Mạng xã hội với nhiều tiện ích đang trở thành 1 trong những kênh giao tiếp thông dụng đối với rất nhiều người trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị và lợi ích đem lại thì sự phát triển nhanh chóng của internet đã kéo theo khá nhiều hệ lụy. Trong đó, cũng có 1 bộ phận người dân, do chưa nhận thức được đúng đắn đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin giả mạo nên vô tình đã tiếp tay, làm lan truyền các nội dung thất thiệt với tốc độ chóng mặt.
Nhân dịp Tết Nhâm Dần, hãy cùng điểm lại Top 4 tin fake khiến mạng xã hội Trung Quốc chao đảo trong năm Tân Sửu vừa qua.
1. 70 nghìn Thạc sĩ nối đuôi nhau làm nghề shipper
Các công ty giao hàng nhanh tại Trung Quốc rất biết cách nắm bắt tâm lý khách hàng, năm hết Tết đến thiết kế riêng mũ bảo hiểm lạ mắt nhằm thu hút sự chú ý của người đi đường
Năm 2021, trên mạng xã hội ở đất nước tỷ dân xuất hiện tin đồn "70 nghìn thạc sĩ nối đuôi nhau làm nghề shipper". Trong đó có đề cập đến việc trình độ văn hóa của các shipper đều khá cao (Thạc sĩ trở lên chiếm 1%). Đây là 1 dạng tin đồn đánh vào tâm lý độc giả, khiến nhiều người không khỏi hoang mang.
Thời điểm tin đồn được lan rộng trên mạng internet đã gây ra sự lo lắng không nhỏ cho cư dân mạng Trung Quốc, đồng thời khiến giới truyền thông nước này cũng phải tham gia thảo luận. Thực chất số liệu được đưa ra không hề sai, nó được lấy từ bản báo cáo Thông tin chi tiết về sinh viên đại học làm nghề shipper vào năm 2019 do Ele.me (nền tảng dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến của Trung Quốc) phát hành vào ngày 28/8/2019 và Thông tin chi tiết về thanh niên làm nghề shipper của Meituan (nền tảng mua bán và giao đồ ăn online của Trung Quốc) công bố vào ngày 17/1/2019.
Đa phần sinh viên chọn làm shipper kiếm thêm thu nhập trong dịp hè
Báo cáo của Ele.me chỉ tập trung vào những sinh viên đại học làm việc bán thời gian (chiếm 99%) và nghề họ chọn là giao đồ ăn nhanh. Trong đó có tổng cộng 9.896 sinh viên đại học trên khắp Trung Quốc đã tham gia vào cuộc khảo sát vào mùa hè năm 2019 và có 1% là sinh viên tốt nghiệp có bằng Thạc sĩ trở lên.
Ngoài ra, con số 70 nghìn được các phương tiện truyền thông tổng hợp từ nhiều nguồn nhưng chưa hề có công bố chính thức.
2. Mẹ chồng tiễn con dâu đi bước nữa sau 6 năm con trai qua đời
Vào ngày 18/11/2021, hot search về Mẹ chồng tiễn con dâu đi bước nữa sau 6 năm con trai qua đời đã thu hút rất nhiều sự chú ý của dân mạng xứ Trung.
Đoạn clip ngập tràn hạnh phúc được cư dân mạng mạnh tay chia sẻ
Đoạn clip ngắn trên cho biết: "6 năm trước, chồng đột tử, bỏ lại vợ đang bụng mang dạ chửa, nhưng người phụ nữ nhất quyết sinh con. 6 năm sau, vào ngày con dâu tái hôn, đích thân mẹ chồng đã tiễn cô đi lấy chồng." Cốt truyện nghe qua vô cùng cảm động và khiến nhiều cư dân mạng thích thú, đua nhau vào ấn like.
Tuy nhiên, đoạn video trên chỉ dài vỏn vẹn vài giây, nhân vật chưa được xác thực, thời gian và địa điểm cũng không rõ ràng, ai có thể đảm bảo đấy là sự thật?
Dạo 1 vòng trên mạng, có thể thấy những đoạn clip ngắn với kịch bản cảm động giống như ở trên nhiều không đếm xuể. Nội dung và nhân vật tuy làm sơ sài, nhưng đã đánh được vào tâm lý tò mò của nhiều người, khiến tin tức chưa xác thực đã được lan truyền rộng rãi.
3. Chồng già vợ trẻ
Tin tức bị "xào nấu" đến biến dạng nhất có lẽ sẽ được trao giải cho bức ảnh dưới đây. 1 cư dân mạng có tên Phi ca ở Đông Hoản đã đăng bức ảnh mang tính đả kích cùng dòng miêu tả gây chú ý: "Doanh nhân giàu có ở Đông Hoản 73 tuổi kết hôn với người đẹp Quảng Tây 29 tuổi". Tài khoản này còn tiết lộ, tiền sính lễ trong đám cưới là 880 nghìn tệ (tương đương 3,1 tỷ đồng) cùng 2 căn hộ chung cư sang trọng và 1 ô tô cao cấp.
Bức ảnh khiến chính chủ cười không được khóc cũng chẳng xong
Trong ảnh, người đàn ông mặc vest trắng đang ôm lấy vai cô gái trẻ. Tin đồn đã gây hiệu ứng phản cảm mạnh mẽ trên mạng và nhận về nhiều chỉ trích. Song, ảnh là thật, nhưng câu chuyện đằng sau lại hoàn toàn không phải như thế.
Ngày 21/11/2021, chính chủ đã phải đăng tải lên mạng 1 bức "tâm thư" dài để đính chính tin đồn thất thiệt kể trên.
Cô gái cho biết đây là ảnh mình chụp cùng ông ngoại vài năm trước tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 29/12/2018. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà 3 năm sau, bức ảnh gia đình đó đã bị đánh cắp và biến thành câu chuyện bi hài này.
Tuy sự việc đã được làm sáng tỏ, nhưng người ta lại không thể bắt hoặc xử lý hành chính người tung ra tin đồn ấy.
4. Cô gái uống trà sữa bị đánh thuốc mê giữa đường
Sự việc được cho là xảy ra ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. 1 người phụ nữ đang uống trà sữa, bỗng có người đàn ông tiến đến mời cô mua nước hoa, sau đó cô "đột nhiên cảm thấy toàn thân tê dại, cơ thể bắt đầu mềm ra, muốn ngất đến nơi".
"Cô gái hớt hải chạy vào cửa hàng nói 'hãy cứu tôi với, tôi bị đánh thuốc mê'. Sau đó, tôi để cô ấy ngồi trong cửa hàng nghỉ ngơi. Cho tới khi cảnh sát đến cô gái vẫn tỉnh táo." - Người phụ trách cửa hàng giày nói.
Sau đó cô gái đã chạy vào cửa hàng giày kêu cứu.
Về sau, Sở công an Thâm Quyến cho biết việc cô gái bị đánh thuốc mê là sai sự thật, và bất ngờ là có nhiều trường hợp giống cô gái trên đã đến báo án. Sự việc khiến cộng đồng mạng Trung Quốc thảo luận rôm rả trong thời gian dài, đa phần cho rằng các cô gái "xem phim nhiều quá, nghĩ mình xinh đẹp nên cho rằng ai cũng muốn hãm hại mình".
Trước thông tin đánh thuốc mê ngang nhiên trên đường, cơ quan chức năng có liên quan đã đính chính thông tin rằng, thuốc gây mê tức thời không hề tồn tại. Tuy nhiên, mọi người đề cao cảnh giác và có tâm lý tự bảo vệ mình là điều đúng đắn.
Thông qua bản "điểm danh" tin fake khiến dân mạng Trung Quốc bận rộn tương tác trong năm Tân Sửu kể trên, hy vọng mọi người nói "không" với tin giả, tin sai sự thật và tự tạo ra cho mình 1 "tấm lá chắn" vững chắc trước những luồng thông tin độc hại.
Nguồn: Tổng hợp