dùng đúng 5 năm ngắn ngủi, đây là điều mà rất nhiều người ao ước nhưng chứ chắc đã làm được.
Khi hiểu rõ hơn về lịch sử phát triển của Huang Zheng, tôi phát hiện ra, thành công của anh không thể thiếu được hai từ "quý nhân".
Thương hiệu cá nhân, quyết định tỷ lệ gặp được quý nhân
Huang Zheng sinh ra trong một gia đình có gia cảnh bình thường, nhưng ngay từ nhỏ đã bộc lộ là một người giỏi giang.
Khi học tiểu học, anh từng đoạt giải trong cuộc thi Olympic, sau đó được nhận vào trường trung học Ngoại ngữ Hàng Châu, trở thành học sinh duy nhất trong suốt 10 năm của trường được nhận vào trung học Ngoại ngữ Hàng Châu.
Sau khi tốt nghiệp, Huang Zheng được tuyển thẳng vào phân viện Chu Kochen Honors của đại học Chiết Giang (đại học thuộc hàng top của Trung Quốc), học về chuyên ngành khoa học máy tính.
Trong khi những người khác bận rộn chơi game, yêu đương thì toàn bộ thời gian của Huang Zheng đều giành cho việc học.
Anh vô cùng yêu thích chuyên ngành này, còn thường đăng những suy nghĩ và nghiên cứu của mình lên các diễn đàn chuyên môn, và nhận được rất nhiều lời khen.
Năm thứ 4 đại học, Huang Zheng nhận được lời mời kết bạn từ một người lạ trên mạng, đối phương hỏi anh từng câu hỏi kỹ thuật một, và người lạ này không ai khác, chính là CEO Ding Lei của NetEase (công ty công nghệ Internet của Trung Quốc cung cấp các dịch vụ trực tuyến tập trung vào nội dung, cộng đồng, truyền thông và thương mại). Sau khi trò chuyện qua lại, hai người trở thành bạn của nhau.
Năm 2002, Huang Zheng sang Mỹ để học thạc sĩ khoa học máy tính. Ding Lei sau khi biết được tin này, đã giới thiệu người quen ở Mỹ của mình là Duan Yongping với Huang Zheng.
Huang Zheng, người giàu thứ 2 Trung Quốc
Quỹ đạo cuộc đời của Huang Zheng từ đó cũng thay đổi, và việc quen biết Duan Yongping đã trở thành một bước ngoặt trong số phận của anh.
Duan Yongping, được mệnh danh là người giàu bí ẩn nhất Trung Quốc, ông là người tạo ra "Xiaobawang" càn quét khắp đất nước Trung Quốc vào những năm 1990 và là người sáng lập BBK group (công ty đa quốc gia của Trung Quốc trong lĩnh vực điện tử chuyên thiết kế và chế tạo các sản phẩm TV , điện thoại thông minh, máy ảnh số , máy nghe nhạc MP3.
Công ty sản xuất điện thoại di động mang nhãn hiệu OPPO, OnePlus, Realme, và Vivo, máy nghe nhạc Blu-ray …)
Không chỉ vậy, Giám đốc điều hành BBK hiện tại Jin Zhijiang; người đứng đầu OPPO, Chen Mingyong hay người đứng đầu Vivo, Shen Wei, tất cả đều là "đệ tử" của ông.
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp, Huang Zheng nhận được lời đề nghị từ cả Microsoft và Google, trong khi Huang Zheng vẫn đang không biết lựa chọn ra sao thì Duan Yongping đã khuyên anh lựa chọn Google, công ty mà khi đó vẫn chưa phát triển lắm.
"Google có vẻ là một công ty rất có tiền đồ, đáng để thử, cũng có ích với ước mơ sau này của cậu, nếu đi thì xác định đi ít nhất 3 năm, bởi vì nếu chỉ đi 1,2 năm sẽ chưa thể nào có thể hiểu hết được công ty."
Quả nhiên, trong thời gian Huang Zheng làm việc tại Google, Google đã có những bước tiến dài và giá trị tài sản ròng của anh cũng tăng lên đáng kể.
Ba năm sau, Huang Zheng, với giá trị tài sản ròng hơn một triệu đô la Mỹ, trở thành chuyên gia kỹ thuật hàng đầu, và được cử đến Trung Quốc để mở rộng thị trường cùng với Li Kaifu.
Kinh nghiệm này đã giúp anh thành lập Pinduoduo và tích lũy các mối liên hệ và vốn ban đầu.
Năm 2006, Duan Yongping thành công có được bữa trưa với Buffett với giá 620.000 đô la Mỹ, và ông đã đưa Huang Zheng, khi đó mới 26 tuổi, đến bữa tiệc.
Năm 2007, Huang Zheng xin nghỉ việc và bắt đầu ra khởi nghiệp, Duan Yongping hoàn toàn ủng hộ anh và thậm chí còn giao cho anh một phần của công ty BBK.
……
Duan Yongping và Warren Buffett
Trong những năm sau đó, Duan Yongping luôn là người thầy quan trọng nhất của Huang Zheng trên con đường khởi nghiệp, không quá lời khi nói rằng nếu Huang Zheng không gặp Duan Yongping, có lẽ anh đã không có được ngày hôm nay.
Huang Zheng cũng từng chia sẻ, "Anh Duan có ảnh hưởng rất lớn đến tôi. Chen Mingyong là đại đồ đệ, Shen Wei là nhị đồ đệ, Jin Zhijiang là tam đồ đệ, còn tôi là em út."
Duan Yongping chính là quý nhân của Huang Zheng, nhưng nếu bản thân Huang Zheng không viết bài nghiên cứu rồi đăng lên mạng, bản thân anh không có kỹ năng kỹ thuật chuyên môn xuất sắc, Dinh Lei sẽ không theo dõi rồi muốn kết bạn, thì sau này chắc cũng sẽ không có cây cầu nào giúp anh gặp được Duan Yongping.
Quý nhân, không phải cứ tình cờ là gặp được, mà là bạn dùng thực lực của mình để thu hút. Cái gọi là may mắn, thực ra đều là thực lực.
Quý nhân giúp đỡ bạn, cho bạn cơ hội, cơ hội này là bạn dùng thực lực của mình để thắng lại được.
Vì vậy, khi bạn cảm thấy không công bằng, ngưỡng mộ những đứa trẻ may mắn khác, chi bằng hãy nhìn xem những thành tích phía sau họ.
Quý nhân là người cho phép bạn phạm sai lầm, nhưng không khoan dung bạn sai hết lần này tới lần khác
Những người giúp đỡ và cho bạn lời khuyên vào những lúc mấu chốt chính là quý nhân của bạn.
Tương tự, một người hướng dẫn cho phép bạn phạm sai lầm, cũng chính là quý nhân của bạn, họ đang không ngừng cho bạn cơ hội để thử và trưởng thành.
Gần đây, BOSS Zhipin và Tencent Video của Trung Quốc đã hợp tác sản xuất một chương trình thực tế về nơi làm việc mang tên "Tôi, người mà ông chủ chưa biết" mùa thứ 2.
Tập đầu tiên là bàn về vấn đề cắt giảm lương cấp dưới, có một người nói lên quan điểm của mình đối với nhân viên phạm sai lầm là: đuổi việc.
Lúc này, Ma Weiwei, quản lý cấp cao của một công ty nổi tiếng đã lên tiếng rằng: "Mỗi một người đều có một tỷ lệ sai xót nhất định, máy tính cũng có tỷ lệ sai xót nhất định.
Bạn đừng bao giờ làm một người không có sai xót, cái gọi là xem trọng nhân tài, đó chính là cho họ cơ hội."
Trên thế giới này, không có ai là không phạm lỗi cả, đặc biệt là ở nơi làm việc. Có những sai lầm, sau khi sai rồi, nó ngược lại có thể điều chỉnh phương hướng của bạn, giúp bạn tiến bộ hơn.
Đối với một nhân viên, phạm sai lầm không đáng sợ, đáng sợ là sau khi phạm sai lầm rồi vẫn không biết suy ngẫm, tiếp tục phạm phải những sai lầm tương tự.
Nơi làm việc không có ai rảnh rỗi, cũng chẳng có ai suốt ngày kè kè bên cạnh để nhắc nhở, chỉnh đốn lại bạn cả.
Tiểu thuyết gia nổi tiếng người Brasil, Paulo Coelho từng nói: "Khi bạn hết lần này tới lần khác lặp lại một sai lầm nào đó, nó sẽ không còn là sai lầm nữa, mà sẽ trở thành một quyết định."
Không ngã ở cùng một chỗ, không gây rắc rối cho người khác, chính là tố chất cơ bản nhất ở nơi làm việc mà bất cứ chúng ta ai cũng nên có.
Nhưng có một vài lỗi lầm, đó là những vấn đề mang tính nguyên tắc và không được đụng đến như tham ô tài sản công ty.
Là một nhà quản lý, nhận thức được sai lầm và ngăn chặn tổn thất kịp thời sẽ tốt hơn việc gây tổn hại cho cấp dưới và thậm chí cản trở sự phát triển của công ty.
Ngày QQ (một dịch vụ phần mềm nhắn tin và cổng thông tin web phổ biến được phát triển bởi công ty công nghệ Trung Quốc Tencent) mới thành lập, có một khoảng thời gian người dùng phải trả phí đăng kí, khiến Tencent khi đó bị không ít người mắng chửi.
Mấu chốt là nhân cơ hội này, không ít đối thủ cạnh tranh đã thừa nước đục thả câu, tung ra rất nhiều dịch vụ miễn phí để "dằn mặt" QQ.
Ý thức được nguy cơ, Pony Ma, người sáng lập của Tencent đã ngay lập tức điều chỉnh chiến lược, quay lại với chiến trường miễn phí.
Sau này, có người để lại bình luận: "Tencent mà chậm thêm tý nữa thôi là phá sản như chơi."
Tencent có được địa vị phổ biến như hiện tại, thực ra cũng không tách ra khỏi việc điều chỉnh kịp thời quyết sách sai lầm năm nào.
Bất kể là Wechat, QQ hay những ứng dụng khác, những nhu cầu cơ bản đều sẽ được miễn phí, còn nhu cầu cao cấp và được cá nhân hóa hơn thì mới cần phải trả phí.
Đây chính là thu hoạch lớn nhất sau những sai lầm, tận dụng mỗi một lần phạm sai xót, vậy thì những lỗi lầm ấy sẽ còn có giá trị hơn thành công rất nhiều.
Chuyên gia về nơi làm việc người Mỹ Katherine Brooks cho biết: "Nếu bạn không vấp ngã, điều đó có nghĩa là bạn không hề thử sức với cái mới, cũng có nghĩa là bạn chưa cố gắng hết sức."
Sai lầm không phải hoàn toàn là vô ích, cho phép người khác phạm sai lầm, cũng cho phép chính mình phạm sai lầm, là một người bao dung với lỗi lầm. Lâu dần, bạn sẽ phát hiện ra, bạn sẽ ngày một gần hơn với lý tưởng của mình.
Thực ra, quý nhân cũng có những suy nghĩ của riêng mình, về mặt bản chất, thực ra là họ đang "đầu tư" cho bạn.
Nếu bạn muốn quý nhân giúp đỡ mình, bạn cần phải cho họ thấy là bạn đáng để được họ giúp.
Bất kể là trong công việc hay cuộc sống, cố gắng thể hiện lý tưởng của mình, không ngừng học hỏi các tiền bối đi trước, dùng thực lực chứng minh cho họ thấy rằng bạn có thể và bạn xứng đáng để hưởng cái được gọi là "quý nhân phò trợ".
Nhớ rằng, bạn, chính là người tự tạo ra quý nhân cho mình!